Chlamydia là gì?
Chlamydia là vi khuẩn gì? Chlamydia là vi khuẩn lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su). Đây là bệnh lý đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên có hoạt động tình dục. Ở một số nước phương tây như Anh, Mỹ Canada… các bạn nữ dưới 25 tuổi đang hoạt động tình dục được khuyến cáo làm xét nghiệm Chlamydia mỗi năm một lần hoặc khi quan hệ tình dục với bạn tình mới.

ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Khoa Khám bệnh C1, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội).
Các triệu chứng của Chlamydia
Có đến 70% người nhiễm Chlamydia không hề có triệu chứng. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng, bạn có thể bị nhiễm Chlamydia:
- Đau khi đi tiểu
- Tiết dịch bất thường từ âm đạo, dương vật.
- Đau bụng hạ vị
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục và chảy máu giữa các kỳ kinh
- Ở nam giới, đau và sưng tinh hoàn
Nếu bạn cho rằng mình có nguy cơ bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc có bất kỳ triệu chứng nào của Chlamydia, hãy đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm sàng lọc.
Vì sao bạn bị nhiễm chlamydia?
Chlamydia là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Vi khuẩn này thường lây lan qua đường tình dục hoặc tiếp xúc với dịch sinh dục bị nhiễm bệnh (tinh dịch hoặc dịch âm đạo). Bạn có thể bị nhiễm Chlamydia bởi các lý do sau:
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng không được bảo vệ.
- Dùng chung đồ chơi tình dục không được vệ sinh sạch sẽ.
- Bộ phận sinh dục của bạn tiếp xúc với bộ phận sinh dục của đối tác. Điều này có nghĩa là bạn có thể bị nhiễm Chlamydia từ ai đó ngay cả khi không có sự thâm nhập trực tiếp âm đạo- dương vật.
- Tinh dịch bị nhiễm trùng hoặc dịch âm đạo dính vào mắt bạn.
- Nó cũng có thể được truyền từ một phụ nữ mang thai sang con của cô ấy.
Chlamydia không thể lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Ví dụ như khi bạn hôn, ôm, hoặc dùng chung bồn tắm, khăn tắm, bể bơi, bồn cầu, dao kéo.

Đau khi đi tiểu, tiết dịch bất thường từ âm đạo, đau bụng hạ vị... có thể là những dấu hiệu cảnh báo bạn nhiễm Chlamydia.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục Chlamydia có thể gây ra những vấn đề gì?
Chlamydia gây bệnh gì? Mặc dù Chlamydia thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và thường có thể được điều trị bằng một đợt kháng sinh ngắn. Tuy nhiên bệnh có thể nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.
Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có có thể lan từ âm đạo đến cổ tử cung, vào buồng tử cung lên vòi trứng và ổ bụng. Điều này làm tăng nguy cơ gây viêm dính tại các vị trí vi khuẩn đi qua. Từ đó gây ra vấn đề sức khỏe sinh sản lâu dài ở phụ nữ:
- Vô sinh
- Sảy thai
- Đẻ non
- Chửa ngoài tử cung
- Viêm vùng chậu mạn tính.
Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải đi xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt nếu bạn có nguy cơ bị nhiễm Chlamydia.

Chlamydia thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Xét nghiệm Chlamydia là gì?
Xét nghiệm Chlamydia là gì? Đây là xét nghiệm được thực hiện bằng xét nghiệm nước tiểu hoặc lấy dịch bằng que tăm bông. Xét nghiệm do bác sỹ được đào tạo kỹ thuật lấy khi khám phụ khoa cho bạn. Xét nghiệm Chlamydia hoàn toàn không gây đau. Không phải lúc nào bạn cũng có thể gặp bác sĩ sản khoa. Do vậy hãy tận dụng khoảng thời gian được bác sĩ khám phụ khoa để làm xét nghiệm sàng lọc bệnh Chlamydia sinh dục.
Ai nên đi xét nghiệm Chlamydia sinh dục
- Có hơn 1 bạn tình
- Dưới 25 tuổi
- Có bạn tình mới trong 60 ngày gần đây.
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình (hoặc quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình).
- Bạn tình có nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Không sử dụng hoặc sử dụng bao cao su không thường xuyên khi quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục đường miệng, hậu môn hay truyền thống với người hành nghề mại dâm.
- Từng được chẩn đoán nhiễm bệnh lây truyền qua dường tình dục.
Với các bạn trẻ, thời gian hoạt động tinh dục và sinh sản của các bạn còn dài. Do vậy hãy để các bác sĩ sản phụ khoa giúp bạn chăm sóc sức khỏe sinh sản đúng cách. Đây là cách để các bạn có đời sống tình dục an toàn và làm mẹ tự tin khỏe mạnh trong tương lai.