* Xây dựng thương hiệu cho các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh.
* Các giải pháp cụ thể, không tốn kém để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên.
TTND. BS. Trần Sĩ Tuấn
Về thực trạng của y tế địa phương hiện nay
Có thể nói y tế địa phương là gốc, còn các bệnh viện tuyến Trung ương (TW) là ngọn. Như Bác Hồ kính yêu đã nói: “Gốc có vững thì cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, nhưng rõ ràng thực trạng người dân ở các địa phương hiện nay chưa có niềm tin vào các tuyến y tế cơ sở nên đã dẫn đến tình trạng “vượt rào” trong khám chữa bệnh. Đó là tình trạng người dân từ xã vượt lên huyện khám, huyện vượt tỉnh lên TW khám, và đương nhiên người dân ở tỉnh cũng “bỏ qua” tỉnh để lên các bệnh viện TW khám chữa bệnh.
Do đó, nếu chúng ta không làm cho dân tin vào y tế địa phương thì với áp lực gia tăng dân số hiện nay, dù có xây thêm nhiều bệnh viện tuyến TW và tuyến cuối thì vẫn khó giải quyết được tình trạng quá tải. Từ chỗ bệnh nhân vượt tuyến, đường sá xa xôi, cứ 1 người bệnh đi khám, ít nhất có 2 người nhà đi cùng để chăm sóc. Thực trạng này kéo theo nhiều vấn đề xã hội dân sinh khác như chi phí y tế tăng do người dân phải trả nhiều tiền hơn để khám bệnh, người thân phải bỏ làm để đi theo phục vụ, tức là bệnh nhân đã nghèo lại càng nghèo, trong khi các phòng khám tại các cơ sở tuyến dưới không có bệnh nhân.
Thực trạng này kéo theo một vấn đề là bác sĩ được đào tạo nhưng không được thực hành, tức là không có hoặc có ít bệnh nhân để thực hành, nâng cao tay nghề trong khi người bệnh chính là “người thầy vĩ đại nhất của người thầy thuốc”. Điều này dẫn đến tình trạng các bác sĩ chán nản, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý bác sĩ.
Bên cạnh đó, khi bệnh nhân vượt tuyến khiến tình trạng các bệnh viện tuyến huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh không sử dụng hết công suất giường bệnh và trang thiết bị y tế không được sử dụng hiệu quả, dẫn đến lãng phí.
Từ đó dẫn đến hệ quả là khả năng đối phó với các tình huống dịch bệnh lớn kém, ứng phó với sự cố y khoa chưa phù hợp... làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân.
Ngoài ra, khi bệnh nhân vượt lên tuyến trên sẽ làm mất đi “thời gian vàng” chữa bệnh trong khi ngay tại tuyến dưới cũng có thể chữa được các bệnh này, từ đó bệnh nhẹ thành nặng thêm và bệnh nặng thì có thể không qua khỏi.
Người bệnh từ địa phương về tuyến TW dễ dẫn đến lây nhiễm chéo, bệnh nhân sau điều trị mang bệnh về địa phương, người bệnh mang bệnh từ tuyến dưới lên tuyến TW khiến cho dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Tất cả những yếu tố này làm cho tuyến y tế địa phương không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Ngoài ra, tình trạng mỗi năm có hàng nghìn người dân vượt tuyến lên TW khám chữa bệnh làm ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có công tác xóa đói giảm nghèo.
Phải làm sao để chính quyền, lãnh đạo các địa phương nhận thức được việc thiếu quan tâm đến y tế cơ sở, sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội, thậm chí là các vấn đề chính trị. Ví dụ như, nếu chúng ta không làm tốt chăm sóc sức khỏe người dân ở tuyến cơ sở, để xảy ra tình trạng quá tải ở tuyến TW..., các thế lực thù địch sẽ xuyên tạc rồi tuyên truyền trên mạng xã hội, từ đó gây mất niềm tin của nhân dân đối với chính quyền và y tế địa phương.
Cũng phải nói thêm rằng, chính tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến TW, tuyến trên đã tạo nên những áp lực không đáng có cho thầy thuốc, khiến chất lượng phục vụ người bệnh đi xuống, bác sĩ không niềm nở với bệnh nhân như đòi hỏi của xã hội đối với nhân viên y tế; hay nhiều bác sĩ tuyến trên không có đủ thời gian để tư vấn cặn kẽ cho người bệnh... từ đó xảy ra những sự cố/ tai biến y khoa ngoài ý muốn.
Bác Hồ đã từng nói rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, muốn thực hiện được việc giảm tải cho y tế tuyến trên, phát huy được tính bền vững và hiệu quả của y tế địa phương thì phải làm cho dân hiểu, dân tin.
Y tế cơ sở đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Ảnh: TM
Vậy làm thế nào để dân hiểu, dân tin và dân yên tâm điều trị, chăm sóc sức khỏe tại địa phương? Tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Các giải pháp để thực hiện giảm tải và phát triển y tế địa phương bền vững, hiệu quả
Thứ nhất, phải xây dựng thương hiệu cho các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh bằng các giải pháp sau:
- Thông tin kịp thời, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương như đài truyền hình, phát thanh, báo địa phương, kể cả đài truyền thanh tuyến huyện về các thành tựu trong khám chữa bệnh ít nhất là 1 lần/tuần. Trên thực tế các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương luôn dành thời lượng phát sóng/ trang báo cho công tác y tế và họ rất cần ngành y tế/ các bệnh viện cung cấp thông tin.
Từ trước đến nay chúng ta tập trung tuyên truyền về phòng chống dịch, cách điều trị bệnh cụ thể mà quên đi mảng thành tựu khám chữa bệnh. Do đó, cần tập trung tuyên truyền về lĩnh vực này. Cần phải cho người dân địa phương biết được bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh đã làm chủ được các kỹ thuật nào trong khám chữa bệnh, đặc biệt là các kỹ thuật cao.
Trong đó, cũng cần chú trọng đến việc tuyên truyền cho nhân dân thấy được những thiệt hại khi khám chữa bệnh vượt tuyến vừa tốn kém, vừa nguy hiểm đến sức khỏe như tôi đã phân tích ở trên.
Việc kiểm soát các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường... đang là vấn đề được quan tâm hiện nay, nên được đưa về địa phương quản lý, cán bộ y tế địa phương phải là nơi đầu tiên có được thông tin bệnh mạn tính của người dân địa phương mình, khuyến khích họ đi kiểm tra, theo dõi định kỳ tại địa phương. Cần tạo cơ chế báo cáo từ TW xuống địa phương để theo dõi bệnh mạn tính cho người dân.
- Song song với vấn đề này, chúng ta cần củng cố y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, nâng cao trình độ chuyên môn và đổi mới tinh thần phục vụ người bệnh. Cần “cởi trói” cho y tế tuyến dưới bằng cơ chế chính sách phù hợp, vì hiện nay nhiều cơ sở y tế tuyến dưới phản ánh khi khám bệnh cho người dân, họ không được phép kê một số thuốc điều trị thông thường, chỉ có ở cơ sở tuyến trên mới được kê và BHYT thanh toán.
Cần xây dựng lòng tin cho người dân khi đi khám ở các tuyến cơ sở bằng cách bác sĩ tuyến trên phải hỗ trợ online một cách đồng bộ và bắt buộc cho bác sĩ tuyến dưới khi bác sĩ tuyến dưới cầu cứu. Chỉ có nâng cao chất lượng khám và điều trị mới tạo được niềm tin trong nhân dân với y tế cơ sở.
- Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của địa phương, như tỉnh ủy phải lồng ghép chương trình tuyên truyền về y tế trong các hoạt động sinh hoạt định kỳ của chi bộ.
Thứ hai, bản thân mỗi cán bộ y tế tuyến dưới từ xã, phường, đến tuyến huyện, tỉnh phải là một tuyên truyền viên khi tiếp xúc với người bệnh, có đánh giá thi đua, vì đây là đối tượng tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Việc tuyên truyền tập trung vào những nội dung như: hiện nay y tế địa phương đã triển khai được những kỹ thuật nào; chữa được những bệnh gì? những bệnh nào cần thăm khám ngay tại tuyến dưới, những bệnh nào cần lên tuyến trên?
Lãnh đạo Bộ Y tế cần có quy định bắt buộc mỗi cán bộ y tế cần dành thời gian tư vấn hợp lý cho bệnh nhân 2 nội dung sau:
Đối với tuyến tỉnh, tuyến huyện
- Tư vấn quá trình điều trị cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tư vấn này ghi hoặc in vào sổ khám bệnh, đây là căn cứ để bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế khỏi những khiếu kiện như nhiều trường hợp đã xảy ra.
- Tư vấn, khuyên bệnh nhân về những thế mạnh, năng lực điều trị bệnh của y tế sở tại, lợi ích của việc điều trị đúng tuyến, từ đó giúp bệnh nhân không còn tâm lý muốn vượt tuyến như hiện nay.
Đối với cán bộ tuyến trung ương
Ngoài tư vấn cho bệnh nhân về điều trị, cần tư vấn, đưa ra lời khuyên nên điều trị tuyến dưới đối với những trường hợp vượt tuyến không cần thiết.
Tất cả tư vấn trên cần được ghi, in vào sổ khám bệnh. Đây sẽ là một tiêu chí trong đánh giá thi đua đối với mỗi nhân viên y tế và tiêu chí trong kiểm tra đánh giá chất lượng các cơ sở y tế, bệnh viện. Việc ghi (in) vào sổ khám bệnh giúp các bệnh nhân có thời gian đọc lại, sẽ nhớ hơn, đồng thời người nhà bệnh nhân có thể đọc, giúp thông tin được lan tỏa đến cả gia đình. Mặt khác, việc ghi vào bệnh án sẽ là căn cứ bảo vệ bác sĩ khi xảy ra những kiện tụng sau này.
Muốn làm được điều đó thì những bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, phòng khám đa khoa khu vực phải tổ chức hội thảo để phổ biến, in ấn tài liệu phát cho các trạm y tế nói rõ đã làm được những thủ thuật nào? Những bệnh đã chữa khỏi được. Khi nắm được những nội dung này thì tiếp xúc với người bệnh, cán bộ y tế tuyến dưới sẽ có cơ sở để tuyên truyền cho người bệnh. Cán bộ y tế ở bệnh viện tuyến dưới phải nắm chắc bệnh viện từng làm được những kỹ thuật y tế nào để tư vấn bệnh nhân không vượt tuyến lên TW.
Hơn nữa, ngành y tế các địa phương phải có “chỉ đạo mềm” yêu cầu cán bộ y tế tuyến dưới dành thời gian để tuyên truyền về những nội dung này và coi như đó là công việc.
Thứ ba, các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, phòng khám đa khoa khu vực cần phải in các áp phích, pano, sản xuất các video, các chương trình phát thanh ngắn... về những thành tựu trong khám chữa bệnh, về những bệnh đã chữa được, những kỹ thuật cao đã làm được... một cách rõ ràng, đầy đủ, chính xác nhất.
Các sản phẩm truyền thông này cần được treo, dán, phát tại khoa khám bệnh các vị trí dễ nhìn, dễ tiếp cận của cơ sở y tế để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất. Từ đó làm cho người dân thêm hiểu, tin tưởng vào y tế địa phương và sẽ đến các cơ sở y tế của địa phương khám chữa bệnh, không vượt tuyến lên trên.
Tương tự, Bệnh viện trung ương, Bệnh viện tỉnh khuyên bệnh nhân ở lại Việt Nam điều trị, không ra nước ngoài, tránh tốn kém tiền bạc cũng như bỏ lỡ thời gian vàng chữa bệnh, chảy máu USD
Đây là các giải pháp không quá tốn kém, nhưng lại là những cách tuyên truyền hiệu quả nhất.
Đưa thiết bị y tế hiện đại vào khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Ảnh: TM
Các bước thực hiện
Để người dân tin vào y tế tuyến dưới thì chúng ta phải kiên trì, không thể vội vã một sớm một chiều đã thành công ngay mà chúng ta phải kiên trì.
Tại Bộ Y tế nên thành lập Ban chỉ đạo thực hiện do đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, tại các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch/ Phó Chủ tịch phụ trách văn xã là Trưởng ban chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các cơ quan báo chí trên địa bàn cùng vào cuộc trong công tác truyền thông.
Bước một, dựa trên cơ sở các báo cáo của các bệnh viện gửi Bộ Y tế về công tác thực hiện giảm tải trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nắm được chuyên ngành nào bước đầu đã giảm tải, chuyên ngành nào hiện vẫn còn vượt tuyến nhiều. Từ đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo và đầu tư trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật - công nghệ; đào tạo nhân lực cho chuyên khoa đó để bệnh viện địa phương làm chủ được các kỹ thuật trong chữa bệnh thuộc chuyên khoa đó.
Song song, cũng cần đẩy mạnh truyền thông là tại bệnh viện của tỉnh, thành phố này, ngành y tế đã làm chủ được những kỹ thuật nào, chữa được những bệnh nào... trên các phương tiện truyền thông như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, trên báo chí của ngành và trên các cơ quan báo chí khác... để người dân biết không vượt tuyến lên tuyến trên.
Bước hai, Bộ Y tế nên thường xuyên (6 tháng 1 lần) tổ chức các hội thảo, hội nghị để cung cấp các thông tin về vấn đề này với sự tham dự của Ban Tuyên giáo TW, lãnh đạo các địa phương, giám đốc các bệnh viện tuyến TW, giám đốc các bệnh viện tuyến tỉnh để lắng nghe các báo cáo của bệnh viện tuyến TW, tuyến cuối về hiệu quả của việc thực hiện giảm tải như tỷ lệ bệnh nhân vượt tuyến của địa phương nào giảm? Những chuyên khoa nào giảm? Các địa phương cũng cần có tham luận tại các diễn đàn này để trao đổi lại nhu cầu của địa phương cần được đầu tư, chuyển giao chuyên khoa nào...
Tại các tỉnh, thành phố cũng phải tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai đề án này 4 tháng 1 lần, tập huấn cho cán bộ y tế cấp xã, phường, khu vực và các bệnh viện tuyến huyện về những thành tựu của ngành y tế địa phương, trong đó chú trọng những bệnh nào y tế địa phương đã làm chủ, lợi ích của việc người dân khám chữa bệnh ngay tại địa phương... với sự tham gia của các cơ quan báo chí trên địa bàn. Tại tuyến huyện cũng phải thường xuyên tổ chức với thời lượng 2 tháng 1 lần.
Tại các hội nghị, hội thảo này chúng ta sơ kết/ tổng kết đánh giá lại xem các tỉnh nào làm tốt việc thực hiện giảm tải, giữ chân bệnh nhân không vượt tuyến? Tỉnh nào làm chưa tốt, vì sao? Nếu tỉnh nào làm tốt, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho tỉnh đó.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh
Bệnh viện tuyến cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người dân, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, đặc biệt các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm (ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch...). Tổ chức khám trực tiếp hoặc thông qua các trường học, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, các cơ quan đoàn thể...
Chú trọng tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Trước mỗi mùa dịch, tổ chức các chương trình truyền thông tới tận trường học, tới các hội phụ nữ, hội người cao tuổi, các cơ quan đoàn thể. (các cán bộ y tế, thầy cô giáo, cán bộ hội... là hạt nhân tuyên truyền).
Tại các tuyến y tế ban đầu (trạm y tế phường, xã...) và các bệnh viện, khi bệnh nhân đến khám, tư vấn cho bệnh nhân đi khám đúng chuyên khoa, đúng tuyến, đồng thời tư vấn thật kỹ để bệnh nhân hiểu, từ đó biến mỗi bệnh nhân thành một tuyên truyền viên, lan tỏa thông điệp tới gia đình, người thân của họ.
Tại các bệnh viện, định kỳ tổ chức sinh hoạt truyền thông cho bệnh nhân, người nhà bệnh để từ đó, mỗi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trở thành một tuyên truyền viên, nối dài cánh tay truyền thông y tế tới từng gia đình.
Hiệu quả của đề án
Thứ nhất, giảm tải cho các bệnh viện tuyến TW, tăng chất lượng khám chữa bệnh, thái độ sẽ tốt hơn, bệnh nhân hài lòng hơn.
Thứ hai, nâng cao tay nghề cho các bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở, các bác sĩ tuyến TW có thêm thời gian để đi sâu nghiên cứu chuyên môn nâng cao năng lực hơn nữa, phục vụ người bệnh được tốt hơn, giúp các bác sĩ thêm yêu nghề và yên tâm công tác
Thứ ba, tránh được tình trạng lãng phí là đầu tư bệnh viện, trang thiết bị y tế nhưng không sử dụng hiệu quả, người dân địa phương không được hưởng lợi.
Thứ tư, giúp khống chế được dịch bệnh, kiểm soát các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay tại địa phương, giúp họ không phải vất vả, thêm chi phí khi phải lên tuyến trên khám chữa bệnh và giảm tải cho tuyến TW.
Thứ năm, giảm nghèo cho các địa phương bởi mỗi một người bệnh là gánh nặng của cả gia đình. Khi người bệnh vượt tuyến lên TW thì gánh nặng nhân đôi nhân ba bởi chi phí tăng, người thăm nuôi đi theo bỏ bê công việc, đã nghèo càng nghèo hơn.
Thứ sáu, các thế lực thù địch hay nhấn vào “điểm huyệt” y tế giáo dục để bôi xấu chế độ, việc quá tải nằm ghép...là những hình ảnh được chúng khoét vào bôi nhọ chế độ. Nếu làm tốt việc giảm tải TW, y tế địa phương vững mạnh, sẽ góp phần làm ổn định kinh tế, chính trị và tình hình xã hội của địa phương cũng như của đất nước.
Và hiệu quả quan trọng hơn nữa là khẳng định được vai trò của y tế địa phương thực sự là gốc rễ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà chúng ta đang hướng đến là nền y tế công bằng trong chăm sóc và bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trên đây là những suy nghĩ của cá nhân tôi, những cách làm không tốn kém trong thực hiện “giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, phát triển y tế địa phương một cách bền vững, hiệu quả”. Trong quá trình thực hiện cần có những bước đi vững chắc, có lộ trình phù hợp, kiên trì... thì sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.