Trào lưu "bỏ phố về quê"
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, dịch vụ. Năm 2020, vợ chồng chị Hoàng Bích Loan (Hòa Bình) cùng làm trong công ty du lịch, nên cùng thất nghiệp. Ở thành phố, chi phí đắt đỏ lại không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, chị Loan bàn với chồng về Hòa Bình quê lập nghiệp.
Nghĩ là làm, anh chị về quê, dốc vốn đầu tư làm homestay, xây trang trại trồng cây ăn quả, nuôi cá. Sau 2 năm, thành quả là một cơ ngơi kha khá, cuộc sống lại yên bình, không ồn ào khói bụi.
Chị Loan cho hay, "thất nghiệp" có lẽ là món quà với chị, bởi từ ngày về quê, chị làm chủ được thời gian, được làm việc mình thích là chăm chút cho homestay nho nhỏ của mình, thoát kiếp "làm thuê".
Trường hợp của chị Loan không phải là hiếm. Gần đây, trào lưu người trẻ nghỉ việc sớm khá phổ biến.Theo tìm hiểu, trào lưu khác đang thịnh hành trên toàn cầu khoảng một thập niên gần đây, đó là FIRE (Financial Independence, Retire Early - độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm).
Theo đó, bằng cách tiết kiệm và đầu tư 50% đến 70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm là lúc bạn đạt ngưỡng độc lập tài chính. Nếu mỗi năm bạn rút ra 4% số tiền đầu tư để tiêu dùng thì khối tài sản này vẫn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo.
Ví dụ, mức tiêu dùng của một gia đình là 30 triệu/ một tháng (360 triệu/1 năm)x 25 năm= 9 tỷ VND thì đây là con số đánh dấu cặp vợ chồng đó đã đạt tự do tài chính. Khi đó, họ có thể từ bỏ công việc áp lực hoặc nhàm chán để theo đuổi những sở thích cá nhân như làm vườn, viết sách, du lịch…
TS Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển con người IVS cho rằng, bỏ phố về quê là một sự chọn lựa sinh kế bền vững, không phải tìm về nơi yên bình để "trốn chạy" khỏi thị thành. Vì vậy, nghỉ hưu sớm, rời công việc hiện tại để về quê cần có kế hoạch thay vì cảm hứng. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính mình.
Nghỉ hưu sớm là khi có tự do tài chính. Nhưng điều đó không có nghĩa là không làm gì nữa cả. Nghỉ hưu sớm không phải là dừng tạo ra các giá trị xã hội, ăn không ngồi rồi hay chờ tuổi già ập đến. Khi không bị ảnh hưởng về chuyện cơm áo gạo tiền, là lúc người ta có thể phát triển toàn diện bản thân và khiến bản thân hài lòng nhất.
TS Trịnh Thị Phan Lan, giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, lập kế hoạch nghỉ hưu sớm sẽ giúp chúng ta có thêm thời gian chuẩn bị và sẵn sàng cho những biến cố có thể xảy ra.
"Kế hoạch sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của người đó hiện tại. Tuy nhiên, một gợi ý chung là bạn có thể áp dụng quy tắc 4%. Với quy tắc này, trước tiên chúng ta cần dự trù số tiền chi tiêu hàng năm", chuyên gia nói.
Theo chuyên gia tài chính cá nhân, nhu cầu tài chính khi về hưu của một người bằng khoảng 60 - 80% số tiền mà họ chi dùng khi còn trẻ. Giả sử hiện nay số tiền chi tiêu là 10 triệu đồng, khi về già bạn sẽ cần 6 - 8 triệu đồng/tháng. Ví dụ lấy trung bình 7 triệu đồng, tức là 84 triệu đồng/năm. Con số này chia cho 4% thì bạn sẽ cần tối thiểu cần 2,1 tỉ đồng cho tuổi già.
Chuẩn bị phương án tài chính
TS Minh cho rằng, khi làm việc mình thích mà không nghĩ đến việc phải kiếm được tiền, khả năng cống hiến của con người là cao nhất. Những người thích làm vườn sẽ có nhiều thời gian và tâm huyết cho mảnh vườn của mình. Những người thích tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, sẽ có nhiều thời gian để quan tâm đến người khác. Những người đam mê sáng tác, vẽ tranh hoàn toàn có thời gian theo đuổi mơ ước của mình...
"Muốn vậy, họ phải là người đã có thu nhập thụ động để không phải nghĩ đến một lúc nào đó sẽ hết tiền. Bản thân những người tự do tài chính sớm cũng đã là những người tài giỏi, có năng lực. Vì thế, khi tính đến nghỉ hưu sớm cũng cần có "đường lui" cho bản thân. Bởi có trót chán ở quê thì ra phố để tiếp tục công việc làm công ăn lương phải thực sự dễ dàng", TS Minh phân tích.
Cũng theo TS Nguyễn Duy Minh, nếu có ý định nghỉ hưu sớm thì ngoài việc có tài sản lớn ra thì bạn cần phải tạo ra nhiều kênh thu nhập thụ động. Nhiều bạn trẻ đang xây dựng tư tưởng nghỉ hưu là ngừng kiếm tiền, hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Tài sản có nhiều nhưng nếu tiêu xài hoang phí thì cũng sẽ có lúc cạn kiệt.
TS Phan Lan tư vấn, số tiền cần tiết kiệm bao giờ cũng được ưu tiên trước, các khoản chi tiêu sẽ được cân đối dựa trên phần tiền đã tiết kiệm. Nếu tài chính quá thấp, phần tiết kiệm quá lớn khiến cho chi tiêu không đảm bảo thì bạn cần kéo dài thời gian chuẩn bị hơn so với kế hoạch để cân bằng cuộc sống. Từ khoản tiết kiệm này, bạn có thể trích một phần mua bảo hiểm hưu trí từ các công ty bảo hiểm, kết hợp với bảo hiểm xã hội của Nhà nước nếu bạn có đóng bảo hiểm.
Phần còn lại mang đi đầu tư và nên chia theo tỉ lệ. Một phần sẽ dành cho đầu tư an toàn như gửi ngân hàng, mua trái phiếu, cổ phiếu. Phần khác để đầu tư mạo hiểm như chứng khoán ngắn hạn…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Xe đầu kéo húc đổ thành cầu Thanh Trì, lao xuống sông Hồng: Tài xế tự bơi được vào bờ | SKĐS