Làm thế nào để an toàn cho con khi nhà có vật nuôi chó, mèo?

23-01-2019 18:37 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Thông tin bé 6 tuổi bị chó nhà nuôi tấn công vừa được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cấp cứu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của con trẻ. Hầu hết trẻ con đều rất thích thú cưng và thường xuyên ôm ấp, vuốt ve, tuy nhiên làm thế nào để dạy trẻ tiếp xúc với vật nuôi trong gia đình mà vẫn an toàn cho trẻ?

Các bậc cha mẹ cần chú ý một số điều dưới đây để bảo vệ sức khỏe của trẻ nếu gia đình nuôi con vật

Hãy chọn những giống vật nuôi hiền lành chó, mèo, cá…. Chẳng hạn, một số loài chó thân thiện với trẻ, như: Beagle, Pug, Golden Retriever, Labrador, Papillon…

Tiêm ngừa dại đầy đủ cho vật nuôi nhất là chó, mèo…
Hãy giữ vật nuôi sạch sẽ và khám thú y thường xuyên để ngăn ngừa bé nhiễm các bệnh giun sán do ký sinh trùng hay các bệnh khác như hen suyễn, dị ứng…
Nếu nuôi chó, hãy triệt sản cho chúng và cho chó tham gia các lớp học. Chó được học để làm theo một số lệnh đơn giản sẽ dễ dàng hơn để trẻ kiểm soát.
Hãy cho vật nuôi một nơi ẩn náu an toàn như một cái thùng hoặc một ngôi nhà nhỏ, đảm bảo cách xa phòng của trẻ.
Hãy cho vật nuôi ăn thực phẩm đóng gói hoặc thức ăn chín. Tuyệt đối không cho chó, mèo ăn thịt sống.
Luôn để mắt tới trẻ khi trẻ chơi đùa với vật nuôi, đặc biệt là với những bé đang ở tuổi tập bò, tập đi… Chú ý, không bao giờ để trẻ chơi trò kéo co hoặc vật lộn với vật nuôi vì nếu quá khích, chó mèo có thể cào, cắn trẻ.
Rửa tay thật sạch sau khi chơi với vật nuôi
Hãy cho trẻ đi khám nếu trẻ bị con vật cắn rách da hoặc vết cào bị sưng kéo dài hơn 2 tuần.
Hãy rọ mõm, hoặc xích các vật nuôi khi dẫn chúng ra ngoài hoặc đến nơi có người lạ, nhất là trẻ nhỏ. 

Khi bị chó, mèo cắn cần kiểm tra vết thương để xác định mức độ nặng nhẹ và tìm hướng xử trí

Dạy trẻ cách chơi đùa với vật nuôi và xử lý khi bị tấn công

Không cho trẻ ở độ tuổi biết bò hay vừa biết đi tiếp xúc với vật nuôi vì ở độ tuổi còn nhỏ trẻ chưa đủ khả năng tự vệ dễ có khả năng bị tấn công.

Hãy bình tĩnh đứng yên và thả lỏng tay khi một con vật đi tới và khụt khịt, ngửi chân trẻ. Giải thích cho trẻ rằng nếu trẻ chạy, con vật có thể nghĩ rằng trẻ đang giỡn và đuổi theo. Hãy tìm cách tránh vật nuôi đang gầm gừ, nhe răng hoặc bộ lông dựng đứng.
Không làm phiền khi con vật nó đang ngủ hoặc ăn.
Hướng dẫn trẻ không bao giờ nhìn chằm chằm vào đôi mắt của vật nuôi, vì chúng có thể hiểu rằng trẻ đang đối đầu với nó.
Hãy cuộn tròn như một quả bóng dùng tay che đầu và mặt trẻ nếu một con vật lạ lao vào tấn công.
Với những bé lớn tuổi hơn, cha mẹ cần phải dặn dò con không được thò tay vào mồm chó, không được đùa nghịch thái quá (nhảy lên người, cấu véo hay trêu chọc khi chúng đang ăn, đang ngủ) khiến chúng nổi giận sẽ quay lại cắn bé. Từ 3,4 tuổi trở lên bé hoàn toàn ý thức được những lời răn dặn của cha mẹ, bạn hãy nói cho bé hiểu rằng nếu bị chó cắn sẽ nguy hiểm thế nào để bé biết tự bảo vệ bản thân mình.

Xử trí khi bị vật nuôi cắn

Kiểm tra vết cắn trên người trẻ để xác định mức độ nặng nhẹ:
Bé bị bao nhiêu vết cắn trên người, ở vị trí nào? (thường thì bé hay bị cắn ở chân hoặc tay)
Vết thương có nặng không: bé chỉ bị trầy, xước ngoài da hay bị cắn sâu và chảy máu?
Xử lý tại nhà:

Rửa vết thương của bé bằng nước sạch và xà phòng, nên xả nước mạnh vào vết thương trong khoảng 5 phút. Không lấy chanh hoặc các lá cây thoa lên vết thương vì các thể gây tổn thương hoặc làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn (cồn 700 hoặc dung dịch iod).
Băng hờ vết thương bằng vải sạch và mềm.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ điều trị.

Cấp cứu: Nếu như vết thương của trẻ nghiêm trọng (vết cắn rất sâu, bị chảy máu nhiều), trẻ xuất hiện dấu hiệu mất máu, mệt, ngất xỉu, da xanh tái… thì gia đình cần phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tiêm phòng dại: Trẻ bị chó cắn đều cần được tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng vết thương bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiêm ngừa uốn ván và tiêm huyết thanh kháng dại hay không.

Theo dõi vật nuôi:

Sau khi bị cắn, bên cạnh việc theo dõi sức khỏe của trẻ, gia đình còn phải theo dõi vật nuôi đó trong vòng 10 ngày xem chúng có phát bệnh dại hay không.


ĐD.Trần Hồ Trung Tín
Ý kiến của bạn