Hai kíp phẫu thuật song song để chạy đua với thời gian
ThS, BS Bùi Mai Anh- phụ trách kíp phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân Ng.M.Th (19 tuổi, là công nhân của một xưởng gỗ ở Lý Nhân- Hà Nam) cho biết, chiều ngày 16/4, BV Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân Th. chuyển lên từ y tế tuyến dưới trong tình trạng 02 cẳng tay đã bị đứt rời 1/3 dưới ( cùng với phần đứt rời đã được bảo quản), bệnh nhân trong tình trạng sốc tâm lý, bác sĩ hỏi gì cũng gần như không nói được.
Qua tìm hiểu thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết, Th là công nhân của xưởng gỗ, trong khi 2 tay đang cầm miếng gỗ để cho vào máy cắt gỗ, tuy nhiên do kỹ thuật nên Th chưa kịp rút tay ra thì máy cắt rơi tự do “phập” vào cánh tay của Th, cắt phang 1/3 cẳng tay cả 02 bên. Các công nhân trong xưởng gỗ vội vàng đưa Th cùng hai cẳng tay vào bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, dù khi đến BV Việt Đức thì hai cắng tay đã lìa khỏi cánh tay 5 giờ đồng hồ, nhưng vẫn may mắn cho Th. là vẫn trong khung giờ “vàng” để phẫu thuật, ghép nối cho những ca tai nạn đứt lìa tay như của Th. (khung giờ vàng là trong khoảng 6h đồng hồ kể từ khi xảy ra chấn thương)
Hai kíp phẫu thuật đang song song tiến hành nối cẳng tay cho bệnh nhân Th Ảnh: BSCC
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của tua trực tại phòng khám, bác sĩ chuyên khoa hàm mặt- tạo hình và bác sĩ gây mê hồi sức đã nhanh chóng thăm khám, đánh giá tình trạng của bệnh nhân, tiến hành xét nghiệm, hồi sức, gây mê để nhanh chóng đưa bệnh nhân vào phòng mổ trước khi thời “vàng” không còn.
TS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Tạo hình-Hàm mặt cho hay, đối với những trường hợp tai nạn lao động bị đứt 1/3 cẳng tay hoặc đứt lìa 1 bên bàn tay thì các bác sĩ của BV Việt Đức đã tiếp nhận phẫu thuật nhiều, tuy nhiên, đối với trường hợp của Th đứt lìa cả hai cẳng tay thì quá hy hữu, hiếm gặp. Do đó, ca phẫu thuật “gắn” hai cẳng tay cho Th diễn ra vô cùng phức tạp, bởi thời gian “vàng” không còn nhiều, nên các phẫu thuật viên không thể “gắn” từng cẳng tay một (xong cẳng tay này thì làm tiếp cẳng tay khác) mà các bác sĩ đã phải huy động 2 kíp phẫu thuật làm việc song song để kết hợp xương, nối gân và nối các mạch máu, thần kinh bằng vi phẫu thuật.
9h dành giật “sự sống” cho hai cẳng tay
21h30 phút ngày 16/4, hai kíp phẫu thuật bước vào phòng mổ. Liên tục suốt 9h đồng hồ làm việc không ngừng nghỉ và có sự phối hợp ăn ý giữa phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê, nhiều tình huống khó khăn mà ê kíp đưa ra trong lúc phẫu thuật như bệnh nhân có thể hạ huyết áp, hạ thân nhiệt do mất máu kéo dài… đã không xảy ra.
Kể lại với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống khoảng thời gian 9 tiếng liên tục trong phòng mổ đối với ca bệnh này, Ths Bùi Mai Anh cho biết, do bệnh nhân bị gãy phần xương tay phải sát cổ tay nên việc kết hợp xương cho bệnh nhân trong lúc phẫu thuật khá khó khăn. Mặc dù vậy, ê kíp phẫu thuật đã cùng nhau cố gắng hết khả năng có thể để không làm ngắn quá nhiều xương chi của bệnh nhân. Bác sỹ Trần Xuân Thạch người tham gia cùng kíp phẫu thuật chia sẻ “Quả thật, quyết định này của ê kíp phẫu thuật, khiến chúng tôi phẫu thuật thêm khó khăn hơn. Do đó, các anh chị em bảo nhau, cố gắng hết khả năng, đặt người bệnh lên trước, chọn cái khó cho mình. Vì vậy, bệnh nhân Th đã được nối lại hai tay mà may mắn không phải ghép mạch”
Sau ca phẫu thuật kéo dài 9h đồng hồ, hai cẳng tay của bệnh nhân Th. đã được nối liền Ảnh BSCC
5h 30 sáng ngày chủ nhật ngày 17/4, ca phẫu thuật mới kết thúc sau 9h căng thẳng trong phòng mổ. 2 kíp mổ rời phòng mổ và thành quả của kíp phẫu thuật, gây mê, Bệnh viện 9h chạy đua “gắn” hai cẳng tay cho bệnh nhân là chỉ 4 tiếng sau (vào khoảng hơn 9h ngày 17/4), bệnh nhân Th đã tỉnh, được chuyển về phòng bệnh. Tuy nhiên, lúc này, Th. vẫn khá shock tâm lý. 3 ngày sau mổ, Th mới ổn định tâm lý. 5 ngày sau mổ, sáng ngày 21/4, BS Bùi Mai Anh cho biết hai tay của Th đã tự cử động nhẹ nhàng các ngón tay, riêng bàn tay phải đã sờ có cảm giác.
Cũng theo BS Mai Anh, kết quả này là những thành công bước đầu của ca phẫu thuật tai nạn lao động hy hữu này. Tuy nhiên, các bác si vẫn tiếp tục phải theo dõi 2 cẳng tay của bệnh nhân có “sống” được thực sự hay không. Tiếp đó, bênh nhân sẽ phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng hai bàn tay theo các bước mà bác sĩ chuyên khoa đưa ra, bởi nếu không luyện tập rất dễ có thể xảy ra tình huống sẽ bị dính gân, khiến hai bàn tay hoạt động kém, khó thực hiện được những động tác tinh tế.
Qua trường hợp tai nạn hy hữu này, BS Mai Anh khuyến cáo, người lao động cần được trang bị phương tiện bảo hộ khi lao động, đồng thời trước khi vận hành các thiết bị, máy móc cần kiểm tra kỹ độ an toàn mới thực hiện nếu không sẽ dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, thậm chí có thể bị thương tật suốt đời. |