Làm sao sống khỏe?

02-01-2018 10:31 | Y học 360
google news

SKĐS - Sức khỏe chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó, lối sống và môi trường chiếm đến 60%, di truyền chiếm khoảng 30%, vai trò hỗ trợ của y tế chỉ có 10%.

Vì vậy, một quan niệm khá sai lầm là phải có bác sĩ, chúng ta mới khỏe.

Chúng ta có thể sẽ “lệ thuộc vào thầy”, “lệ thuộc vào thuốc” và càng lúc càng kéo dài bệnh. Chúng ta còn cần để ý đến nhiều điều khác.

Một tỉ phú người Mỹ vô tình nuốt phải một con rắn còn sống. Ông mất cả tinh thần, càng ngày càng kiệt sức. Ông ta đi rất nhiều bệnh viện nổi tiếng, nhiều bác sĩ giỏi, nhưng hầu như các bác sĩ bó tay chịu thua. Các chuyên gia y tế tiến hành nhiều xét nghiệm như nội soi, chụp cắt lớp… nhưng vẫn không thấy một con rắn nào. Sau cùng, một bác sĩ tâm lý nói rằng phải mời một thầy bắt rắn từ Ấn Độ qua.

Khi thầy bắt rắn vừa nhìn thấy bệnh nhân liền la lớn, “có con rắn trong bụng ông kìa”. Và sau đó, thầy bắt rắn cho bệnh nhân uống một ly nước, bệnh nhân ngủ một giấc, khi thức dậy, ông ta thấy một con rắn bò ra từ cái mền và ngay sau đó khỏi bệnh, khỏe hẳn ra.

Làm sao sống khỏe?

Bởi bác sĩ tâm lý biết rõ bệnh nhân của mình mắc bệnh do quá tưởng tượng và vì thế phải có những biện pháp điều trị tâm lý.

Rõ ràng, vấn đề sức khỏe không phải chỉ có riêng ngành y tế lo được. Đây là một vấn đề toàn diện, sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái về cả 3 mặt: thể chất, tâm thần và xã hội. Thông thường chúng ta chỉ chú ý đến thể chất hơn, nhưng rất nhiều người cứ đau bệnh rề rề và vẫn sống vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Đó là câu chuyện về một bệnh nhân cũ ở Q. 8, TP.HCM, vốn cụt hai tay, nhưng có một cái thuyền đi đánh cá trên rạch. Ông sống rất hạnh phúc với một vợ hai con. Người càng lớn tuổi càng coi trọng mảng tâm thần nhiều hơn.

Bác sĩ được đào tạo thường chỉ để chữa cái đau về thể chất. Nhưng còn cái “khổ” sinh ra cái đau, ai chữa? Bởi vậy chúng ta thường có những từ đi kèm với nhau để diễn tả cả thể xác lẫn tâm thần như khổ đau, đau khổ, bệnh hoạn. Bệnh sẽ mang theo hoạn nạn, hết tiền, hết bạc, đau đớn về mặt thể xác, khổ về mặt tinh thần. Vậy dựa vào đâu, chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, khỏe khoắn, an lạc và bớt đi bác sĩ?

Tháp nhu cầu!

Nhu cầu về vật thể là nền tảng cho tất cả mọi thứ, trong đó, thở đứng đầu. Con người ngưng thở 5 phút là coi như lìa đời. Lá phổi có 300 triệu tế bào gọi là phế nang, nếu rải lá phổi ra có diện tích khoảng 80m2. Nhưng nếu chúng ta cứ gặp khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, khói bụi, thở cũng bị tác động tiêu cực. Bất cứ một rối loạn nào ví dụ như rối loạn giấc ngủ, táo bón kéo dài, cũng khiến con người trở nên quạu quọ, cau có.

Con người cần một sự an toàn để phát triển. Môi trường đi lại, môi trường ăn ở an toàn, an ninh. Nhu cầu này chiếm khoảng 20% đến sức khỏe con người. Nhu cầu tình cảm đối với gia đình, bạn bè, rồi nhu cầu xã hội bằng cách đóng góp một phần sức lực để xã hội phát triển. Tất cả giúp con người sống hạnh phúc, vì cảm thấy mình sống có ích, giúp đỡ cho người khác. Đến một lứa tuổi nào đó, chúng ta tự nhiên có nhu cầu đến những nơi linh thiêng như nhà thờ, chùa chiền, tìm hiểu những triết lý, nâng cao trí tuệ.

Vì vậy, chỉ cần thỏa mãn được tháp nhu cầu này, chúng ta có thể có một “bí quyết sống khỏe”. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra quan niệm SAFE (sống an toàn), trong đó bao gồm: Smoking (không hút thuốc lá), Alcohol (không lạm dụng rượu bia, và thỉnh thoảng có thể sử dụng 1 ly rượu vang), Food (ăn uống đúng cách, chọn thực phẩm an toàn), Exercise (vận động đều đặn). Nhưng để sống càng an toàn hơn (SAFER), chúng ta còn phải học thở đúng cách (Respiration).

Còn đối với trẻ em, chúng ta có một cách nói vui “BUSĂC” (bú sữa mẹ). Người mẹ nào nếu làm được 5 điều này, con cái sẽ khỏe mạnh, ít phải đi đến bác sĩ:

- B (Biểu đồ tăng trưởng): biểu đồ theo dõi quá trình tăng trưởng của đứa bé, nếu chỉ số đột ngột giảm hoặc tăng, đều có thể cảnh báo trẻ có nguy cơ mắc phải căn bệnh nào đó, mới hiểu rõ con đang ở tình trạng tốt hay xấu.

- U (Uống bù nước): bởi vì trẻ con thường hay mắc tiêu chảy và bị mất nước rất nhanh. 75% cơ thể của trẻ là nước. Đặc biệt, nhiều bà mẹ thấy con ỉa chảy thường không dám cho con uống nước, sợ con ỉa chảy thêm.

- S (Sữa mẹ): trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ ít nhất là 6 tháng đầu đời.

- Ă (Ăn dặm): cần phải đúng cách, đúng thời điểm, trẻ mới khỏe và tăng trưởng tốt.

- C (Chủng ngừa): chủng ngừa đầy đủ.


BS. ĐỖ HỒNG NGỌC
Ý kiến của bạn