Làm thơ, sang trọng & cay đắng!

18-09-2010 14:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đi dọc đất nước, cảm thấy không khí làm thơ chưa bao giờ nở rộ như hiện nay. Những câu lạc bộ thơ thôn, thơ xã, thơ phường, rồi thơ miền, câu lạc bộ những người yêu thơ... mọc lên như nấm.

Đi dọc đất nước, cảm thấy không khí làm thơ chưa bao giờ nở rộ như hiện nay. Những câu lạc bộ thơ thôn, thơ xã, thơ phường, rồi thơ miền, câu lạc bộ những người yêu thơ... mọc lên như nấm. Rất nhiều người không vào câu lạc bộ, hội đoàn nào thì cũng tự bỏ tiền túi ra in cho được một vài tập thơ để giải quyết "khâu oai". Cứ mang những tập thơ đó đi tặng, rồi tự phong cho mình là nhà thơ, nhà văn.

Những “nhà thơ” tự phong

Mới đây, tôi được nghe nhà thơ Phạm Đức tâm sự một chuyệt thật buồn, đại thể như sau: Đầu năm 2008, có một người đàn ông đến nhờ nhà thơ Phạm Đức biên tập một tập thơ để in. Nhà thơ Phạm Đức dù đã nghỉ công tác ở NXB Thanh Niên, nhưng vẫn thi thoảng nhận biên tập thơ khi có người nhờ. Cầm tập thơ được tập hợp đến hơn 50 bài, lướt qua, ông chẳng thấy có một câu nào gọi là... thơ cả. Nhà thơ mời nước, tâm sự, hỏi chuyện và được ông “nhà thơ” (người đến nhờ ông biên tập thơ) kể rằng nhà mình đông con, hiện ông đang sống ở Hà Nội, làm nghề buôn bán đồng nát, nhưng đã phải nuôi 5 đứa con trầy trật lần lượt qua đại học. Cảm thông trước một người đàn ông nghị lực, nhà thơ Phạm Đức nhận lời đọc, biên tập và hứa sẽ chỉnh sửa giúp để tập thơ được ra đời. Những ngày sau đó, ông “nhà thơ” nọ đến để cùng với nhà thơ Phạm Đức sửa chữa. Sửa đến bài thứ bẩy thì một hôm, ông đến xin lại tập bản thảo và đưa cho một người biên tập khác của NXB Thanh Niên, mà không hề nói sẽ mang đi đâu. Chừng hơn tháng sau, tập thơ ra đời, với giấy phép của NXB Thanh Niên.

Đầu năm 2009, ông “nhà thơ” mang hai tập thơ khác đến đã được in với giấy phép của hai NXB uy tín ở Hà Nội tặng nhà thơ Phạm Đức và nói lời xin lỗi. Ban đầu, Phạm Đức không hiểu ông này xin lỗi vì chuyện gì, sau ông nói: "Em xin lỗi bác vì đã “mượn” tiếng bác. Em viết bài tựa cho tập thơ rồi lấy tên bác để dễ được chú ý, vì bác uy tín...". Nhà thơ Phạm Đức rất bực tức, nhưng đầu năm mới, chẳng lẽ làm to chuyện. Ông “nhà thơ” hết lời van xin. Nhà thơ Phạm Đức bảo: "Về mặt pháp luật tôi không kiện anh là may, nhưng về mặt danh dự. Tôi phải nói. Anh lấy tên tôi để viết cho anh, chắc chắn anh khen rồi. Mà tập đó đâu phải thơ. Chẳng lẽ anh lại chửi vào mặt anh". Câu chuyện này là bài học cho những người làm thơ muốn "một bước lên giời!". Trong quãng thời gian làm biên tập ở NXB Thanh Niên, những trường hợp làm thơ không chuyên như ông “nhà thơ” nọ là rất nhiều. Nhưng nhà thơ thường phải bàn bạc, cùng tác giả sửa chữa, làm cho tác phẩm đạt được một giá trị nhất định.

Làm thơ, thực ra rất sang trọng nhưng cũng rất cay đắng. Đành rằng, ai cũng có thể làm thơ, theo cái bản năng của mình. Nhưng để chạm vào cái gọi là thơ, giá trị nghệ thuật của thơ thì không hề đơn giản. Không phải cứ sắp xếp lại các con chữ, ca ngợi quê hương đất nước, phường xã, con người, tình yêu đã là thành thơ. Và, thời nào thì thơ cũng có cái giá của nó, sự sang trọng của nó. Không phải cứ sờ vào nó, gọi tên nó mà đã thành danh, thành nhà thơ.

Trên thực tế, mỗi năm, dễ có đến cả nghìn tập thơ ra đời. Thử làm một phép nhân đơn giản, mỗi tập thơ tính trung bình là 35 bài, với một nghìn tập thơ, tổng cộng là 35.000 bài. Chưa kể những bài của các tác giả đạt tiêu chí, đã được đăng lên báo, đài không in tập, và một số lượng không nhỏ là nhiều bài thơ xuất hiện trên các trang báo mạng, mạng cá nhân... Mỗi NXB in khoảng 100 tập thơ/năm, có cả những tập là thơ thật, có tứ, có chất. Nhưng có những tập tìm mãi cũng chẳng thấy một câu thơ nào chứ chưa nói đến bài. Mà thường những tập xoàng xĩnh lại in rất dày, in ảnh và ghi trích ngang hoành tráng. Có quê quán tác giả, những tập thơ đã được in, những bài thơ có trong tuyển tập nào, là hội viên của câu lạc bộ nào... Người làm thơ cứ thế mang đến NXB nhờ in, chi tiền ra, khó khăn thì chi thêm, sốt sắng gọi điện và chờ. Cầu mong cho "đứa con tinh thần"  mau chóng xuất hiện để đem tặng. Họ có biết đâu, những tập thơ của họ đem tặng, chỉ được người ta lật giở, với cái nhếch mép, rồi để vào một xó xỉnh nào đó, không bao giờ được mở ra nữa.

 Ảnh minh họa

Những ngộ nhận đáng thương

Ở quê tôi, tuy cuộc sống chẳng dư dật gì, nhưng cũng có đến mấy câu lạc bộ thơ. Một người có tập thơ được xuất bản, đem ra câu lạc bộ tặng, thì oai hết chỗ nói. Ông ta được chúc tụng, được hoan hô, được mời lên đọc. Đương nhiên, một số người đã coi ông ta là nhà thơ, nhưng trong số đó, có người ghen tị. Ngay hôm sau về cố viết cho ra mấy chục bài, xin con cháu tài trợ, đem đi xin giấy phép, in để cho bằng bạn bằng bè. Có người in đến cả nghìn cuốn, đem tặng khắp làng trên xóm dưới. Ai đến ông ta cũng đem ra khoe, rồi đọc, không cần biết người đó là ai. Cứ đọc cho sướng miệng. Và, khi người nghe khen một câu thì người đọc cười tít mắt. Tôi có làm thơ, và những người làm thơ trong mấy xã gần đều biết. Một hôm, một bà trong CLB thơ X. gọi tôi về, nói rằng bà muốn in một tập thơ. Vì thấy một người cùng CLB với bà đã có một tập, được người khác chúc tụng. Bà cảm thấy rất khó chịu. Và tất nhiên, chỉ bốn tháng sau, bà này đã có một tập thơ, với lời bạt ghi tác giả là bà: "Nhà thơ XY". Tức bà đã nhận mình là nhà thơ.

Sự xuất hiện của các tập thơ đó khiến người ta có cảm giác bị bội thực. Người người đua nhau đi in thơ, để làm sang cho mình. Không kể người đó làm công việc gì, từ nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, công nhân, người buôn ve chai... Ai cũng có thể “làm” thơ để in. Đôi khi cái chuyện mang đi xin giấy phép in cũng theo phong trào, theo kiểu ganh đua ganh tị. In một tập chưa thỏa, có điều kiện phải in tập thứ hai, thứ ba, rồi thứ mười. Càng nhiều tập thì chứng tỏ "sức nặng" và uy tín của người làm thơ ấy. Sự ngộ nhận này đang tràn lan, bung nở, giết chết những ý định của người làm thơ thật, vì những tập thơ kém chất lượng, thơ rác, khiến cho người có ý thức ngại không muốn in thơ nữa.

Tôi không phủ nhận việc làm thơ. Làm thơ để gửi gắm, thể hiện, giãi bày những tâm tư tình cảm, ca ngợi cuộc sống thanh bình, quê hương đất nước, răn dạy con cháu... để làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn văn minh hơn thì lại khác. Đáng khích lệ, tuyên dương lắm. Làng Phượng Vũ ở miền quê Phú Xuyên, Hà Nội, có CLB thơ người cao tuổi. Các cụ chỉ làm thơ, rồi đọc cho nhau nghe, để răn dạy cháu con. Điều đó thật đáng quý. Làng Hoàng Dương (làng Chùa) huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cũng có CLB thơ, hầu hết người trong làng đều yêu thơ và biết làm thơ. Cho nên, ngay cổng làng đã có khẩu hiệu: "Thuộc một câu thơ hay là quên đi một câu chửi độc". Những việc đó chẳng tốt hơn là việc đua nhau in thơ sao (?). Thế nhưng, các cụ bô lão, các ông các bà ở những CLB thơ hay ai đó lắm tiền của lại thích làm thơ rồi ngộ nhận mà in thơ, để được cái danh là nhà thơ, nhà văn thì nhầm to! Tác giả tạo ra thơ, và chính thơ cũng sinh ra tác giả, nếu người đó làm thơ vì nghệ thuật, có nghệ thuật. Nhưng những người thiếu hiểu biết, vẫn ngày ngày ngồi viết ra những dòng chữ rồi bảo đó là thơ, mang tiền đi in, đem thơ đi biếu rồi "tự sướng" thì quả là bôi nhọ thơ quá mức!

Sao ác nghiệt với thơ đến thế?

Có thể nói, hầu hết các NXB vô trách nhiệm với người làm thơ, kể cả những NXB có tiếng. Quay trở lại với trường hợp của ông “nhà thơ” nói trên. Theo nhà thơ Phạm Đức, tập thơ của ông này phải chỉnh sửa nhiều thì mới in được. Nhưng cán bộ NXB Thanh Niên đã chẳng sửa chữa gì và cứ thế duyệt in. Vì thơ hầu hết chẳng đả động đến vấn đề nhạy cảm, đáng phải nói. Sau đó, cuối năm 2008 ông lại in tập thơ Mối tình đầu ở NXB Văn Học, và đầu năm 2009 với tập Tà áo trắng ở NXB Hội Nhà văn. Cả hai đơn vị cấp phép và những người biên tập dường như chỉ làm cho qua, để lĩnh mấy trăm nghìn tiền giấy phép, mà không tự hỏi là những tập thơ như thế đã đủ để được gọi là thơ và đáng xuất bản hay chưa. Tôi có hai tập thơ này, nhìn bên ngoài, từ vẽ bìa đến trang trí đều na ná giống nhau. Những bài thơ bên trong cũng na ná giống nhau với những con chữ ngô nghê. Thế nhưng, nó vẫn được duyệt in. Hàng trăm tập thơ kém chất lượng như thế vẫn được duyệt in.

Đã đến lúc phải nghiêm khắc với việc cấp phép, duyệt in thơ. Tác giả là những người nghiệp dư, họ không hiểu đã đành, nhưng người biên tập không thể vô trách nhiệm mà phản bội cái đẹp của thơ, làm cho các tác giả đó ngộ nhận. Người biên tập, những nhà cấp phép là những người có trình độ, đâu phải không nhận ra thơ và không là thơ. Đằng này, thượng vàng hạ cám, chỉ cần biên tập sơ qua, rồi cho in. Sao lại ác nghiệt với thơ thế?

Văn Tình

Ý kiến của bạn