Mạng xã hội đem lại nhiều kiến thức bổ ích, mới mẻ cho người dùng, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có mặt trái, đó là những rủi ro khi thông tin xấu, độc luôn xuất hiện. Trẻ em với nhận thức chưa hoàn thiện và sự hình thành nhân cách chưa đầy đủ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài, trên mạng xã hội. Nếu không có biện pháp giám sát, ngăn chặn từ đầu, trẻ sẽ không được an toàn trên môi trường mạng.
Chị Dương Cẩm Vân (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, con gái của chị mới 7 tuổi nhưng rất thích mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok. Con đã nhiều lần xin được sử dụng nhưng chị không đồng ý. Chị cho rằng, mạng xã hội là con dao 2 lưỡi, có nhiều cái để học hỏi nhưng cũng có không ít thông tin xấu độc.
"Tôi không phủ nhận Tiktok có những thứ đáng học hỏi, nhưng vì bất kỳ ai cũng có thể sáng tạo nội dung trên Tiktok nên bọn trẻ vẫn có thể dễ dàng tiếp cận với những nội dung xấu. Nhẹ nhất là những câu từ tục tĩu, phát ngôn từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi. Nguy hiểm hơn là những nội dung phân biệt chủng tộc, nội dung kích động hay những thử thách nguy hiểm.... Khi con còn quá nhỏ, khó có thể phân biệt được đâu là thứ nên học theo, đâu là thứ cần phải loại trừ nên tốt nhất là không cho sử dụng", chị Vân nói.
Đồng quan điểm, chị Trần Thị Hoa (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, đã cấm con sử dụng điện thoại để tránh việc tiếp xúc với mạng xã hội nhưng vẫn có nhiều cách để chúng tiếp cận.
"Mình chỉ có thể cấm con khi ở nhà, còn khi đi học thì nhiều bạn vẫn được cha mẹ cho sử dụng điện thoại, chúng sẽ chia sẻ cho nhau. Thường bọn trẻ học rất nhanh, mà mạng xã hội lại vô vàn những thứ hấp dẫn vô hình nên tôi thực sự rất lo lắng. Sợ chúng nó yêu qua mạng, vào tham gia những hội nhóm xấu, học hỏi những điều không hay…", chị Hoa bày tỏ.
Quy định về độ tuổi và sự chuẩn bị của cha mẹ để con dùng mạng xã hội một cách an toàn là rất quan trọng
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), mạng xã hội như Facebook, TikTok quy định rõ độ tuổi của người sử dụng là người từ đủ 13 tuổi trở lên, nhưng những người dưới tuổi này cũng đã tham gia.
Nguy hiểm hơn khi có những người đăng bài viết hay làm clip với nội dung không chuẩn mực rồi lan truyền, làm cho một bộ phận giới trẻ nhận thức sai lệch về các vấn đề trong đời sống, đặc biệt là nhận thức.
"Ngay cả người lớn vì nhu cầu thư giãn cũng dễ nghiện mạng xã hội, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong cuộc sống thực. Vì thế, cần phải có những hình thức để quản lý cả về thời gian, độ tuổi...", PGS.TS Trần Thành Nam thông tin.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng Ban nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Nhà sáng lập Toán POMATH cho rằng, internet đã trở thành môi trường sống của chúng ta khi hầu hết mọi người, mỗi ngày đều tương tác với internet. Mọi người đọc, xem và tin những gì internet truyền tải, nhưng đáng lo là có rất nhiều người không có ý thức trách nhiệm xã hội khi đưa những thông tin không chính xác, không đúng quy phạm.
"Cha mẹ cần là tấm gương cho các con, thể hiện việc sử dụng internet như thế nào để các con nhìn thấy, cảm thấy, và từ đó có sự ảnh hưởng.... Sự chuẩn bị của bố mẹ để cho con bước vào môi trường internet là rất quan trọng", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Toàn cảnh tin nóng 24h/ Tin tức thời sự cập nhật mới nhất hôm nay.