Hà Nội

Làm thế nào để kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và phòng ngừa biến chứng

05-09-2019 15:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Để kiểm soát và phòng ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK), theo PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang (Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) chính là tầm soát để phát hiện sớm và có các biện pháp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Những tư vấn cụ thể của bác sĩ dưới đây sẽ giúp bạn có nhiều kiến thức quan trọng phòng ngừa bệnh lý này.

Hỏi:

Thưa bác sĩ,

Tôi năm nay 28 tuổi, hiện đang đang mang bầu tuần 12. Gia đình lại có tiền sử ĐTĐ nên tôi lo lắng không biết mình có bị ĐTĐTK không. Xin bác sĩ cho biết tôi nên thực hiện các xét nghiệm nào để kiểm tra? Trong trường hợp nếu mắc ĐTĐTK, việc này có nguy hiểm không và tôi cần làm những gì để kiểm soát ĐTĐTK, phòng ngừa các biến chứng?

Trần Thị Ngọc T.

Đáp:

Để có sự kiểm soát tốt nhất với ĐTĐTK, người phụ nữ nên bắt đầu quan tâm đến vấn đề này từ thời điểm mới lập gia đình và có ý định mang thai. Bởi lẽ, nếu điều chỉnh được một số vấn đề như dinh dưỡng, lối sống, cân nặng… ngay từ ban đầu (khi chưa mang thai) thì quá trình mang thai sẽ an toàn hơn, tránh được việc mắc ĐTĐTK hoặc nếu mắc cũng kiểm soát được tốt hơn.

Có thể chia các ra thành 2 nhóm: nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao mắc ĐTĐTK.

- Nhóm nguy cơ thấp được hiểu là nhóm những người từ trước khi mang thai đã có cân nặng lý tưởng, không bị thừa cân; có chế độ dinh dưỡng phong phú, thói quen ăn nhiều rau củ, chất xơ; có tập luyện thể dục thường xuyên; độ tuổi thời điểm mang thai dưới 35; trong gia đình không có người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em ruột) mắc ĐTĐ.

- Ngược lại, nhóm nguy cơ cao mắc ĐTĐTK là nhóm phụ nữ: gia đình có bệnh sử mắc ĐTĐ (có cha mẹ, anh chị em ruột mắc ĐTĐ); mang thai khi trên 35 tuổi; trước khi mang thai bị thừa cân, béo phì, mắc hội chứng buồng trứng đa nang, những người có tiền sử bất thường về dung nạp glucose hoặc tiền sử sinh con trên 4kg...

Tất cả phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm đái tháo đường ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ (ảnh minh hoạ)

Để biết có mắc ĐTĐTK không, thai phụ cần thực hiện việc tầm soát ĐTĐTK. Nhóm nguy cơ cao  cần được khám và xét nghiệm ĐTĐTK ngay trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu của thai kỳ) và theo dõi chặt chẽ suốt quá trình mang thai sau đó. Trong trường hợp thai phụ thuộc nhóm nguy cơ thấp thì cần thực hiện xét nghiệm tầm soát ĐTĐTK vào tuần thứ 24-28 thai kỳ.

Hiện tại, chưa thể khẳng định bạn có mắc ĐTĐTK hay không, nhưng theo bệnh sử gia đình thì bạn rơi vào nhóm nguy cơ cao và cần chủ động đi khám, xét nghiệm ĐTĐTK sớm. Đó là bước quan trọng đầu tiên để phát hiện, kiểm soát và phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Nếu mắc ĐTĐTK, làm thế nào để kiểm soát?

Nếu mắc ĐTĐTK và không được kiểm soát, không có quá trình theo dõi, điều trị thích hợp thì sẽ gây nên những biến chứng bất lợi cho mẹ và bé khi sinh, cũng như khi bé đã trưởng thành.

Cụ thể, một khi mắc ĐTĐTK, người mẹ và em bé đều có nguy cơ mắc ĐTĐ type 2 thực sự sau này. Khoảng một nửa các bà mẹ bị ĐTĐTK sẽ chuyển thành ĐTĐ type 2 sau 10-20 năm. Những em bé có mẹ mắc ĐTĐTK thường sinh ra nặng ký hơn các bé bình thường nên tỷ lệ sang chấn khi sinh đường âm đạo hoặc sinh mổ cũng cao hơn. Các em bé này cũng dễ gặp phải các vấn đề khác như hạ đường huyết sau sinh, suy hô hấp, vàng da sơ sinh và béo phì.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ĐTĐTK đáng sợ đến mức khiến bạn phải lo lắng, căng thẳng. Trên thực tế, nếu thai phụ mắc ĐTĐTK kiểm soát tốt chế độ dinh dưỡng, các hoạt động thể chất và tái khám thường xuyên thì hoàn toàn có thể sinh nở mẹ tròn con vuông, cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Để kiểm soát tốt ĐTĐTK, bạn cần thực hiện tốt các việc sau:

- Bạn nên theo lời khuyên của bác sĩ  để thiết lập chế độ hoạt động thể chất và chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng cường sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, làm sao để đạt được cân nặng và chỉ số đường huyết chuẩn trong thai kỳ.

- Về dinh dưỡng, cần có chế độ ăn vừa đủ năng lượng, cân đối các chất dinh dưỡng, giảm chất bột đường để đảm bảo tăng trưởng cho thai nhi và duy trì đường huyết ổn định cho mẹ… Chế độ ăn nên đủ các nhóm thực phẩm là gạo hoặc ngũ cốc, thịt cá, trứng; rau xanh; trái cây….  Nên chọn loại thức ăn có nhiều chất xơ và các hạt nguyên cám như gạo lứt, gạo mầm, ngũ cốc. Nên hạn chế ăn đường, đồ ngọt và nên chia nhỏ bữa ăn khoảng 6 bữa trong ngày (ba bữa chính với lượng thức ăn ít hơn thông thường và ba bữa phụ) để tránh đường huyết tăng vọt.

- Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm dinh dưỡng chuyên biệt cho người ĐTĐ, giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho mẹ và thai nhi, đồng thời giúp quản lý đường huyết. Đây là một biện pháp rất hữu ích để người mẹ kiểm soát tốt được ĐTĐTK.

Xem tư vấn của bác sĩ về đái tháo đường thai kỳ tại đây!

PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang

(Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương)

Sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt Glucerna của Abbott, có hệ bột đường giải phóng chậm và có chỉ số GI thấp,  đã được chứng minh lâm sàng phù hợp cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ, hỗ trợ ổn định đường huyết và hạn chế đỉnh đường huyết sau khi ăn. Ngoài ra, Glucerna còn chứa 28 vitamin và khoáng chất mang đến dinh dưỡng đầy đủ và cân đối phù hợp với phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ.


Ý kiến của bạn