Mệt mỏi là một trong 5 triệu chứng COVID-19 phổ biến nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, ngay cả khi các triệu chứng khác như sốt, mất vị giác và khứu giác trở nên ít nổi bật hơn với sự gia tăng của các biến thể Delta và Omicron.
Theo Nghiên cứu về triệu chứng Covid của Anh mang tên Zoe COVID, một cuộc điều tra quy mô lớn đã sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để theo dõi hàng trăm nghìn người ở Vương quốc Anh đã được chẩn đoán mắc COVID-19 và thấy rằng triệu chứng mệt mỏi ảnh hưởng đến khoảng 8/10 người trưởng thành.
Mặc dù các triệu chứng COVID-19 như đau họng, ho và chảy nước mũi khá dễ nhận biết, nhưng khó xác định hơn là mệt mỏi. Mệt mỏi thường bao gồm cảm giác buồn ngủ hoặc thiếu năng lượng, nhưng mọi người có thể trải nghiệm nó theo nhiều cách khác nhau.
"Mệt mỏi có thể bao gồm sương mù não và mệt mỏi. Ngoài ra, các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, đau nhức cơ bắp, ra quyết định kém, khó chịu, các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn, mờ mắt và kém tập trung" – GS Anita Gupta làm việc tại Trường Đại học Y khoa Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) cho biết.
Nguyên nhân gây ra mệt mỏi hậu COVID-19?
GS R. Scott McClelland chuyên ngành dịch tễ học, sức khỏe toàn cầu và bác sĩ chăm sóc lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm tại UW Medicine ở Seattle (Mỹ), cho biết mệt mỏi có liên quan đến nhiều bệnh tật. "Điều đặc biệt là việc COVID-19 gây ra sự mệt mỏi đáng kể cho một phần lớn người dân hiện vẫn chưa hiểu hoàn toàn. Đó có thể là sự kết hợp của một số yếu tố".
Một trong những yếu tố đó là phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bà Tania Mucci-Elliott, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và người hướng dẫn lâm sàng về y học tại NYU Langone Health ở New York, Mỹ cho biết: "Với COVID – 19, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, giải phóng các hóa chất gọi là cytokine gây viêm, sốt và chết mô. Sau loại phản ứng căng thẳng này, cơ thể bạn cần phải chuyển sang chế độ nghỉ ngơi và phục hồi, điều này gây ra tình trạng mệt mỏi".
"Nó tương tự như những gì xảy ra sau khi bạn gắng sức quá mức với các bài tập thể dục nghiêm ngặt hoặc chạy marathon" - TS Mucci-Elliott giải thích.
TS Gupta đồng ý rằng, mệt mỏi là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tự chữa lành. "Khi có cảm giác mệt mỏi, bạn nên quan tâm, nhưng hãy nhớ rằng đây là trạng thái tự nhiên. Cơ thể bạn đang tạo ra phản ứng miễn dịch và yêu cầu bạn nghỉ ngơi" – TS Gupta nói.
TS Gupta nói thêm: "Sự mệt mỏi có thể giống như một hệ thống báo động bên trong nói rằng: Bạn cần phải ngồi xuống và nghỉ ngơi".
Mệt mỏi do COVID có khác với mệt mỏi do các virus khác gây ra không?
Ngay cả trường hợp mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ cũng gặp tình trạng mệt mỏi.
TS McClelland cho biết: "Rất nhiều người đã từng bị COVID-19 mô tả sự mệt mỏi mà họ cảm thấy tồi tệ hơn bất cứ lúc nào trong đời.".
Mức độ mệt mỏi có thể liên quan đến mức độ và loại viêm do nhiễm virus. "COVID-19 là một bệnh toàn thân; nó ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như toàn bộ niêm mạc đường hô hấp, thận, tế bào mỡ, các bộ phận của não. McClelland nói rằng căn bệnh này gây ra một lượng viêm đáng kể - do đó, khi cơ thể chống trọi lại virus này sẽ khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi.
Tình trạng tinh thần cũng có thể làm cho mệt mỏi do COVID-19 trở nên tồi tệ hơn. TS Mucci-Elliott lý giải: "Cảm giác tội lỗi và sợ hãi về việc có thể lây nhiễm cho người khác, tự trách bản thân khi để mình bị nhiễm bệnh - tất cả những điều này gây ra phản ứng căng thẳng trong cơ thể và dẫn đến mệt mỏi".
Mệt mỏi do COVID-19 kéo dài bao lâu?
Theo dữ liệu thu thập được trong Nghiên cứu Zoe COVID, mệt mỏi thường xảy ra trong tuần đầu tiên của bệnh và kéo dài trung bình từ 5 -8 ngày, mặc dù một số người có thể bị mệt mỏi liên quan đến COVID trong 2 tuần hoặc lâu hơn.
Mức độ nghiêm trọng của sự mệt mỏi thường tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh tật. "Điển hình là bệnh càng nặng thì tình trạng mệt mỏi càng kéo dài. Đối với những người phải nhập viện chăm sóc đặc biệt vì COVID-19, có thể mất một vài tháng khỏe lại như trước khi bị bệnh".
Lời khuyên của chuyên gia y tế về cách đánh bại mệt mỏi do COVID-19
Để hỗ trợ người bệnh phục hồi sau COVID-19, các chuyên gia khuyên người bệnh hãy tự vận động và đừng đẩy mình đến kiệt sức. Nếu người mắc COVID-19 lạm dụng nó, nó có thể khiến quá trình phục hồi trở nên khó khăn hơn và khiến họ không thể tiến bộ hơn. Người bệnh hãy chắc chắn rằng cần nghỉ ngơi, ngay cả đối với những hoạt động nhỏ như đi bộ lên cầu thang.
Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh đề xuất những người mắc COVID-19 lập bản đồ các hoạt động của họ trong ngày và trong tuần. Nếu nhận thấy rằng năng lượng hoặc khả năng tập trung của mình giảm xuống vào những thời điểm nhất định, họ hãy lập chiến lược cho phù hợp.
Tìm ra những mục nào trong danh sách việc cần làm của bạn là cần thiết và bỏ lơ những mục nào có thể chờ đợi. "Khi bạn mệt mỏi, hãy bỏ đi những thứ không cần phải làm hoặc nhờ ai đó giúp đỡ" – TS McClelland đưa ra lời khuyên.
Phải làm gì nếu tình trạng mệt mỏi do COVID-19 kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn?
Theo CDC, một người được coi là mắc tình trạng COVID-19 kéo dài (còn được gọi là hậu COVID) khi các triệu chứng không biến mất sau 4 tuần hoặc nhiều hơn kể từ khi bị ốm.
"Ước tính rằng khoảng 30%, thậm chí có thể nhiều hơn, những người mắc COVID-19 gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài, trong đó bao gồm cả mệt mỏi.
"Cố gắng không cảm thấy khó chịu nếu bạn phải mất một lúc mới hết mệt mỏi. Thời gian để giải quyết mệt mỏi có thể khác nhau ở mỗi người. Tôi nghĩ về mặt tâm lý, thật tốt khi biết rằng mệt mỏi là điều gì đó sẽ qua đi" – tiến sĩ Gupta nói.
Những người bị mệt mỏi kéo dài sau COVID-19 được khuyên nên đi khám tại các cơ sở y tế. "Nếu bạn gặp tình trạng mệt mỏi hoặc các triệu chứng khác đến mức không thể chịu đựng nổi hoặc không thể chăm sóc cho bản thân được nữa, bạn chắc chắn cần tìm kiếm sự giúp đỡ" – TS Gupta nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của việc chủng ngừa COVID-19 cũng được các chuyên gia y tế nhấn mạnh nhằm tránh nguy cơ phát triển bệnh nặng hoặc nguy hiểm đến tình mạnh trong trường hợp bị nhiễm. "Mọi người cần được tiêm phòng. Không có gì thay thế cho điều đó ngay bây giờ" – các chuyên gia y tế khẳng định.
Hướng dẫn cách tập thở và vận động tại nhà nhằm nâng cao miễn dịch phòng ngừa COVID-19