Làm thế nào để bệnh nhân đái tháo đường tuân thủ phương pháp điều trị của bác sỹ?

29-08-2017 09:39 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), có hơn 52% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chưa được chẩn đoán và có đến 52,7% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chết vì bệnh này trước năm 60 tuổi. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng tuân thủ phương pháp điều trị của bác sỹ. Nguyên nhân là do đâu?

Tiến sỹ Bác sỹ Nguyễn Quang Bảy, trong quá trình tư vấn và điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, các bác sỹ gặp nhiều rào cản, trong đó lớn nhất chính là sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về bệnh đái tháo đường dẫn tới việc không tuân thủ phương pháp điều trị như: không điều trị đầy đủ, không đi khám lại. Ngoài ra bệnh nhân còn gặp phải rào cản về kinh tế. Chi phí để mỗi bệnh nhân theo dõi đường huyết thường xuyên 1-2 lần mỗi ngày hoặc chi phí sử dụng thuốc khá cao, trong khi nhiều bệnh nhân đái tháo đường còn mắc những bệnh mãn tính khác như tim mạch, huyết áp, mỡ máu. Rào cản thứ ba đó là bệnh nhân ít có cơ hội gặp gỡ, tư vấn từ các bác sỹ chuyên khoa, nhất là các bệnh nhân ở tuyến tỉnh. Mỗi tỉnh chỉ có từ 1 – 2 bác sỹ chuyên khoa nhưng số lượng bệnh nhân nội trú và ngoại trú khá đông khiến họ không có nhiều thời gian chăm sóc, giáo dục đầy đủ kiến thức giúp bệnh nhân có thể hiểu và tuân thủ đầy đủ phương pháp điều trị.

Tiến sỹ Bác sỹ Nguyễn Quang Bảy tại chương trình iSTEP-D 2017-2018 ở Hà Nội

Hiện tượng bệnh nhân không tuân thủ phương pháp điều trị của bác sỹ sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, khiến thời gian điều trị kéo dài, tốn kém nhưng không hiệu quả, có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Theo Giáo sư Thái Hồng Quang, Chủ tịch hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE), trên thế giới, các bác sỹ luôn đánh giá cao khả năng tự kiểm soát bệnh của bênh nhân. Điều này chỉ có được khi bệnh nhân hiểu tình trạng bệnh của mình, từ đó hợp tác tốt trong việc sử dụng thuốc, tuân theo phác đồ điều trị và tự tập luyện. Việc này sẽ khiến việc điều trị dễ dàng hơn, từ đó giảm thời gian và chi phí chữa trị của mỗi bệnh nhân.

Tiến sỹ Bác sỹ Nguyễn Quang Bảy đề xuất: “Tôi cho rằng để bệnh nhân đái tháo đường tuân thủ theo phương pháp điều trị cần có sự phối hợp của ngành y tế, bệnh nhân, các kênh thông tin truyền thông và cả sự chung tay của xã hội. Trong đó mấu chốt cần tăng sự hiểu biết của bệnh nhân về tầm quan trọng của việc điều trị, những nguy cơ biến chứng có thể xảy ra khi không điều trị kịp thời và tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe. Để giải quyết vấn đề này, tại bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đang áp dụng một mô hình câu lạc bộ sinh hoạt bệnh nhân, phát miễn phí tài liệu và xây dựng tủ sách về bệnh đái tháo đường. Trên website của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, chúng tôi đã đăng tải các thông tin về căn bệnh đái tháo đường một cách đầy đủ và dễ hiểu nhất, dành cho nhóm bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân tim mạch. Thứ hai, các nhân viên y tế cần giải thích đầy đủ cho bệnh nhân các lợi ích của việc tuân thủ điều trị và đưa ra các mục tiêu không chỉ kiểm soát về đường huyết và còn các chỉ số quan trọng khác như huyết áp, mỡ máu, cân nặng”.

Hinh ảnh khóa đào tạo chương trình iSTEP-D 2017-2018 diễn ra vào ngày 26/8 tại Hà Nội

Bà Linda Cann, phó chủ tịch cấp cao, giáo dục và dịch vụ chuyên nghiệp của ADA (Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ) cho biết, tại Mỹ, các bác sỹ thường áp dụng phương pháp tiếp cận theo nhóm đối với các bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó bác sỹ điều trị đóng vai trò quan trọng nhất, tuy nhiên còn cần sự phối hợp của nhân viên điều dưỡng, dinh dưỡng và bác sỹ tâm lý hỗ trợ bệnh nhân. Đó cũng là nguyên nhân vì sao ADA đưa kỹ năng tư vấn vào một phần nội dung của Chương trình đào tạo quốc tế chuyên sâu về Đái tháo đường (chương trình iSTEP-D) giai đoạn 2017-2018 dành cho các bác sỹ chuyên khoa nội tiết và không nội tiết. Giáo trình của chương trình iSTEP-D được biên soạn bởi ADA, được hiệu chỉnh bởi VADE cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. “Bằng việc tạo ra một cơ hội trao đổi giáo dục giữa các bác sĩ của ADA và VADE, ADA tin rằng gánh nặng về điều trị của bệnh đái tháo đường ở Việt Nam sẽ được giảm đi. Trong vòng 1-2 năm tới, 70 – 80 bác sĩ nội tiết, 600 bác sĩ đa khoa sẽ được huấn luyện ở TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. Sự hợp tác duy nhất giữa ADA và VADE sẽ thúc đẩy sứ mệnh của hai tổ chức trong công tác ngăn ngừa và phòng chống bệnh đái tháo đường”, bà Linda Cann phát biểu.

Bác sỹ tham gia thảo luận cùng PGS-TS Huỳnh Văn Sơn tại chương trình iSTEP-D 2017-2018 ở Hà Nội

Tham gia chương trình, Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Lão khoa) cho biết: “Chương trình đã giúp tôi hệ thống hóa lại kiến thức từ chuẩn đoán, điều trị bệnh nhân nội viện và ngoại viện. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng về bài giảng của PGS TS Huỳnh Văn Sơn về chủ đề phân tích tâm lý bệnh nhân, nhất là đối với các bệnh nhân mãn tính. Trong đó, các bác sỹ cần lắng nghe, thấu cảm, động viên bệnh nhân trước khi vội vã chỉ định thuốc là phương pháp điều trị duy nhất. Bản thân tôi cũng đang điều trị cho một bệnh nhân nữ nền đái tháo đường 20 năm và rối loạn thần kinh cùng cụt do thoái hóa đốt sống thắt lưng, bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoang tưởng, không chấp nhận tình trạng bệnh, bởi vậy chúng tôi đã hội chẩn cùng các bác sỹ chuyên khoa tâm thần để cùng điều trị và giải thích cho bệnh nhân hiểu phương pháp điều trị. Sau 3 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã có nhiều tiến triển và kiểm soát tốt đường huyết”.


Ý kiến của bạn