Hà Nội

Làm sao kiểm soát tốt bệnh hen phế quản?

24-06-2019 18:11 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hen phế quản (hay còn gọi là bệnh suyễn) khiến cho phế quản bị co thắt, làm cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi.

Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm hoặc người bệnh không thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ. Theo các nghiên cứu, bệnh hen phế quản có xu hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em, khi môi trường nhiều nơi ô nhiễm, khí hậu biến đổi...

Mỗi ngày có khoảng 1.000 người tử vong vì bệnh hen

Theo báo cáo của Tổ chức hành động vì bệnh nhân hen toàn cầu (GINA), năm 2018 thế giới có khoảng 339 triệu người mắc bệnh hen. Bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 người tử vong vì bệnh hen. Tỷ lệ mắc hen phế quản ước tính 6-8% ở người lớn và 10-12% ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đến năm 2025, ước tính thế giới có 400 triệu bệnh nhân hen phế quản. Tại Việt Nam, khoảng 4,1% số người trưởng thành, 4-8% trẻ em bị hen phế quản, tương đương 4 triệu người mắc bệnh và khoảng 3 ngàn trường hợp tử vong do hen mỗi năm. Con số đó được đưa ra trong chương trình “Đồng hành kiểm soát hen trẻ em” nhằm hưởng ứng Ngày Hen Thế giới (11/5) vừa qua.

Mặc dù việc điều trị có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ kiểm soát bệnh hen vẫn còn rất thấp. Tại khu vực châu Á, chỉ khoảng 1/3 số người bệnh hen đang được điều trị theo đúng phác đồ, đúng cách. Ở nước ta, theo báo cáo của chương trình Vì lá phổi khỏe Việt Nam, chỉ có 29,1% số bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen. Như vậy, có đến 2/3 số bệnh nhân hen phế quản lạm dụng thuốc cắt cơn, tức là chỉ dùng thuốc cấp cứu khi cơn hen xuất hiện.

Theo báo cáo của Tổ chức sáng kiến toàn cầu về hen phế quản (GINA), có đến 80% số bệnh nhân sử dụng không đúng dụng cụ hít thuốc nên thuốc không đạt hiệu quả, làm giảm tỷ lệ kiểm soát hen. Cũng theo báo cáo này, khoảng 50% số bệnh nhân cả người lớn và trẻ em không tuân thủ điều trị làm cho tình trạng hen không kiểm soát nặng nề hơn.

Hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát tốt nếu hiểu rõ về bệnh.

Hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát tốt nếu hiểu rõ về bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hen phế quản là bệnh lý mạn tính, thường cũng là một biểu hiện về dị ứng. Những người bị hen chủ yếu do di truyền, thường trong gia đình có người thân cũng bị hen, chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng... Do đó, những người lên cơn hen thường do dị ứng với mạt, bụi, phấn hoa, khói thuốc... Hen suyễn có thể xảy ra quanh năm hoặc theo mùa, nhưng hay gặp nhất khi thay đổi thời tiết đột ngột. Bệnh hen cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với một vài loại hóa chất. Bên cạnh đó, việc nhiễm virut, nhất là virut hợp bào đường hô hấp (ispiratory syncitral virus) cũng thường là nguyên nhân gây ra hen ở trẻ em. Khi người mẹ đang mang thai mà hút thuốc lá, đứa trẻ sinh ra cũng tăng nguy cơ bị hen.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ như: Thừa cân, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá. Người mẹ hút thuốc khi mang thai thì con sinh ra sau này có thể mắc bệnh hen. Tiếp xúc với khí thải hay các loại ô nhiễm. Tính chất nghề nghiệp hay phải tiếp xúc với các loại hóa chất... cũng dễ bị hen phế quản.

Triệu chứng để nhận biết bệnh hen

Những triệu chứng của hen xuất hiện và biến mất phụ thuộc vào hoạt động và hoàn cảnh. Bệnh hen gây ra các triệu chứng như: khó thở, nặng ngực và ho tái đi tái lại làm hạn chế hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân khi bệnh không được kiểm soát. Hen cũng có thể gây ra các cơn kịch phát, khó thở nặng có thể dẫn đến tử vong ngay cả khi tình trạng bệnh của bệnh nhân được kiểm soát hoàn toàn.

Chẩn đoán hen phế quản dựa vào 2 đặc trưng cơ bản của bệnh: thứ nhất, tiền sử bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp (khụt khịt, khó thở, nặng ngực và ho) thay đổi theo thời gian và cường độ; thứ hai, dựa vào kết quả đo chức năng thông khí phổi.

Hen phế quản gây co thắt đường thở.

Hen phế quản gây co thắt đường thở.

Cần kiểm soát tốt bệnh

Bệnh hen có thể được chữa khỏi hoàn toàn không? Đây không chỉ là sự quan tâm của những người bị bệnh hen mà cả của gia đình họ. Cần khẳng định ngay từ đầu: Bệnh hen không chữa khỏi hoàn toàn được. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và y học, sự ra đời của các loại thuốc điều trị dự phòng dạng hít hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, bệnh hen phế quản tuy không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được và vẫn sống một cuộc sống bình thường.

Bệnh nhân hen phế quản dùng thuốc điều trị đầy đủ, tránh được các yếu tố kích phát gây cơn hen thì họ có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường. Khi biết mình bị hen phế quản, bạn cần hết sức thận trọng, vì cơn hen (cơn khó thở hoặc ho cơn kéo dài) của có thể xuất hiện bất cứ khi nào, đặc biệt khi bạn tiếp xúc với các dị nguyên gây ra các cơn hen.Các dị nguyên thường gây các cơn hen phế quản được nhắc đến nhiều bao gồm: Phấn hoa. Lông hoặc chất thải tiết của vật nuôi trong nhà: chó, mèo; Khói thuốc lá, khói thuốc lào; Khói bếp than; Bụi nhà, gián; Thuốc xịt, thuốc hoa có mùi hắc; Nấm mốc. Thức ăn lạ (hải sản...); Thuốc (aspirin).

Ngoài ra, luôn giữ cho không khí trong nhà luôn sạch sẽ. Luôn giữ cho nhà cửa khô, thoáng, như vậy sẽ loại bỏ được nấm mốc. Không nuôi chó, mèo hoặc gia xúc trong nhà. Tránh ăn những thức ăn lạ như hải sản hoặc những thức ăn mà bạn đã từng bị dị ứng hoặc lên cơn khó thở.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để kiểm soát tốt bệnh hen, bên cạnh việc chẩn đoán bệnh chính xác, tuân thủ điều trị tốt, sử dụng đúng dụng cụ hít thuốc, người bệnh cần lưu ý  khi  điều trị kiểm soát hen phế quản, có thể nhiều năm không có triệu chứng, khi đó chỉ có thể khẳng định rằng: Bệnh hen của bạn đã ổn định. Tuy nhiên, bệnh vẫn còn đó cơ địa dễ mắc bệnh hen, và do vậy, nếu bạn nghĩ rằng bệnh hen của mình đã khỏi, bạn lại có xu hướng tiếp xúc trở lại với các yếu tố gây kích phát bệnh hen như: nuôi chó, mèo, hút hoặc tiếp xúc khói thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc khói bếp, bụi công nghiệp... khi đó sẽ có nguy cơ bùng phát bệnh hen trở lại. Vì vậy, người mắc hen cần theo dõi, xử trí khi có cơn hen khó thở xuất hiện. Tái khám thường kỳ để đánh giá tình trạng bệnh.


BS. Nguyễn Ngọc Khánh
Ý kiến của bạn