Hà Nội

Làm việc xuyên đêm và "màn phục kích" đáng nhớ

21-06-2022 15:38 | Xã hội

SKĐS - Để hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Y tế và tòa soạn giao, ban ngày chúng tôi vừa bám sát các đoàn công tác để đăng tải kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh, ban đêm, chúng tôi len lỏi vào từng khu điều trị, xóm dân cư để ghi lại những mảnh ghép về cuộc sống của người dân trong tâm dịch.

Dấu ấn về đêm tác nghiệp đầu tiên nơi nước sôi lửa bỏng

Gần nửa đêm, phóng viên Trung Sơn - người bạn đồng hành cùng tôi trong chuyến tác nghiệp đặc biệt này vừa trải qua một ngày làm việc hơn 16 tiếng đồng hồ đi về từ Quảng Ninh. Tôi bàn việc: "CDC Hải Dương có đề tài cũng hay lắm, có đủ sức đi không? Nếu còn đủ sức thì nghỉ chút rồi 12h xuất phát chắc phải 2-3h sáng mới xong đấy". Không chút ngần ngại, Sơn trả lời: "Lên sắp xếp đồ nghề bàn qua chút về dàn ý rồi mình đi luôn nhé".

Lọ mọ xuống tầng một, tứ bề đã tắt đèn, trời tối đen như mực, tôi thỏ thẻ với anh lễ tân: "Anh ơi, anh có thể cho chúng em mượn xe máy một chút để sang CDC được không?". Cảm nhận được sự nhiệt tình của những phóng viên trẻ, anh lễ tân nhanh chóng giao cho chúng tôi chìa khóa của một chiếc xe máy "đắt tiền" và dặn dò: "Tí về muộn thì cứ để chìa khóa trên bàn này cho anh nhé". Như bắt được vàng, chúng tôi rối rít cảm ơn rồi tức tốc phi xe sang CDC Hải Dương.

Đêm tác nghiệp đầu tiên tại tâm dịch Hải Dương.

Đêm tác nghiệp đầu tiên tại tâm dịch Hải Dương.

Trong đêm tối tĩnh mịch, màn đêm như nuốt gọn chúng tôi, lúc này thành phố Hải Dương có duy nhất một dãy nhà vẫn sáng đèn, Sơn cất giọng: "CDC kia rồi". Trong lúc thay đồ bảo hộ để vào khu xét nghiệm, tôi nói với Sơn: "Này, 12h đêm rồi mà thấy háo hức quá, hay tại vì là lần đầu đi tác nghiệp nửa đêm, chỗ này lại còn rất mới mẻ nữa". Cũng giống tôi, Sơn rất háo hức cho buổi tác nghiệp lúc nửa đêm này, trong đầu chúng tôi nảy ra vô số những ý nghĩ về một bài viết với vô vàn chi tiết mới lạ, những góc cạnh chưa ai khai thác. Chúng tôi tiến vào khu xét nghiệm với tâm thế chỉ mong sao không bỏ qua câu chuyện nào, đủ thời gian trò chuyện với tất cả nhân viên ở đây.

May mắn thay, khi vào khu xét nghiệm, chúng tôi gặp Hoàng Anh - một chàng trai chỉ mới đôi mươi rất nhiệt tình giới thiệu từng ngóc ngách, kể về câu chuyện của từng nhân viên đang thâu đêm suốt sáng để lọc từng mẫu xét nghiệm COVID-19. Ở đó, đôi mắt họ đều đỏ au vì thiếu ngủ, những chiếc ghế kê tạm bên máy đọc kết quả chỉ đủ để kịp chợp mắt mấy phút, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một câu chuyện nhưng ai ai cũng đều nỗ lực, cố gắng vì mục tiêu chung.

Chuyến "khám phá" CDC Hải Dương kết thúc lúc hơn 2h sáng, Hoàng Anh không quên "giám sát" chúng tôi cởi bỏ đồ bảo hộ sao cho đúng quy chuẩn phòng dịch. Về tới nhà khách, chỉ kịp vệ sinh cá nhân thật nhanh rồi ngả xuống giường. Thu thập được nhiều tài liệu quý giá, tôi chìm vào giấc ngủ và lòng vẫn khó tả.

Căn bếp "không ngủ" trong Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương.

Căn bếp "không ngủ" trong Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương.

Thay đổi chiến thuật tác nghiệp để có thông tin quý tới độc giả

Chẳng mấy chốc, năm mới đã gõ cửa. Trong một lần tình cờ chúng tôi được nghe kể về các cô nuôi trong căn bếp ở Bệnh viện Dã chiến 2 đóng tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Ngay chiều tối 27 Tết, chúng tôi "phục kích" ở căn bếp để ghi lại câu chuyện ấm áp về những cô nuôi đã sáu bảy mươi tuổi, hằng ngày vẫn lọ mọ tới đêm khuya rồi khi trời còn chưa tờ mờ sáng đã lóc cóc đạp xe tới đây để kịp chuẩn bị bữa sáng cho bệnh nhân.

Dường như e dè với những chiếc máy ảnh hay có thêm người "lạ" trong căn bếp, các cô nuôi ai cũng bẽn lẽn, né tránh ống kính và ậm ừ trả lời những câu hỏi. Để xóa tan đi những khoảng cách, chúng tôi quyết định buông máy ảnh xuống, xắn tay vào cùng các cô chuẩn bị cơm nước, rửa rau, bưng bê đồ đạc. Rồi lân la hỏi dăm ba câu về gia đình, chuyện dịch bệnh đang phức tạp ra sao. Sau một hồi làm quen, các cô đã bắt đầu vui vẻ trò chuyện, rồi tự kể về câu chuyện của mình lúc nào không hay. Thế nhưng mỗi lần định giơ máy ảnh lên chụp đều nghe các cô bảo rằng: "Cô già xấu lắm rồi các cháu đừng chụp cô đưa cô lên báo ngại lắm". Tôi động viên: "Cô ơi ảnh đẹp lắm lát chụp xong cháu đưa cô xem". Vậy mà khi xem lại những bức ảnh chúng tôi chụp, ai nấy đều tủm tỉm cười rồi bảo: "Ảnh đẹp đấy nhỉ, bao giờ lên báo thì nhắn cho cô để cô đọc nhé!".

Tối hôm chúng tôi có mặt ở căn bếp cũng là ngày các cô nuôi nấu bánh chưng tặng cho những sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương từ khắp các tỉnh, thành đang ở lại cùng Hải Dương chống dịch và các bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Vậy là trong lúc tác nghiệp và đón Tết xa nhà, chúng tôi lại có dịp được gói bánh chưng, ngồi bên bếp lửa trò chuyện. Hôm nay cũng là ngày gia đình tôi nấu bánh chưng ở quê, nếu không có mặt ở Hải Dương chắc giờ này tôi cũng đang quây quần bên bếp lửa. Trong lòng bỗng gợn lên nỗi nhớ nhà xa xăm.

Khi đồng hồ điểm sang ngày mới, những cô nuôi lại đạp xe trở về nhà, tranh thủ nghỉ ngơi để sáng sớm quay lại đây chuẩn bị bữa sáng cho bệnh nhân. Vài ba người ở lại căn bếp tiện cho việc sửa soạn. Chiếc giường dã chiến của họ cũng thật "độc", chỉ là tấm chiếu kê dưới gầm bàn bằng inox lạnh ngắt. Lần tác nghiệp đặc biệt này đã giúp tôi và các đồng nghiệp nhận ra rằng, giữa tâm dịch có những sự hy sinh thật thầm lặng và nếu như không có những lần tác nghiệp lúc "nửa đêm" như vậy, chắc hẳn tôi và các độc giả đều khó lòng biết tới tình cảm cao cả nơi tâm dịch ngày cuối năm.

Quay trở về nhà khách đã hơn 1 giờ sáng, chẳng ai bảo ai, tôi và Sơn liền ngồi vào bàn làm việc, tôi gõ ra những câu chuyện mà tối nay được nghe, được cảm nhận, còn Sơn nhanh chóng lọc ra những bức ảnh sống động nhất, chân thật nhất. Sứ mệnh chúng tôi được giao phó là nhanh chóng mang đến cho độc giả những câu chuyện thấm đượm tình người trong tâm dịch khi Tết đến, xuân về.

Đón Giao thừa đầy cảm xúc

10 giờ đêm 30 Tết, tại nhà khách Bạch Đằng (thành phố Hải Dương), sau khi ăn bữa tất niên ấm cúng cùng các thành viên trong tổ công tác, chúng tôi chuẩn bị lên đường vào Bệnh viện Dã chiến 2 để đón Giao thừa cùng đội ngũ nhân viên y tế và các bệnh nhân. Trước giờ khắc Giao thừa, tổ công tác họp nhanh cùng Bộ trưởng Bộ Y tế và các điểm cầu nơi có bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Khi mọi người đang vẫy tay chào nhau để kết thúc cuộc họp, bỗng dưng đâu đó vang lên lời bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"... thế rồi tất cả các điểm cầu hân hoan cùng nhau vỗ tay và cất vang tiếng hát.

Lúc thời khắc Giao thừa gõ cửa muôn nhà cũng là lúc tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại tâm dịch Hải Dương tới từng giường bệnh để gửi những lời chúc tới các em nhỏ một mình đón Tết trong viện, các cụ già lớn tuổi đi cùng cháu nhỏ, em bé sơ sinh vừa lọt lòng mẹ vừa tròn một tháng tuổi... Trong khoảnh khắc nhận được chiếc lì xì đỏ cùng lời chúc từ mọi người trong tổ công tác, một bé gái đã xúc động nói với chúng tôi rằng: "Sau này lớn lên, cháu sẽ làm bác sĩ để cứu người".

Cùng lúc đó, bên ngoài lan can là những cuộc gọi video với gia đình, người thân, bạn bè... những nụ cười và giọt nước mắt trên khuôn mặt của những bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 2 không khỏi làm chúng tôi xúc động.

Ghé thăm bác bảo vệ, các nhân viên y tế đang quây quần bên mâm cỗ cúng Giao thừa dưới sân bệnh viện, chúng tôi trao nhau những lời chúc, những mong ước cho năm mới. Một đêm Giao thừa không tiếng pháo hoa, không rộn ràng hân hoan như bao năm trước nhưng ai ai cũng bùi ngùi, tràn đầy cảm xúc và niềm tin rằng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc và chúng ta sẽ sớm được trở về bên gia đình để đón một cái Tết đoàn viên, ấm áp.

Đêm Giao thừa, những cô nuôi vẫn tất bật chuẩn bị bữa sáng cho bệnh nhân tại BV Dã chiến số 2.

Đêm Giao thừa, những cô nuôi vẫn tất bật chuẩn bị bữa sáng cho bệnh nhân tại BV Dã chiến số 2.

Sau khi quay trở về nhà khách, tôi tranh thủ gọi video về cho gia đình để không muốn bỏ lỡ những giây phút đầu năm bên những người thân yêu. Năm nay cũng là một cái Tết đặc biệt với gia đình tôi và tôi hay gọi là "Tết 3 miền". Em trai tôi công tác tại Đồn Biên phòng tỉnh An Giang, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng không thể về đón Tết cùng gia đình. Lần đầu tiên cả tôi và em trai tôi đón Tết xa nhà. Cảm giác nhớ nhà chưa bao giờ khiến tôi trở nên yếu đuối như lúc này nhưng chúng tôi động viên bố mẹ rằng dịch bệnh sắp ổn định rồi và chúng con sẽ sớm về thôi. Xung quanh khuôn viên nhà khách, các đồng nghiệp của tôi cũng đang ríu rít trò chuyện cùng người thân với những lời chúc tụng đầu xuân và mong ước sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Những ngày sau đó, các chuyến tác nghiệp từ đêm muộn tới tờ mờ sáng của chúng tôi trở nên thường xuyên hơn, không quản ngày đêm hay nắng mưa. Có khi nhận tin đã kết nối được tổ COVID-19 cộng đồng tại Cẩm Giàng cũng là lúc trời chập choạng tối, chúng tôi lại nhảy lên chiếc xe "wave chiến" và đi khắp các thôn làng để ghi nhận tư liệu, khi xong việc trời cũng đã về khuya. Trên quãng đường dài hàng chục kilômét chỉ có chúng tôi cùng chiếc xe đèn lờ mờ vừa đi vừa dò đường, thi thoảng vài chiếc container phóng vù qua bụi bay mù mịt. Thế nhưng, điều ấm áp nhất là dù có về muộn tới đâu, vẫn có những anh chị trong nhà khách dành phần cơm nóng hổi chờ chúng tôi về, rồi những cuộc gọi hỏi han khi tới giờ cơm mà chưa thấy chúng tôi đâu: "Em có kịp về ăn cơm không? Anh chị chờ nhé... Cơm hôm nay có rươi kho ngon lắm...". Rồi thi thoảng, mọi người cho thêm cái bánh gai, quả trứng gà bồi dưỡng và không quên "ưu ái" cho cô gái duy nhất của đoàn là tôi thêm một quả. Những hành động dù nhỏ nhặt nhưng vô cùng ấm áp của các anh chị tại nhà khách khiến chúng tôi không còn cảm thấy đây là nơi "đất khách quê người", từ những người xa lạ chúng tôi trở nên thân thuộc chỉ bằng những lời chào hỏi, những bữa cơm "ngon như cơm nhà nấu" và nỗi nhớ nhà cũng vơi bớt đi nhiều phần.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng

Kim Dung
Ý kiến của bạn