Làm sao giải tỏa tâm lý “Vô phúc đáo tụng đình”?

09-12-2013 07:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Thực trạng đòi nợ thuê dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự đang gây nhức nhối trong dư luận ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, khi tìm đến cơ quan chức năng không ít người có quan niệm “Vô phúc đáo tụng đình”

Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Thực trạng đòi nợ thuê dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự đang gây nhức nhối trong dư luận ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, khi tìm đến cơ quan chức năng không ít người có quan niệm “Vô phúc đáo tụng đình” vì thủ tục tố tụng nhiều lúc làm nản lòng đương sự. Vấn đề được đặt ra là làm sao hạn chế được tình trạng các thế lực đen đòi nợ thuê rồi chính chủ nợ lại bị dính vào vòng lao lý? Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam liên quan đến vấn nạn này.

PV: Thưa ông, một thực tế đang diễn ra hiện nay là khi người dân mắc nợ, thường các chủ nợ sẽ tự “xiết nợ”, đòi nợ theo cách riêng của mình không trừ cả khả năng đàn áp, bắt giữ con nợ... Hành vi này gây ảnh hưởng như thế nào cho từng cá nhân và xã hội?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Quả thực hiện nay các chủ nợ thường dùng “thế lực đen” bao gồm đội ngũ “giang hồ, xã hội đen” những thành phần bất hảo chuyên thực hiện đâm thuê, chém mướn nhằm trấn áp con nợ. Điều đáng nói không ít chủ nợ thuê các công ty núp dưới hình thức  dịch vụ đòi nợ thuê để đòi nợ. Tuy nhiên, khi thực hiện “xiết nợ” đã hoạt động vượt phạm vi cho phép, bất chấp pháp luật và gây ra những hệ lụy khôn lường. Tình trạng lạm dụng, lợi dụng dịch vụ đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thiếu nợ. Bởi lẽ, mặc dù thiếu nợ, nhưng người ta vẫn có một số quyền hợp pháp do luật định. Quyền đó được pháp luật che chở và tòa án là cơ quan xử lý.

PV: Có nhiều vụ đòi nợ thuê gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều trường hợp mặc dù số tiền vay thấp nhưng khi xiết nợ băng nhóm tội phạm thực hiện mang tính chất cưỡng đoạt, đe dọa tính mạng, sức khỏe của bản thân con nợ và gia đình họ. Theo ông có giải pháp nào để kiểm soát tình trạng trên?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, cần xem lại cấp nào quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và Nhà nước cần nhanh chóng có quy định cụ thể để dẹp dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi một lẽ, cách làm này không đảm bảo các yếu tố pháp luật và quyền con người và là hiểm họa để xảy ra tội phạm. Quan điểm cá nhân tôi đề nghị cần sớm có quyết định xóa bỏ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

PV: Theo luật định hiện nay, khi đã xác định nợ, nếu hai bên không thống nhất được, đã có cơ quan xét xử là tòa án. Tuy nhiên, thực tế không chỉ người dân mà ngay cả doanh nghiệp để giải quyết vấn đề vay nợ lại không “mặn mà” đưa đơn lên cấp tòa, ông có thể lý giải hiện tượng này?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Quan niệm “Vô phúc đáo tụng đình” vẫn phần nào đúng vì thủ tục tố tụng nhiều lúc làm nản lòng đương sự. Một vụ án dân sự từ khi được tòa án thụ lý giải quyết cho đến lúc có bản án (có hiệu lực pháp luật) thường phải trải qua các giai đoạn tố tụng kéo dài, có khi lên đến vài năm. Các chủ nợ với tâm lý muốn thu hồi nợ nhanh rất ngại bị hành khi đến tòa và bị “ngâm” án. Nên chăng, các nhà làm luật có những thay đổi nhằm đơn giản hóa các thủ tục tố tụng để xóa bỏ tâm lý “ngại” tòa. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp chây ỳ thi hành án thì cần phải có cơ chế kiểm tra tình trạng tài chính của các doanh nghiệp, xóa sổ những doanh nghiệp không có vốn, đăng ký vốn ảo.

PV: Giải quyết vay nợ thuộc án dân sự, vậy làm thế nào“để án dân sự không chỉ là những bản án tồn tại trên giấy”?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Hiện nay, hệ thống luật pháp của chúng ta đã có. Tuy cần cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với thực tế xã hội nhưng cũng có thể xem là đã có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, từ xét xử cho đến thi hành án. Tuy nhiên, vấn đề chính là con người vận hành bộ máy đó. Hệ thống nào cũng cần phải có những con người vận hành tốt thì mới chạy tốt được. Con người không hoàn chỉnh thì bộ máy hoàn chỉnh đến đâu cũng… như không. Muốn cải cách tư pháp, xây dựng một Nhà nước pháp quyền thì ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, khâu tuyển chọn con người phải được coi trọng. Ngoài ra, trong án dân sự nên có thẩm phán hòa giải, thẩm phán xét xử riêng. Việc hòa giải thành là một trong những điều kiện để bản án được thi hành dễ dàng hơn. Nếu có thẩm phán hòa giải riêng, việc giải quyết ở tòa sẽ hiệu quả hơn hiện nay. Bên cạnh đó, nếu người dân phát hiện có việc tẩu tán tài sản và đã thông báo với cơ quan nhà nước yêu cầu ngăn chặn nhưng cán bộ không thực hiện dẫn đến việc không có tài sản thi hành án thì cán bộ đó phải bồi thường. Nên quy định vấn đề này vào trong Luật Bồi thường Nhà nước sắp ban hành để công tác thi hành án hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Hậu (thực hiện)

Ông Trương Trọng Nghĩa.


Ý kiến của bạn