Ăn bổ sung hay còn gọi là ăn sam, ăn dặm là một thời kỳ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Nếu người mẹ có những hiểu biết chưa đúng về vấn đề này sẽ có nhiều ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Ăn bổ sung là gì?
Là cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ như: bột, cháo, cơm, rau, hoa quả, sữa đậu nành, sữa bò...
Khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung?
Trong 4 - 6 tháng đầu chỉ cần cho trẻ bú mẹ. Từ tháng thứ 5 hoặc thứ 6, ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung các loại thực phẩm khác.
Khi cho trẻ ăn bổ sung các bà mẹ cần chú ý:
- Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.
- Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp lý với khẩu vị của trẻ.
- Chế biến thức ăn hỗn hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn sẵn có tại địa phương.
- Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt.
Chất lượng của thức ăn bổ sung: có thể thêm dầu, mỡ, vừng, lạc hoặc bổ sung men tiêu hóa làm cho bát bột vừa thơm, vừa béo, mềm, trẻ dễ nuốt, lại có thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn.
- Tất cả các dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.
- Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt.
- Cho trẻ ăn nhiều hơn trong và sau khi ốm. Cho trẻ ăn uống nhiều chất lỏng hơn, đặc biệt khi trẻ bị tiêu chảy và sốt cao.
- Không nên cho trẻ ăn bột ngọt.
- Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì dễ làm cho trẻ chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn ít đi.
Khi ăn bổ sung trẻ ăn được những loại thức ăn nào?
Trẻ cần ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn được hàng ngày đều có thể cho trẻ ăn được, trừ rượu, bia và các loại gia vị chua, cay.
Trẻ nhỏ không cần kiêng dầu, mỡ, rau xanh, cá, tôm, cua, trứng, thịt... vì một lượng nhỏ các loại thức ăn này cũng giúp cho trẻ khỏe mạnh.
Thức ăn bổ sung gồm 4 nhóm
- Nhóm cung cấp chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng...
- Nhóm tinh bột: gạo, mì, khoai, ngô...
- Nhóm chất béo: dầu, mỡ, lạc, vừng...
- Nhóm giàu vitamin và chất khoáng: rau, quả, đặc biệt các loại rau có màu xanh thẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau cải, mồng tơi... và các loại quả có màu đỏ hoặc vàng: chuối, đu đủ, xoài...
Mỗi ngày phải cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trên.
Thế nào là tô màu bát bột cho trẻ?
Là làm cho bát bột của trẻ có màu sắc của các loại thực phẩm: màu xanh của rau; màu vàng của trứng, cà rốt, bí đỏ…; màu nâu của thịt, cá, tôm, cua, lươn, nhộng, lạc, vừng...
Trẻ nên ăn mấy bữa một ngày?
5 - 6 tháng: bú mẹ là chính cộng 1 - 2 bữa bột loãng và nước quả.
7 - 9 tháng: bú mẹ cộng 2 - 3 bữa bột đặc và nước quả hoặc hoa quả nghiền.
10 - 12 tháng: bú mẹ cộng 3 - 4 bữa bột đặc và hoa quả nghiền.
13 - 24 tháng: bú mẹ cộng 4 - 5 bữa cháo và hoa quả.
25 - 36 tháng: 2 bữa cháo hoặc súp cộng 2 - 3 bữa cơm nát cộng sữa bò hoặc sữa đậu nành và hoa quả.
Từ 36 tháng trở đi: cho trẻ ăn cơm với thức ăn đặc biệt nấu riêng. Cho ăn thêm 2 bữa phụ: cháo, phở, bún, súp, sữa... Trong một ngày không nên cho trẻ ăn một món giống nhau.
Lượng chất đạm cho trẻ một ngày là bao nhiêu?
Trẻ 5 - 6 tháng: 20 - 30g thịt (cá, tôm), khoảng 2 - 3 thìa cà phê băm nhỏ chia 2 bữa. Nếu ăn trứng: 1/2 lòng đỏ trứng gà hoặc 2 lòng đỏ trứng chim cút.
Trẻ 7 - 12 tháng: 100 - 120g thịt hoặc 150g cá, tôm, hoặc 200g đậu phụ trong 1 ngày chia 3 - 4 bữa (nếu cho trẻ ăn cả thịt, cá, tôm thì mỗi thứ chỉ cần 30 - 40g mỗi ngày), hoặc 1 lòng đỏ trứng gà mỗi bữa.
Một tuần cho trẻ ăn từ 3 - 4 quả trứng.
Trẻ 13 - 36 tháng: 120 - 150g thịt hoặc 150 - 200g cá, tôm, hoặc 250g đậu phụ mỗi ngày, hoặc 1 quả trứng gà mỗi bữa (ăn cả lòng trắng) 1 tuần ăn từ 3 - 4 quả trứng.
Trẻ từ 36 tháng trở lên: 200g thịt hoặc 250g cá, tôm, hoặc 300g đậu phụ; mỗi ngày có thể cho trẻ ãn 1 quả trứng nhưng phải giảm bớt thịt hoặc cá.
Cách chế biến thức ăn cho trẻ
Trẻ càng nhỏ càng phải xay nhỏ, băm nhỏ, giã nhỏ. Khi bắt đầu ãn bổ sung phải cho trẻ ăn cả cái (kể cả rau), không nên chỉ ăn nước
ThS. LÊ THỊ HẢI