1. Vì sao thuốc gây loãng xương?
Loãng xương được đặc trưng bởi mật độ khoáng xương thấp và mất các đặc tính cấu trúc và cơ sinh học cần thiết để duy trì cân bằng nội môi xương.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương như tình trạng lão hóa, mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và các bệnh mạn tính hoặc các vấn đề về lối sống… Các yếu tố như hút thuốc lá, sử dụng rượu quá mức, không hoạt động thể chất… cũng có thể thúc đẩy nguy cơ loãng xương.
Tuy nhiên, điều có thể ít quen thuộc hơn là một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Nhiều loại thuốc được sử dụng rộng rãi hiện nay đã được chứng minh là làm giảm mật độ khoáng xương và tăng tỷ lệ gãy xương. Chúng làm thay đổi phản ứng kết hợp tế bào của các nguyên bào xương, dẫn đến tình trạng thiếu xương hoặc loãng xương rõ ràng trên lâm sàng.
Loãng xương do thuốc là tình trạng xương bị mất chất khoáng bắt nguồn từ tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh gây ra. Việc tự ý dùng thuốc, uống thuốc không theo chỉ định, không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ… có thể dẫn đến loãng xương. Hậu quả là, bệnh chồng bệnh, người bệnh sau điều trị bệnh sẽ phải tiếp tục điều trị loãng xương do thuốc gây ra.
Các thuốc gây loãng xương phổ biến như:
- Thuốc chống viêm corticoid: Được sử dụng trong điều trị viêm và các bệnh tự miễn dịch, u tân sinh và các cơ quan sau cấy ghép. Cơ chế tác dụng của corticoid gây loãng xương do sự biệt hóa và chức năng của nguyên bào xương bị suy yếu.
- Thuốc chống co giật: Được sử dụng trong bệnh động kinh, bệnh tâm thần và kiểm soát cơn đau mạn tính nhưng có thể gây mất xương. Các loại thuốc thường liên quan nhất đến chứng loãng xương bao gồm phenytoin, phenobarbital, carbamazepine và primidone.
- Heparin: Heparin có hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị huyết khối tĩnh mạch. Heparin không phân đoạn cũng liên quan đến chứng loãng xương do thuốc. Biến chứng này thường thấy khi điều trị lâu dài, liều cao.
- Progestin: Đây là một loại hormone thường được sử dụng trong nhiều hình thức tránh thai cũng như trong các sản phẩm thay thế hormone và do đó được sử dụng ở phụ nữ nhiều độ tuổi. Chế phẩm progestin thường liên quan đến mất xương nhất là medroxyprogesterone acetate (MPA). Nguy cơ mất xương tăng lên sau hai năm sử dụng MPA liên tục. Để tránh mất xương do progestin, nếu không có lựa chọn nào khác phù hợp, thanh thiếu niên có thể sử dụng MPA tới hai năm. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên sử dụng các hình thức ngừa thai khác như thuốc uống kết hợp...
Ngoài ra, một số thuốc khác cũng có tác dụng phụ gây loãng xương như: Methotrexate, thuốc lợi tiểu quai (như furosemide), thuốc kháng acid...
2. Nhận biết triệu chứng loãng xương do thuốc
Khi dùng thuốc người bệnh cần theo dõi cơ thể của mình, nếu thấy các dấu hiệu sau cần đi khám:
- Đau lưng cấp/mạn tính, người bệnh có dáng đi khom hơn bình thường.
- Đau nhức đầu xương.
- Đau cột sống, xương chậu, đầu gối, xương hông.
- Người bệnh đau tăng lên khi thay đổi tư thế, khó khăn khi cúi, gập/xoay người.
Loãng xương có thể gây biến chứng nguy hiểm như gãy xương, lún xẹp đốt sống, suy giảm khả năng vận động… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời:
3. Làm thế nào để tránh loãng xương do thuốc?
Để phòng chống loãng xương do thuốc:
+ Với bác sĩ:
- Cần theo dõi tiền sử dùng thuốc của người bệnh để điều chỉnh liều phù hợp.
- Có thể cho người bệnh bổ sung các thuốc khắc phục tác dụng phụ của loãng xương, hoặc thuốc điều trị loãng xương khi cần thiết.
+ Với bệnh nhân:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Bổ sung đủ canxi và vitamin D: Cung cấp đủ canxi và vitamin D thông qua chế độ ăn uống, chế phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
Nhu cầu canxi cao nhất ở tuổi thiếu niên (từ 9 đến 18 tuổi). Lượng khuyến nghị cho từng độ tuổi từ 1000 đến 1500mg/ngày, liều lượng không được vượt quá 500 mg vào một thời điểm trong ngày, vì đây là lượng tối đa mà cơ thể có thể hấp thụ. Tốt nhất nên chia liều thành 2-3 lần mỗi ngày.
Có thể nhận được lượng vitamin D cần thiết từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chế độ ăn uống hoặc chế phẩm bổ sung. Hàm lượng vitamin D hàng ngày từ 400 đến 800 IU là đủ. Nếu cần dùng vitamin D liều cao hơn 800 IU/ngày cần được bác sĩ chỉ định. Bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận có thể cần liều vitamin D thấp hơn.
- Bệnh nhân có nguy cơ bị mất xương, không nên hút thuốc, sử dụng quá nhiều rượu và caffeine.
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 loại thực phẩm tuyệt đối tránh khi bị loãng xương.