Hà Nội

Lạm thu hay xã hội hoá

14-10-2024 16:00 | Blog thầy thuốc
google news

Chủ trương huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và cần thiết, tuy nhiên việc “bổ đầu” đóng góp cho tất cả phụ huynh lại trở thành việc lạm thu.

Hầu như đầu năm học nào cũng vậy, không ít phụ huynh đã bày tỏ không đồng tình, thậm chí bức xúc trước hàng loạt khoản thu được cho là tự nguyện của nhà trường.

Chẳng hạn, mới đây, một phụ huynh đã lên mạng xã hội nêu bức xúc về việc phải đóng góp tiền cho nhà trường mua 7 tivi với giá 50 triệu đồng để dùng cho khối lớp 10; hay một trường khác vận động và thu được hơn 70 triệu đồng để xây dựng nhà xe cho học sinh.

Trước đó, một giáo viên ở TP Hồ Chí Minh cũng đã gây “bão” dư luận khi xin phụ huynh tiền mua laptop cho mình, nhưng khi có ý kiến không đồng ý thì “dỗi” không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Giải thích với báo chí, giáo viên này cho rằng sự việc là bình thường, đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục...

Không những thế, nhiều phụ huynh phản ánh, ngoài những khoản nhà trường thu theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế, tiền xây dựng trường, đóng góp cho hoạt động phong trào của nhà trường... còn rất nhiều các khoản thu khác được ban đại diện cha mẹ học sinh “vận động” để mua tivi, màn hình tương tác, máy lạnh, rèm cửa, tủ đựng đồ, trả tiền điện máy lạnh…

Có thể nói, đầu tư công cho ngành giáo dục hiện nay còn rất hạn chế, dẫn đến cơ sở vật chất của nhiều trường công lập chưa thể đáp ứng được cao nhất yêu cầu của phụ huynh và học sinh trong việc học tập.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở mức 15 - 19%, chưa đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, trong khoản chi ngân sách đó, phần lớn là chi cho lương và chế độ cho giáo viên.

Chính vì thế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương kêu gọi xã hội hóa để huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện cùng chia sẻ khó khăn với ngành Giáo dục, đóng góp xây dựng ngành Giáo dục ngày một tốt hơn cả về chất lượng và số lượng. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết trong lúc ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Theo định nghĩa, xã hội hóa giáo dục là việc huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước để xây dựng một xã hội học tập; là việc thực hiện mối liên hệ phổ biến giữa hoạt động giáo dục và cộng đồng xã hội, làm cho giáo dục phù hợp với sự phát triển của xã hội, thích ứng với xã hội, duy trì sự cân bằng giữa hoạt động giáo dục và xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, việc vận động xã hội hóa giáo dục đang có phần bị hiểu sai, dẫn tới tình trạng một số nơi, đặc biệt người đứng đầu cơ sở giáo dục, đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng áp đặt, cào bằng thu tiền của phụ huynh, khiến chủ trương xã hội hóa lại trở thành việc lạm thu. Lạm thu bởi những khoản thu thêm, thu ngoài quy định này quá nhiều; thậm chí có những khoản thu được xem là “vô lý” khi những phần chi trả này đã được ngân sách nhà nước đầu tư nhưng nhà trường vẫn tổ chức thu.

Cũng có thể nói, việc lạm thu của một số nhà trường xuất phát từ ban đại diện cha mẹ học sinh với “cớ” thu theo “nhu cầu của phụ huynh”. Tuy nhiên, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học. Các khoản ủng hộ cho ban đại diện cha mẹ học sinh theo nguyên tắc tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Xã hội hóa giáo dục là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của cha mẹ học sinh và nhà trường để đảm bảo cho con em có môi trường học tập tiện nghi, đầy đủ. Thế nhưng, đừng để một chủ trương tốt “biến tướng”, trở thành gánh nặng cho những cha mẹ học sinh, nhất là đối với những gia đình còn nhiều khó khăn. Để ngăn chặn việc lạm thu, cần xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình làm sai; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến phụ huynh và sự giám sát của cơ quan chức năng.

Mới đây, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" cũng đã nêu rõ: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra; đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế. Hy vọng từ những quyết sách này, gánh nặng về tài chính cho ngành Giáo dục sẽ nhẹ đi và việc xã hội hóa sẽ trở về đúng ý nghĩa của nó.


Theo Minh Thuyết/Báo Tin tức TTX
Ý kiến của bạn