Hà Nội

Lạm thu trong trường học, làm sao để chấm dứt?

29-09-2024 09:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Các nhà trường bắt đầu tổ chức họp phụ huynh trong tháng 9 và câu chuyện thu - chi đầu năm gây bức xúc dư luận xảy ra ở nhiều địa phương.

Lại nóng chuyện lạm thu đầu năm học 

Mới đây, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh nhà trường đã kêu gọi đóng góp với mức 300.000 đồng/học sinh lớp 1 để mua 10 chiếc điều hòa trị giá khoảng 100 triệu đồng và 100.000 đồng/học sinh toàn trường để làm sân cỏ nhân tạo trị giá khoảng 168 triệu đồng. Tiều mua điều hòa đóng vào kỳ I và tiền làm sân cỏ nhân tạo đóng vào kỳ II.

Hay tại một số trường tiểu học ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) đã kêu gọi phụ huynh hỗ trợ đóng góp phụ cấp tháng 8/2024 cho bảo mẫu sai quy định.

Cũng trong tháng 9, một phụ huynh của Trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) phản ánh bất ngờ khi nhận thông báo phải đóng khoản tiền "bảo trì tivi" mức 100.000 đồng/học sinh. "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc đóng góp để nâng cao chất lượng dạy và học cho con em mình. Tuy nhiên, việc thu tiền 'bảo trì tivi' với mức 100.000 đồng/học sinh là chưa hợp lý. Tivi có chế độ bảo hành rõ ràng, giờ lại phát sinh thêm tiền bảo trì nữa", một phụ huynh chia sẻ.

"Hiến kế" từ chuyên gia

Để hạn chế được các khoản thu sai quy định, theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, việc công khai trên website là cần thiết. Đồng thời, các giao dịch cần thực hiện qua số tài khoản công khai của nhà trường, không để giáo viên hoặc nhân viên nhà trường thu mà không có biên lai sẽ hạn chế được các khoản thu sai quy định.

Lạm thu trong trường học, làm sao để chấm dứt?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

"Hiến kế" để các khoản thu đầu năm học không còn là chủ đề nóng, ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TP.HCM cho rằng, đầu tiên nhà trường cần minh bạch và công khai các khoản đóng góp của quỹ phụ huynh. Các trường cần rõ ràng mục đích sử dụng quỹ, các khoản chi tiêu và đảm bảo quỹ hội phụ huynh được sử dụng đúng mục đích, hợp lý. Việc minh bạch giúp phụ huynh cảm thấy tin tưởng và dễ dàng đồng thuận hơn.

Ngoài ra, các trường nên điều chỉnh mức thu quỹ phụ huynh hợp lý hơn. Các trường cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh để điều chỉnh mức thu quỹ sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, tránh tạo gánh nặng tài chính. Có thể áp dụng mức thu khác nhau tùy theo hoàn cảnh của từng phụ huynh, phụ huynh có điều kiện kinh tế thì đóng góp thêm một ít cho hoạt động của học sinh và nhà trường.

Bên cạnh đó, trường học nên có các hoạt động gây quỹ, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đóng góp của phụ huynh, các trường có thể tổ chức các hoạt động gây quỹ khác như bán hàng gây quỹ, tổ chức sự kiện cộng đồng,... nhằm tăng nguồn thu mà không gây áp lực tài chính lên phụ huynh.

Nói về nguyên nhân khiến "câu chuyện lạm thu" liên tục "nóng" qua các năm, TS. Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là "câu chuyện" quản lý nhà trường, liên quan tới trách nhiệm cùng cách thức hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp, ở trường.

Theo TS. Đặng Tự Ân, hiệu trưởng là người đại diện pháp luật, với chức trách quản lý tại mỗi cơ sở giáo dục, do vậy mọi hoạt động trong trường kể cả hoạt động của Ban đại diện trong hoạt động thu chi đầu năm, hiệu trường đều phải có trách nhiệm. Việc thu phải đảm bảo nguyên tắc thông báo công khai, dân chủ trong toàn trường, trong tất cả cha mẹ học sinh. Việc chi cũng phải theo nguyên tắc rõ ràng, tường minh, nhất là mua sắm, giải ngân theo đúng như quy định hiện hành của nhà nước. "Trường hợp xuất hiện dư luận tiêu cực trong việc thu chi đầu năm, hiệu trưởng nhà trường phải tổ chức giải trình công khai trong hội nghị giáo viên toàn trường và đại diện cha mẹ học sinh các lớp. Tuyệt đối nhà trường không được bỏ qua dư luận hoặc đổ lỗi cho Ban đại diện và cho rằng Ban đại diện đã thực hiện và phải chịu trách nhiệm".

Những khoản tiền nhà trường được và không được phép thu

Ngoài học phí và BHYT là hai khoản thu bắt buộc, người học còn phải đóng tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu. Khoản thu này áp dụng theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu - chi.

8 khoản tiền không được thu gồm: bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo vệ an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Một số khoản thu khác như tiền ăn, chăm sóc bán trú; học 2 buổi/ngày; nước uống; học phẩm cho học sinh mầm non; dạy thêm, học thêm trong nhà trường… thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của HĐND từng tỉnh, thành, được áp dụng tùy từng địa phương, đơn vị. Tất cả các khoản thu trên phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.


Đầu năm học, đủ loại quỹ "bủa vây" khiến phụ huynh bức xúcĐầu năm học, đủ loại quỹ 'bủa vây' khiến phụ huynh bức xúc

SKĐS - Đến hẹn lại lên, câu chuyện về quỹ lớp, quỹ trường lại trở nên "nóng" khi đầu năm học mới bắt đầu.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn