1. Viêm loét dạ dày do H.pylori?
Helicobacter pylori (H.pylori) là vi khuẩn gây ra là tình trạng viêm loét dạ dày. Viêm loét dạ dày do H.pylori là bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ với tỷ lệ khá cao, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn ăn dặm và đi nhà trẻ (khoảng từ 2 đến 6 tuổi).
Vi khuẩn H. pylori có thể truyền từ người này sang người khác qua đường miệng. Trẻ em cũng có thể tiếp xúc với vi khuẩn nếu trẻ:
- Ăn thực phẩm không được làm sạch hoặc nấu chín một cách an toàn.
- Uống nước bị nhiễm vi khuẩn.
- Không rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
2. Các triệu chứng thường gặp
Phần lớn trẻ em bị nhiễm H. pylori đều không có triệu chứng (tức là không có triệu chứng nào như đau bụng mà trẻ thông báo cho cha mẹ).
Nếu viêm loét dạ dày tá tràng phát triển, chúng có thể gây đau bụng vùng thượng vị. Các dấu hiệu báo động như có máu trong phân, sụt cân hoặc nôn, thức dậy vào ban đêm vì đau.
Viêm loét dạ dày tá tràng nặng do vi khuẩn H. pylori tạo ra có thể bào mòn niêm mạc dạ dày khiến chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, tắc nghẽn thức ăn do vết loét ngăn thức ăn rời khỏi dạ dày, thiếu máu do thiếu sắt, thậm chí ung thư dạ dày.
3. Các phương pháp chẩn đoán
- Nội soi: Các xét nghiệm nội soi thường được sử dụng để chẩn đoán H. pylori ở trẻ em hơn là các xét nghiệm không xâm lấn. Phương pháp cho phép kiểm tra độ nhạy của kháng sinh và mang lại chẩn đoán chắc chắn nhất.
- Nuôi cấy phân: Phương pháp giúp tìm kiếm bất kỳ vi khuẩn bất thường nào trong đường tiêu hóa của trẻ có thể gây tiêu chảy và các vấn đề khác; phù hợp với tất cả các nhóm tuổi, ưu tiên ở trẻ nhỏ hơn.
- Kiểm tra hơi thở: Đây là phương pháp thay thế có thể thực hiện ở trẻ >6 tuổi, biết hợp tác trong quá trình kiểm tra.
4. Điều trị thế nào?
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe chung của trẻ. Các thuốc bao gồm: Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn và thuốc kháng axit ngăn chặn axit dạ dày tạo ra, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Phác đồ đầu tay trong điều trị H.pylori ở trẻ em là thuốc ức chế bơm poton (PPI) + amoxicillin + clarithromycin.
- Nếu tỉ lệ kháng clarithromycin cao, chuyển sang phác đồ: PPI + amoxicillin + metronidazole.
- Nếu vi khuẩn kháng cả 2 kháng sinh kể trên thì chuyển sang phác đồ:
Bismuth + PPI + metronidazole + tetracycline (cho trẻ từ 8 tuổi trở lên); hoặc Bismuth + PPI + amoxicillin + metronidazole (nếu trẻ dưới 8 tuổi); hoặc PPI + amoxicillin + metronidazole trong đó dùng liều cao Amoxicillin.
- Nếu trẻ dị ứng với nhóm thuốc penicillin, sử dụng phác đồ: PPI + Metronidazole + Clarithromycin.
4.1. Thuốc kháng sinh trong trị viêm loét dạ dày
Các thuốc kháng sinh thường dùng bao gồm amoxicillin, metronidazole, clarithromycin, tetracyclin. Lưu ý không sử dụng tetracyclin cho trẻ dưới 8 tuổi vì thuốc có thể gây đổi màu răng vĩnh viễn và làm chậm sự phát triển của xương, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
4.2. Thuốc kháng axit
Thuốc ức chế bơm proton bao gồm: Esomeprazole (có thể dùng cho trẻ dưới 1 tuổi), pantoprazole (từ 5 tuổi trở lên), omeprazole, lansoprazole, rabeprazole (từ 1 tuổi trở lên). Thuốc ức chế bơm proton là một phần quan trọng trong phác đồ tiệt trừ H. pylori... làm giảm acid dạ dày (yếu tố gây loét).
4.3. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như bismuth, có tác dụng diệt khuẩn trực tiếp đối với H. pylori, giúp chữa lành vết loét nhờ làm tăng các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. Dùng chung bismuth với kháng sinh làm tăng độ nhạy của vi khuẩn với kháng sinh.
Lưu ý: Thời gian điều trị phác đồ kéo dài 14 ngày thay vì một đợt điều trị ngắn hơn. Điều này dựa trên bằng chứng do tỷ lệ ngày càng tăng của các chủng vi khuẩn kháng thuốc, trong đó liệu trình dài hơn có hiệu quả hơn. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ toàn bộ quá trình điều trị sẽ tối ưu hóa việc loại bỏ vi khuẩn và giảm khả năng kháng kháng sinh.
Các tác dụng phụ khi sử dụng phác đồ điều trị H.pylori bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và hầu như sẽ hết khi ngừng điều trị.
5. Có điều trị dứt điểm được không?
Thất bại điều trị có thể xảy ra do tuân thủ điều trị kém, nhưng việc gia tăng tình trạng kháng kháng sinh (đặc biệt là clarithromycin) là nguyên nhân chính. Vì vậy, để chữa khỏi bệnh bằng thuốc kháng sinh thì điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm là cho con uống thuốc theo đúng chỉ dẫn trong thời gian bác sĩ kê đơn.
Để giúp làm dịu cơn đau bụng, cần lên kế hoạch cho các bữa ăn để dạ dày trẻ không bị rỗng trong thời gian dài. Ăn 5 hoặc 6 bữa nhỏ mỗi ngày có thể là tốt nhất và dành thời gian nghỉ ngơi sau mỗi bữa ăn.
Để ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn H.pylori ở trẻ em cần hướng dẫn trẻ duy trì những thói quen tốt về sức khỏe hoặc vệ sinh cá nhân, bao gồm:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn,
- Ăn thực phẩm đã được làm sạch và nấu chín an toàn.
- Uống nước sạch và an toàn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?