Làm thế nào để việc trồng, chế biến dược liệu đủ phục vụ nhu cầu trong nước?

19-11-2023 07:08 | Y học cổ truyền

SKĐS - Những năm qua, nước ta đã hình thành nhiều vùng, nhiều địa phương phát triển trồng dược liệu. Tuy nhiên, do nhu cầu rất lớn nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, phần nhiều vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Chính vì vậy, cần có sự quyết tâm cao để ngành dược liệu trở thành mũi nhọn…

PGS.TS.DS. Nguyễn Duy Thuần - Nguyên PGĐ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam chia sẻ với bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống về thực trạng việc trồng, phát triển cũng như chế biến dược liệu ở nước ta hiện nay.

Theo PGS.TS.DS. Nguyễn Duy Thuần, nhiều người vẫn nghĩ rằng dược liệu là từ cây thuốc trong tự nhiên không có tác dụng độc hại là rất sai lầm. Thực tế có nhiều cây thuốc có độc, và thực tế liên tục có các trường hợp ngộ độc do dùng thuốc nam qua mách bảo nhau; đã là các sản phẩm, các dược liệu liên quan đến sức khoẻ con người thì luôn phải có sự tham vấn của các nhà chuyên môn.

Hàng năm nhu cầu về dược liệu ở nước ta khoảng 100.000 tấn, trong đó riêng dược liệu thu mua, chế biến thành các vị thuốc cổ truyền dùng cho các bệnh Viện YHCT của 63 tỉnh thành, các phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) (chưa kể mấy chục nghìn lương y) cần một lượng rất lớn: khoảng 30.000 tấn/năm

Làm thế nào để việc trồng, chế biến dược liệu đủ phục vụ nhu cầu trong nước?- Ảnh 1.

PGS.TS.DS. Nguyễn Duy Thuần - Nguyên PGĐ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu, chúng ta phát triển vùng trồng, thu hái trong nước chủ yếu dùng cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và dùng cho các phòng khám tư nhân của các Lương y, thầy thuốc thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số và đồng bào miền núi. Một phần nữa là nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn độ, Hàn Quốc và một số nước khác; để dùng chế biến các vị thuốc dùng trong y học cổ truyền thì phải nói đến khoảng 70% - 80% là nhập khẩu từ Trung Quốc.

PGS.TS.DS. Nguyễn Duy Thuần cũng khẳng định rằng, dược liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu do quy mô sản xuất còn nhỏ chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhu cầu hàng năm dùng trong điều trị cần 30.000 tấn. Chúng ta mới chỉ tự túc 20-30%, còn lại nhập khẩu. Dược liệu phát triển trong nước (thuốc nam) rất tốt có thể cạnh tranh được với dược liệu nhập khẩu. Hiện để phát triển ngành dược liệu trong nước rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các vùng trồng và các doanh nghiệp.

Làm thế nào để việc trồng, chế biến dược liệu đủ phục vụ nhu cầu trong nước?- Ảnh 2.

Chế biến dược liệu.

Đồng thời, PGS.TS.DS. Nguyễn Duy Thuần cho rằng, trong nhiều năm phát triển, hiện nước ta đã hình thành nhiều vùng, nhiều địa phương phát triển trồng cây thuốc. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi hiện mới chỉ cung cấp một phần cho sản xuất, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều. Dược liệu dùng điều trị trong các bệnh viện và các phòng khám chữa bệnh theo YHCT vẫn phụ thuộc chủ yếu và nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc)

Việc xuất khẩu dược liệu hiện nay khá phát triển và đem lại lợi nhuận đáng kể cho người dân: các dược liệu xuất khẩu nhiều có thể kể đến: Quế (150.000ha, số lượng thứ 3 trên thế giới), hồi (hơn 40.000ha), Hương nhu, bạc hà, tràm, gừng,… chưa kể một lượng lớn dược liệu thu hái và xuất khẩu theo đường tiểu ngạnh như: Cốt toái bổ, Hoằng đằng, hoàng liên ô rô, lan thạch hộc…

Nguyên PGĐ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nhấn mạnh, để tăng cường chất lượng, các sản phẩm trên thị trường từ người sản xuất, chế biến đến bảo quản cần chuẩn hóa theo yêu cầu dược điển của Nhà nước. Nếu chúng ta làm tốt việc chế biến sâu các loại dược liệu mang lại rất nhiều lợi thế như khi sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng thì việc đảm bảo đầu ra sẽ ổn định, nâng được giá trị sản phẩm, thậm chí có thể xuất khẩu.

Bắc Kạn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệuBắc Kạn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệu

SKĐS - Giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Bắc Kạn có 14 dự án được đưa vào danh mục liên kết, sản xuất, chế biến dược liệu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hàng triệu người tình nguyện hiến máu đem lại sự sống vô giá cho người bệnh I SKĐS


Mộc Trà
Ý kiến của bạn