Hà Nội

Làm vợ Lev Tolstoy: Cuộc sống địa ngục bên cạnh thiên tài

06-03-2019 09:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Suốt nhiều năm hai người sống như chó với mèo, cô đơn, tự khép mình, liên tục hành hạ nhau bằng những cáo buộc không phải lúc nào cũng có căn cứ. Mặc dù vậy họ vẫn chung sống dưới một mái nhà ngót nửa thế kỷ.

"Nhìn chung tôi không có cảm tình với đàn ông, với tôi, tất cả họ đều là những kẻ xa lạ và ghê tởm về phương diện thể chất. Thời gian dài tôi buộc phải gắn bó với một gã. Thế rồi cá thể đó trở thành nhân vật cao quý và tôi phải yêu ông ta cạn lòng. Trong gần 50 năm, Lev Tolstoy là nhân vật quan trọng nhất của tôi” - Sophie, phu nhân Lev Tolstoy (1828-1910) nhà văn hiện thực vĩ đại nhất thế giới cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX bộc bạch trong nhật ký của bà.

Cuộc hôn nhân của họ tràn ngập sóng gió, bởi Sophie không phải dạng phụ nữ yếu đuối và nữ đối tác dễ sai khiến.

Sophie thời trẻ và vợ chồng bà những năm cuối đời.

Sophie thời trẻ và vợ chồng bà những năm cuối đời.

Khổ sở bởi ám ảnh ghen tuông

Bé gái Sophie Behrs, phu nhân tương lai của văn hào Nga vĩ đại, chào đời năm 1844. Lớn lên, Sophie trở thành người đẹp thu hút nhiều ánh mắt: thiếu nữ quyến rũ với mái tóc màu nâu óng mượt, đôi mắt đen láy và cái nhìn đượm buồn, khiến mày râu lãng mạn Lev Tolstoy không thể bỏ qua.

Đổi lại, nguồn gốc gia đình đại quý tộc (Tolstoy là bá tước) và tác phong khoáng đạt của nhà văn buộc thiếu nữ mới lớn nhanh chóng xiêu lòng. Hai cá thể yêu nhau ngay sau cái nhìn đầu tiên và bất chấp chênh lệch tuổi khá lớn (nàng 18, chàng 34), tháng 9/1862 cặp đôi trở thành vợ chồng.

Họ sống ở dinh thự tại Yasnaya Polyana, tài sản của gia tộc nhà Tolstoy, nơi tác giả hai kiệt tác văn học hiện thực đỉnh cao thế giới: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina đã sinh ra, từng sống, sáng tác và yên nghỉ vĩnh viễn.

Đối với người đẹp tuổi 18, hôn nhân nhanh chóng chứng tỏ là thách thức khó nhất cuộc đời. Chưa đầy một tháng sau ngày lên xe hoa, Sophie đã thất vọng mô tả trong nhật ký:

“Hai tuần đầu, cứ tưởng sống với Tolstoy, mình hoàn toàn thoải mái. Chàng là cuốn nhật ký của tôi, tôi không có gì phải giấu giếm. Song từ ngày hôm qua, từ lúc Tolstoy tuyên bố, anh không tin vào tình yêu của tôi, tôi thực sự lo sợ.”

Sophie thuộc dạng phụ nữ có cá tính mạnh mẽ và quyết liệt.

“Không bao giờ tôi chịu đứng một chỗ. Lúc nào tôi cũng tiến lên phía trước, không một chút do dự. Bây giờ, từ giây phút làm vợ, xem ra cần phải coi tất cả mơ ước một thời là hành động ngớ ngẩn, viển vông, cần phải dứt khoát từ bỏ. Trong khi tôi không thể.

Đối với tôi, toàn bộ quá khứ của chồng thật dơ dáy và tôi tin, sẽ không bao giờ tôi có thể chấp nhận”.

Không bao giờ chấp nhận quá khứ của chồng, Sophie muốn nói đến thời gian nhiều năm bá tước Tostoy đầy uy quyền, lực lưỡng và điển trai tuổi 30 sống buông thả, trụy lạc với hàng trăm người phụ nữ.

Tệ hơn, bản thân Tolstoy không hề che giấu quá khứ của mình. Ông hãnh diện cho vợ xem những cuốn nhật ký thời “vàng son” của mình, trong đó tràn ngập những trang viết mô tả tỉ mỉ hành vi làm tình cuồng loạn của bản thân và đối tác.

Dẫu hết lòng ngưỡng mộ và trân trọng công việc sáng tạo của chồng (Sophie từng 7 lần chép lại tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình cho Tolstoy), song những dòng chữ thích thú man rợ của mày râu từng trải - thợ săn khoái cảm nhục dục không khác gì những mũi dao đâm nát trái tim nàng.

Cảm giác đau xé càng dữ dội và dai dẳng, vì nó bị bồi đắp bởi những chuyến đi xa sáng tác đầy nghi ngờ ngày càng dày đặc của nhà văn. Cùng với thời gian, ám ảnh bản thân bị chồng phản bội ngày càng rõ ràng, đậm nét.

Chứng bệnh trầm cảm và hoang tưởng của người phụ nữ 13 lần mang thai và sinh con (5 con tử vong từ tuổi ấu thơ) gom nhặt sức mạnh hủy diệt kinh khủng. Nó đã xô đẩy Sophie đến quyết định vài lần tự tử (rất may không thành).

Đoạn kết thê thảm

Đầu những năm 1900, bước vào tuổi ngoài 70, trước áp lực đời sống xã hội thay đổi  cùng với tâm trạng bực tức ngày càng dồn nén bởi thái độ ghen tuông đến bệnh hoạn của Sophie, Tolstoy liên tiếp đổ bệnh.

Mang nặng tâm lý chán đời, sau một số cuộc bỏ nhà ra đi vô định và không mục đích, người nổi tiếng dự định tìm đến tu viện, nơi em gái của mình đang là Mẹ bề trên, song vì sức khỏe suy sụp, Tolstoy buộc phải dừng chân, nghỉ trong ngôi nhà của người trưởng ga đầu mối Astapovo. Tại đây nhà văn vĩ đại trút hơi thở cuối cùng vì bệnh viêm phổi, ngày 20/11/1910.

Tháng 11/2018 tên làng và nhà ga lịch sử được đổi thành Lev Tolstoy.

Bà Sophie phu nhân Tolstoy cũng qua đời vì bệnh viêm phổi 9 năm sau ngày chồng ra đi.

Vợ chồng nhà Tolstoy sống với nhau 48 năm. Trong nhật ký của mình, bà Sophie nhấn mạnh: “Nếu tôi có thể giết chết Tolstoy, sau đó tái tạo Tolstoy mới, y hệt Tolstoy ban đầu - tôi sẽ vui vẻ làm chuyện đó”.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn