Ở Canada, gần 3,5 triệu trường hợp nhiễm coronavirus đã được ghi nhận, chiếm 9% tổng dân số - nhưng những người còn lại thì sao? Các chuyên gia cho biết sự cẩn trọng cá nhân với các biện pháp y tế công cộng, sức mạnh của tiêm chủng và một chút may mắn đã giúp nhiều người không bị mắc COVID-19.
Nhà dịch tễ học về kiểm soát nhiễm trùng Colin Furness – hiện đang là giáo sư thuộc Đại học Toronto (Canada), cho biết: "Để không bị nhiễm COVID-19, bạn phải hết sức cẩn thận, cẩn trọng và cả may mắn nữa".
Nơi ở và cách sắp xếp nơi sinh hoạt của bạn có thể cũng tác động tới khả năng nhiễm COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy các cộng đồng dân cư bị thiệt thòi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn.
Theo Giáo sư Furness, các yếu tố di truyền vẫn chưa được xác định cũng có thể đóng một vai trò nào đó, khiến một số người "không nhiễm" COVID-19. Điều đó cũng có thể giải thích tại sao mọi người có các phản ứng khác nhau với virus và trải qua các triệu chứng bệnh khác nhau.
Các nhà nghiên cứu quốc tế đang cố gắng xác định các gen nào có khả năng kháng lại SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19.
"Có một số bệnh liên quan rõ ràng đến một gen, nhưng trong nhiều trường hợp, nó phức tạp hơn nhiều và có thể có nhiều yếu tố" - Giáo sư Furness nói.
Hiện có 7 loại coronavirus được biết đến có thể lây nhiễm sang người, bao gồm cả cảm lạnh thông thường.
Tiến sĩ Horacio Bach, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học British Columbia, cho biết, trước đây việc đã từng tiếp xúc với các dạng coronavirus khác có thể khiến một người không bị nhiễm COVID-19.
"Những người này phát triển các kháng thể, vì vậy về mặt lý thuyết, khi họ tiếp xúc với virus, họ có thể loại bỏ nó rất dễ dàng với cách thức mà chúng tôi gọi là phản ứng chéo" – Tiến sĩ Bach giải thích.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 1 cho thấy rằng việc cơ thể tạo ra lượng tế bào T có sẵn cao hơn khi bị nhiễm các coronavirus khác có thể bảo vệ một người chống lại sự lây nhiễm COVID-19.
Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 11/2021 trên tạp chí khoa học Nature cũng cho thấy rằng các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Vương quốc Anh đã nhiều lần xét nghiệm âm tính với COVID-19 có thể chống lại virus là nhờ sự xuất hiện của các tế bào T do tiếp xúc với coronavirus đợt dịch trước đó.
Vì phần lớn các nghiên cứu về COVID-19 đều tập trung vào những người bị nhiễm và cách điều trị, do đó, các chuyên gia nói rằng rất khó để xác định chính xác lý do tại sao một số người tránh được virus cho đến nay.
"Việc tìm ra bằng được câu trả lời cho câu hỏi này có thể tạo sự thay đổi lớn lao trong việc chống lại đại dịch. Nếu có thể tìm ra cơ sở khiến một số người được miễn dịch khỏi COVID-19, chúng ta có thể phát triển các loại thuốc hiệu quả, cũng như có thể xác định ai có nguy cơ cao" – tiến sĩ Furness nói.
Hà Nội Tối 2/4: Thủ Đô đã qua “đỉnh dịch” với 7.423 ca mắc mới, dịch hạ nhiệt từng ngày.