Hà Nội

Làm thế nào để doping không còn là nỗi lo?

21-02-2021 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong các sự kiện thể thao lớn, tình trạng lạm dụng doping nhằm nâng cao thành tích vẫn thường diễn ra và ngày càng tinh vi.

Việc sử dụng doping trong thi đấu thể thao sẽ gây ra những tác hại về mặt sức khỏe cũng như tính mạng VĐV. Việt Nam đã và đang làm những gì để ngăn chặn tình trạng này? Nhất là ở thời điểm mà Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho vai trò chủ nhà của SEA Games 31. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao.    Ảnh:  AT

Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao.    Ảnh:  AT

PV: Ông có thể cho biết Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức chống doping thế giới từ khi nào? Trách nhiệm của Việt Nam trong công tác phòng chống doping?

Ông Nguyễn Văn Phú: Từ năm 2003, bằng việc ký kết Công ước Copenhagen, tham gia và công nhận vai trò của Tổ chức chống doping thế giới trong các hoạt động thể thao của Ủy ban Olympic Quốc tế, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức chống doping thế giới. Và với trách nhiệm của một quốc gia thành viên, Việt Nam cam kết và thực hiện các yêu cầu về phòng chống doping hàng năm trong các hoạt động thể thao quốc tế cũng như quốc gia. Năm 2011, Trung tâm Doping và Y học thể thao được thành lập và ngay lập tức triển khai công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực, tham gia các hoạt động chung trong phòng chống doping quốc gia cũng như khu vực. Đây là một dấu mốc quan trọng cho thấy thể thao Việt Nam đã nỗ lực và thể hiện trách nhiệm cao đối với công tác phòng chống doping quốc gia và quốc tế.

PV: Vậy với vai trò là chủ nhà của SEA Games 31, nước ta triển khai phòng chống doping tại Đại hội như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phú: Nhiệm vụ phòng chống doping tại SEA Games 31 được chia làm 2 giai đoạn gồm chuẩn bị và tổ chức. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới công tác chuẩn bị về lực lượng với 3 nhóm đối tượng đó là: Nhóm lực lượng và cán bộ y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và đội ngũ vận chuyển thường trực tại các địa điểm thi đấu, khách sạn, nơi tập luyện của VĐV và các trung tâm phục vụ SEA Games;  Nhóm thứ 2 là các cán bộ kiểm tra doping triển khai nhiệm vụ tại các địa điểm thi đấu, các địa điểm VĐV tập và nghỉ. VĐV phải sẵn sàng kiểm tra doping ở tất cả các trạng thái kể cả thi đấu và không thi đấu; Nhóm lực lượng thứ 3 phải chuẩn bị đó là lực lượng hỗ trợ gồm tình nguyện viên, nhân viên vận chuyển (xe cấp cứu, trạm trung chuyển), bởi quy trình thực hiện chuyên môn tại SEA Games khác với quy trình của hoạt động y tế thông thường. Tất cả những việc này cần phải xây dựng thành quy trình chặt chẽ và phải có sự chuẩn bị, triển khai tập huấn chặt chẽ.

PV: Trong quá trình triển khai công tác y tế và kiểm tra doping hướng tới SEA Games 31, đâu là nội dung khiến ông cảm thấy khó khăn hơn?

Ông Nguyễn Văn Phú: Cho đến giờ mảng kiểm tra doping là có nhiều khó khăn. Lực lượng nhân sự phục vụ công tác kiểm tra doping của chúng ta mới chỉ chủ yếu có kinh nghiệm trong nước và ở những giải thể thao chưa có tầm cỡ lớn. Với VĐV nước ngoài, các cán bộ kiểm tra doping của chúng ta chỉ có thể dựa trên những căn cứ về luật phòng chống doping quốc tế, quy định doping của Đại hội và nếu như vậy thì cán bộ kiểm tra doping cần phải được đào tạo cực kỳ bài bản. Bởi các VĐV nước ngoài nằm rất rõ luật, hiểu rất rõ quyền hạn của cán bộ kiểm tra doping đến đâu, có thể làm gì, và đó là lý do không loại trừ nhiều VĐV có thể gây khó khăn cho cán bộ kiểm tra doping từ những hiểu biết của mình. Thêm vào đó, không phải lúc nào VĐV cũng sẵn sàng phối hợp với cán bộ kiểm tra doping. Tất cả những vấn đề này đều rất đáng lo và thực sự vô cùng áp lực.

PV: Trong thời gian tới, trung tâm sẽ làm gì để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống và kiểm tra doping tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phú: Để thúc đẩy hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra doping đối với TTVN, ngay từ giữa năm 2020, Trung tâm Doping và Y học thể thao đã tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác tuyên truyền phòng, chống doping cũng như công tác kiểm tra doping tại các giải VĐQG trong năm 2021. Việc lấy mẫu sẽ tiến hành kiểm tra theo phương thức đột xuất và ngẫu nhiên. Mẫu kiểm tra sẽ được phân tích tại Phòng xét nghiệm tiêu chuẩn được Tổ chức chống doping thế giới công nhận. Trung tâm cũng đang tiến hành xây dựng các quy định, chế tài xử phạt đối với các trường hợp VĐV, HLV vi phạm trong công tác phòng, chống doping. Trung tâm sẽ không ngừng phối hợp với các tổ chức có liên quan, triển khai phối hợp với các tổ chức quốc tế trong các hoạt động chung về phòng chống doping nhằm đảm bảo cho các đội tuyển quốc gia có được sự an toàn nhất trong suốt thời gian tập luyện trong nước cũng như quốc tế đặc biệt là tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 và SEA Games 31 sắp tới.


A. Tuấn
Ý kiến của bạn