Vậy làm trắng da có ảnh hưởng gì tới làn da và sức khoẻ, người ta đã dùng những kỹ thuật gì để làm trắng da… Để giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. BS cao cấp (BSCC) Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hội da liễu Việt Nam.
PGS.TS.BSCC. Nguyễn Duy Hưng.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay việc làm trắng da được chị em phụ nữ Việt Nam rất ưa chuộng để cải thiện làn da của mình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS. BSCC. Nguyễn Duy Hưng: Việc làm đẹp thật là thú vị. Người da trắng lại muốn có làn da Á Đông nên mùa hè họ tắm biển phơi nắng cho da đen hơn để có thể khoe với bạn bè về làn da rám nắng của mình. Nhưng, thật đáng tiếc chỉ một thời gian sau da của họ lại trắng như xưa. Và chị em ta thì ngược lại, muốn có làn da trắng như người da trắng. Chúng ta cũng nên hiểu và có thể ủng hộ họ nếu như việc làm này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Một điều cũng khá thú vị là mới đây thôi ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đã chọn một cô gái người Ê đê có nước da nâu làm hoa hậu. Điều này cũng gây tranh cãi nhiều trên cư dân mạng và trong dư luận xã hội. Nhưng tôi thấy cô ấy thật xứng đáng bởi vẻ đẹp tự nhiên độc đáo của một cô gái Tây Nguyên.
Phóng viên: Vậy thưa ông yếu tố nào đã quyết định màu sắc của làn da và mái tóc?
PGS. TS. BSCC. Nguyễn Duy Hưng: Màu của da, tóc là do sự tổng hợp hắc tố trong tế bào melanin, sự di chuyển, biến đổi tại tế bào sừng thượng bì và nang lông. Chức năng chính của melanin là bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Màu da cơ bản phụ thuộc vào mức độ tập trung của sắc tố melanin được qui định bởi gen khi không có tác động của ánh nắng và các yếu tố môi trường khác. Màu da thực đặc trưng bởi sự gia tăng của sắc tố melanin trên mức cơ bản. Tia cực tím (UV) là yếu tố quan trọng nhất làm tăng sắc tố da.
Phóng viên: Vậy làm trắng da có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ của làn da trước mắt và lâu dài không, làm trắng da khác với làm sáng da ở chỗ nào, thưa ông?
PGS. TS. BSCC. Nguyễn Duy Hưng: Làm trắng da có nghĩa là da của chúng ta bị giảm hắc tố melanin, việc này đồng nghĩa với chức năng bảo vệ da của chúng ta bị ảnh hưởng. Trước mắt là các tia tử ngoại (UVA, UVB) dễ dàng xâm nhập hơn vào da. Tác động của tia này làm tổn hại các tế bào thượng bì, có thể xuyên sâu hơn xuống trung bì da. Tổn hại tế bào thượng bì sẽ gây phá hủy tế bào, nhân tế bào và trong một số trường hợp có nguy cơ gây ung thư tế bào da. Tia tử ngoại xâm nhập vào trung bì gây tổn hại các thành phần của lớp này như chất cơ bản, collagen, sợi chun và các mạch máu, thần kinh của trung bì, dần dần sẽ dẫn đến lão hóa sớm cho da dưới tác động của ánh nắng mặt trời.
Làm trắng da và làm sáng da thực chất là một, chúng chỉ khác nhau ở mức độ. Làm sáng da đôi khi chỉ cần tẩy tế bào chết, dùng kem chống nắng hàng ngày là có thể làm làn da sáng hơn. Tuy nhiên, muốn da sáng hơn có thể phải cần sử dụng các chất làm trắng da nhẹ. Làm trắng da thì cần phải dùng đến các chất tẩy trắng da mạnh hơn.
Phóng viên: Một số loại mỹ phẩm được quảng cáo có tác dụng làm trắng da, đó là chất gì? Thực hư của các chất này trong việc sử dụng làm trắng da? Nếu bôi nhiều lợi và hại ra sao, thưa ông?
PGS. TS. BSCC. Nguyễn Duy Hưng: Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm làm trắng da với nhiều thành phần trong công thức của từng loại sản phẩm. Tuy nhiên, cần phải hiểu là làn da của mỗi người do yếu tố di truyền quyết định. Các cụ có câu nói rất hay “Đen đánh phèn không trắng, trắng phơi nắng không đen”. Các chất làm trắng da siêu tốc trên thị trường hiện nay chủ yếu dùng các loại sản phẩm có axít nhẹ, axít hoa quả để tẩy nhanh, trắng da. Một số sản phẩm có sử dụng hydroquinon với các nồng độ khác nhau, thuốc này có thể gây nguy hại cho da và có nguy cơ gây ung thư da nên nhiều nước đã cấm sử dụng. Các sản phẩm bôi cao cấp hơn có glutathion, vitamin C. Tất cả đều có tác dụng tạm thời, sau đó da lại trở về màu vốn có từ trước.
Các sản phẩm làm trắng da đều có tác dụng tạm thời
Phóng viên: Các spa và những cơ sở làm đẹp vẫn quảng cáo các công nghệ tắm trắng toàn thân hiện đại hoàn toàn từ thiên nhiên với những giá trên trời, vậy ông có ý kiến gì về các công nghệ làm trắng da kiểu này. Cũng có nhiều biện pháp phản khoa học lột da mặt làm cho người lầm tưởng là da mình trắng lên. Ông có thể cho biết những nguy hại của việc làm trắng da cấp tốc kiểu này?
PGS. TS. BSCC. Nguyễn Duy Hưng: Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này và cũng chưa được y học công nhận một cách chính thống. Vì vậy các bạn đừng quá tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ của các cơ sở làm đẹp kẻo tiền mất tật mang.
Việc dùng các biện pháp phản khoa học để làm trắng da một cách cấp tốc ẩn chứa rất nhiều nguy hại cho làn da và sức khoẻ của người lột da. Lột da mặt là một phương pháp sử dụng hóa chất để lột một phần da của thượng bì. Các hóa chất này rất mạnh, thường là axít. Khi lột da mặt, da sẽ bị mất một phần thượng bì, gây tổn hại da một cách nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bị bỏng, viêm da cấp tính phải chữa trị lâu dài, thậm chí có thể gây biến chứng da sạm đen hơn, da loang lổ trắng, đen. Hơn nữa, khi đó da mất chức năng bảo vệ dưới tác động của tia cực tím, hóa chất, bụi bẩn ô nhiễm và các vi sinh vật nên dễ bị tổn hại hơn rất nhiều.
Hiện nay, trên thế giới cũng như tại nước ta người ta sử dụng các loại hoá chất để làm trắng da như đã nêu. Ngoài ra, người ta còn sử dụng các loại laser để làm trắng da. Nhưng tất cả các phương pháp trên đều có thể gây tổn hại cho làn da của bạn và hiệu quả trắng da lại không phải là vĩnh cửu.
Phóng viên: Để có làn da trắng sáng, ông có lời khuyên gì cho độc giả? Có những biện pháp nào giúp làn da được trắng sáng tự nhiên được không?
PGS. TS. BSCC. Nguyễn Duy Hưng: Trước hết, chúng ta ai cũng mong muốn mình có làn da trắng mịn, hồng hào, khỏe mạnh. “Nhất dáng, nhì da” mà! Nhưng chúng ta cần phải hiểu mỗi người sinh ra đã được di truyền làn da của bố mẹ, tổ tiên để cho rồi. Việc chúng ta có thể làm được hàng ngày, từ khi còn trẻ là bảo vệ da của mình dưới tác động của tia cực tím (UV). Việc bảo vệ này không những để da trắng sáng hơn, mà còn hạn chế được lão hóa da sớm do tia tử ngoại gây nên, tránh được các bệnh lý về da như nám, sạm da, ung thư da. Sử dụng đúng các vitamin A, C, E cũng giúp bảo vệ da của chúng ta dưới tác động của tia tử ngoại, chống các gốc tự do gây tổn hại da. Và muốn chăm sóc da tốt, nên gặp các bác sĩ da liễu, các chuyên gia chăm sóc da để được tư vấn cụ thể và phù hợp với từng người.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm PGS. về cuộc trò chuyện này!