Làm thế nào để nhớ uống thuốc điều trị HIV?

02-08-2024 14:46 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Uống thuốc điều trị HIV đều đặn mỗi ngày, đúng lịch trình sẽ giúp cho người nhiễm HIV giữ tải lượng virus ở mức thấp nhất. Điều này giúp bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa lây truyền HIV sang người khác…

Ngoài ra, khi uống thuốc đúng cách, sẽ giúp đảm bảo rằng thuốc sẽ tiếp tục có tác dụng kiểm soát HIV trong cơ thể. Nếu không uống thuốc đúng theo chỉ dẫn, không chỉ tải lượng HIV có thể tăng lên, mà cơ thể bạn cũng có thể trở nên kháng thuốc.

Yếu tố ảnh hưởng đến lịch trình uống thuốc của người nhiễm HIV

- Kế hoạch điều trị HIV có thể yêu cầu phải uống thuốc vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Một số viên thuốc có thể cần phải uống khi ăn, trong khi một số thuốc cần uống khi đói (bụng rỗng). Đây có thể là một thách thức ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị.

- Do công việc bận rộn hoặc mất tập trung vào một số ngày, đi làm xa nhà và không còn tuân theo thói quen thường ngày của mình.

- Một số loại thuốc khó nuốt hoặc gây ra tác dụng phụ khiến bạn không muốn uống.

- Đã dùng thuốc điều trị HIV trong nhiều năm và cảm thấy mệt mỏi khi phải uống thuốc suốt ngày.

- Bạn đang bị trầm cảm

Làm thế nào để nhớ uống thuốc điều trị HIV?- Ảnh 1.

Khi uống thuốc đúng cách, sẽ giúp đảm bảo rằng thuốc sẽ tiếp tục có tác dụng kiểm soát HIV trong cơ thể.

Mẹo để uống thuốc trị HIV đúng giờ

Hãy thử những cách khắc phục đơn giản sau để giúp bạn tuân thủ phác đồ điều trị HIV:

- Biết thời điểm uống thuốc: Hãy hỏi dược sĩ/bác sĩ bất kỳ câu hỏi nào về cách uống thuốc và thời điểm uống thuốc HIV. Ngoài ra, cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng để biết thêm thông tin về thuốc.

- Chia sẻ những khó khăn với bác sĩ của bạn: Nếu bạn thấy khó tuân thủ điều trị HIV, hãy trao đổi với bác sĩ/dược sĩ. Trường hợp gặp tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể điều chỉnh liều dùng hoặc gợi ý những thực phẩm nên ăn khi bạn uống thuốc (để khắc phục). Bác sĩ cũng có thể đưa ra những cách giúp bạn dễ nuốt thuốc hơn.

- Tạo một lịch trình uống thuốc nhất quán: Tạo một mốc thời gian đơn giản trên giấy hoặc máy tính của bạn. Liệt kê thời điểm bạn nên uống từng viên thuốc mỗi ngày. Nếu bạn cần uống một số loại thuốc cùng với thức ăn, hãy liệt kê các bữa ăn hàng ngày và những viên thuốc bạn uống cùng với các bữa ăn đó.

- Ghép thời gian uống thuốc với các hoạt động hàng ngày: Nếu bạn chỉ cần nhớ uống thuốc vào một thời điểm nhất định trong ngày, hãy ghép thời gian uống thuốc với một hoạt động mà bạn thường làm vào cùng thời điểm mỗi ngày, như tắm rửa, đánh răng hay cũng một bữa ăn nào đó…

- Sử dụng các thiết bị thông minh: Nếu bạn có điện thoại thông minh hoặc đồng hồ thông minh, hãy tải xuống ứng dụng miễn phí nhắc nhở uống thuốc. Nếu bạn không muốn thêm nhiều ứng dụng vào điện thoại, chỉ cần đặt lời nhắc trong báo thức hoặc lịch của điện thoại hoặc đồng hồ. Tạo lời nhắc định kỳ để uống thuốc vào những thời điểm nhất định trong ngày.

- Sử dụng hộp chia thuốc: Sử dụng hộp đựng thuốc bằng nhựa, có chia ngăn theo tuần hoặc tháng. Đưa thuốc vào mỗi ngăn. Khi ngăn hết thuốc, bạn sẽ biết mình đã uống hết thuốc trong ngày. Một số hộp đựng thuốc thậm chí còn có chuông báo nhắc nhở bạn uống thuốc đúng giờ mỗi ngày.

- Dán ghi chú: Dán các ghi chú nhắc nhở về việc uống thuốc lên gương phòng tắm, mặt trước tủ lạnh hoặc trên màn hình máy tính. Khi bạn đánh răng, ăn sáng hoặc ngồi vào bàn làm việc… sẽ thấy các ghi chú đó.

- Nhờ gia đình hoặc bạn bè nhắc nhở bạn: Trong thời gian đầu dùng thuốc có thể nhờ thành viên trong gia đình hoặc bạn bè hỗ trợ, nhắn tin, gửi email nhắc nhở bạn uống thuốc.

Mời độc giả xem thêm:

Hướng tới mục tiêu ‘90 thứ Tư’ trong chăm sóc và điều trị HIV tại Việt NamHướng tới mục tiêu ‘90 thứ Tư’ trong chăm sóc và điều trị HIV tại Việt Nam

SKĐS – Trong hai ngày 7- 8/5/2024, tại Ninh Bình, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức BIDMC và Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Đạt mục tiêu ‘90 thứ Tư’ - Chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người nhiễm HIV và các nhóm đích ở Việt Nam”.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn