Nó đã gây ra tâm lý hoảng loạn, lo sợ trong dân chúng do tình hình lây lan của dịch bệnh và số lượng người chết tăng lên một cách đáng lo ngại... Vậy làm thế nào để có tâm lý tốt vượt qua dịch bệnh này?
Tác động của dịch bệnh COVID-19 đến tâm lý người dân
Dịch bệnh COVID-19 có thể được coi như một yếu tố thực sự gây sang chấn mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của con người. Đặc biệt, ở những nơi chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh này, người dân có thể đương đầu với rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần được gọi là rối loạn stress sau sang chấn (Posttraumatic Stress Disorder- PTSD).
Bên cạnh đó, việc hạn chế ra ngoài do dịch bệnh khiến một số người mất đi một số thói quen, kém hoạt động, không được vận động dẫn đến khó chịu trong người, bí bách dẫn đến tâm trạng căng thẳng, bất an, mất ngủ... có thể dẫn đến trầm cảm, tinh thần suy sụp.
Dù ở mức độ nào thì tâm lý của hầu hết người dân trước dịch bệnh COVID-19 vẫn là hoang mang lo sợ. Khi đối mặt với bệnh tật thì mọi người thường lo sợ bởi 3 vấn đề: nguy cơ tử vong; chi phí điều trị và thời gian điều trị lâu dài; bị cách ly, kỳ thị, xa lánh.
Trò chuyện với người thân là một cách để giải tỏa tâm lý căng thẳng vì dịch bệnh.
Cần ứng phó ra sao?
Bình tĩnh và có niềm tin
Trước dịch bệnh COVID-19, chúng ta cần bình tĩnh và có niềm tin. Hiện tại ở nước ta, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Các tổ chức y tế ghi nhận nguy cơ tử vong hầu hết tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có tiền sử bệnh lý và được can thiệp y tế muộn. Ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại chưa có người tử vong do dịch bệnh này. Bên cạnh đó, tại nước ta, bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị miễn phí. Có những bệnh nhân đã xuất viện sau 5 - 7 ngày điều trị.
Với chuyên môn y tế, dịch tễ, trình độ chuyên môn của các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, chúng ta tin tưởng về việc đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm giữa những người đang được cách ly.
Trang bị, áp dụng kiến thức phòng bệnh khoa học, đầy đủ
Người dân cần có hiểu biết khoa học đầy đủ về COVID-19 như các triệu chứng, cách thức lây lan và các biện pháp phòng chống. Cần tỉnh táo, không nghe theo và chia sẻ những thông tin sai lệch, không chính thống, không có cơ sở khoa học về dịch bệnh COVID-19.
Điều chỉnh cuộc sống phù hợp
Dù biết rằng COVID-19 gây ảnh hưởng và xáo trộn lớn đến cuộc sống, tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng thích nghi và điều chỉnh cuộc sống phù hợp.
Tránh việc đổ xô mua sắm hay sơ tán tháo chạy. Việc đổ xô đi mua sắm tích trữ càng làm tăng nguy cơ lây bệnh vì đã vô tình tạo ra đám đông, tập trung đông người. Việc “sơ tán tháo chạy” để né dịch càng làm cho nguy cơ lây nhiễm tăng khiến việc phòng chống dịch khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể thực hiện theo chỉ dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới như:
Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn ngủ, tập thể dục hợp lý. Khi thấy căng thẳng, cần giải tỏa bằng cách trò chuyện với những người bạn tin cậy, bạn bè và gia đình.
Dành nhiều thời gian quan tâm duy trì các mối quan hệ xã hội với những người bạn yêu quý. Không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích để đối phó với cảm xúc của mình. Nếu cảm thấy quá tải, hãy trò chuyện với nhân viên y tế hay nhân viên tư vấn. Hãy lên kế hoạch sẽ đi đâu và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ về thể chất lẫn tinh thần khi cần.
Chỉ tiếp cận thông tin đúng đắn, chọn xem những nguồn thông tin đáng tin cậy. Hạn chế lo lắng, bực bội bằng cách giảm bớt thời gian xem hoặc nghe các chương trình khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Liệt kê những cách bạn đã làm trong quá khứ từng giúp bạn vượt qua khó khăn và dùng những cách này để kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của bạn trong thời gian thử thách của dịch bệnh COVID-19.