Lâm tặc ngang nhiên băm nát rừng phòng hộ Quán Chẽ

04-03-2009 16:16 | Thời sự

Thời gian gần đây, việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Điều đáng nói là toàn bộ số gỗ bị chặt hạ đều nằm trong khu vực của rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Quán Chẽ.

Người dân trên địa bàn xã Dân Tiến vô cùng bất bình trước việc gỗ bị chặt hạ ngổn ngang rồi "vô tư" ra khỏi rừng trong khi chính quyền địa phương, kiểm lâm và cán bộ lâm trường lại dường như không hề biết có gỗ lậu trên địa bàn mình.

Tan nát... rừng

Con đường vào xã Dân Tiến vốn đã lổn nhổn đá sỏi giờ lại càng trở nên gập gềnh, lồi lõm vì bị các xe chở gỗ lậu ngày đêm "băm nát". Không cần phải vào tận trong rừng mới có thể thấy gỗ bị khai thác. Ngay trong những lối đi từ các thôn xóm đến cửa rừng, gỗ đã nằm ngổn ngang, la liệt. Những đống nhỏ cũng trên dưới cả chục thân gỗ, đống lớn thì chất cao ngồn ngộn, khó có thể đếm xuể.

 Gỗ rừng đầu nguồn Quán Chẽ bị chặt hạ nằm ngổn ngang trên các đường mòn trong rừng.

Chủng loại gỗ bị chặt hạ rất đa dạng, từ gỗ tròn, gỗ hộp... tất cả đều là gỗ rừng tự nhiên trong đó khá nhiều gỗ nhóm 1, nhóm 2, sến, táu.

Theo nhiều người dân điạ phương, tình trạng khai thác gỗ từ rừng rồi đưa ra ngoài tập kết, tẩu tán đã kéo dài cả năm nay. Những xe gỗ lậu cũng chẳng phải vận chuyển giấu diếm hay lén lút gì, chỉ có điều người dân địa phương quá ngạc nhiên là lâm tặc ngang nhiên "ăn" gỗ mà chẳng thấy bị ai ngăn chặn.

Ông Triệu Nho Tài, ở xã Dân Tiến cho biết: Tôi ở Dân Tiến đã trên 50 năm, chứng kiến hàng ngày cảnh rừng bị tàn phá. Theo ông Tài, giờ đây, dù vẫn gọi là rừng nhưng cơ bản rừng đầu nguồn Quán Chẽ đã không còn gỗ và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chẳng mấy chốc người dân các thôn xóm quanh đây kiếm củi đun cũng khó chứ không nói đến gỗ dựng nhà.

Đã có rất nhiều gỗ bị đem ra khỏi rừng và giờ đây, vào rừng chỉ còn lại dấu vết tan hoang của việc tàn sát rừng. Trên núi đá, trên những con đường dẫn từ rừng ra, hầu hết đều có gỗ tập kết.

Những con đường mòn đi vì gỗ thường xuyên kéo qua, đây cũng là cách để lâm tặc vận chuyển gỗ sau khi chặt hạ được dễ dàng hơn.

Làm việc với phóng viên, lãnh đạo địa phương tỏ ra không biết việc tập kết gỗ trái phép trên địa bàn. Nhưng khi xem các hình ảnh do phóng viên ghi lại được về con đường vận chuyển gỗ lậu chạy qua ngay trước trụ sở UBND xã thì ông Nguyễn Sỹ Lâm, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến đành phải thừa nhận: gỗ lậu vẫn được vận chuyển qua đây, nhưng số lượng là bao nhiêu thì không thể biết.

Lãnh đạo huyện Võ Nhai khẳng định vụ việc phá rừng này trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch UBND xã Dân Tiến, kiểm lâm địa bàn và Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai. Việc cần làm ngay là sớm thu hồi số gỗ đã bị chặt hạ và có biện pháp ngăn chặn việc phá rừng đầu nguồn Quán Chẽ.

Không chỉ qua mặt "quan xã", mà gỗ còn "chạy" qua gần ngay nhà ông Bùi Ngọc Chín, Đội trưởng đội lâm nghiệp quản lý chính khu rừng có gỗ lậu tập kết. Ông Chín cũng khẳng định thường xuyên tuần tra kiểm soát rừng nhưng khi xem ảnh do phóng viên cung cấp lại nói: chưa bao giờ tới nơi có gỗ tập kết.

Qua tìm hiểu, khu rừng bị chặt hạ hầu hết các cây tự nhiên thuộc tiểu khu 358, 359 do lâm trường Võ Nhai quản lý. Sự tàn phá ngang nhiên và diễn ra suốt thời gian dài như vậy mà không gặp phải bất kỳ một sự ngăn chặn nào của cơ quan chức năng là điều khó có thể lý giải.

Lâm tặc chắc chắn không chỉ là những kẻ trực tiếp chặt phá cây rừng.

 

Bài và ảnh Hà Linh
 

Ý kiến của bạn