Làm sao để tránh những tai nạn thương tâm cho trẻ nhỏ

23-04-2014 14:39 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trung bình, mỗi ngày có 10 trẻ chết do tai nạn đuối nước. Theo thống kê của quốc tế, trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước đang phát triển.

SKĐS - Tai nạn thương tích hiện nay là mối nguy hiểm hàng đầu với trẻ em như: chết đuối, tai nạn giao thông, bỏng vôi hay nước sôi, điện giật, ngã do trèo cây, ngã cầu thang, nhà tầng…Trong đó, tai nạn do đuối nước là cao nhất. Mỗi năm có khoảng 3.600 trẻ chết do nguyên nhân này.

Trung bình, mỗi ngày có 10 trẻ chết do đuối nước. Theo thống kê của quốc tế, trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước đang phát triển. Những con số đau lòng trên là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với mỗi gia đình và toàn xã hội!

Chỉ riêng tháng 4 này đã liên tiếp xảy ra các vụ thương tích dẫn đến những cái chết vô cùng thương tâm:

Gần đây, một bé 2 tuổi ở Phú Nhuận( TP Hồ Chí Minh) bị ti vi rơi trúng đầu, sau 3 ngày hôn mê đã tử vong.

Ngày 3-4, một người mẹ ở Ngô Quyền( Hải Phòng) lấy cốc nước sôi để trên bàn chuẩn bị pha sữa. Con 3 tuổi lấy uống, bị bỏng miệng và cổ họng tử vong.

Ngày 13-4, trong khi đi dã ngoại, một số học sinh (HS) nam trường THCS Hoa Thủy, Lệ Thủy( Quảng Bình) rủ nhau xuống hồ tắm. Không may 2 HS sẩy chân và tử vong.

Ngày 14-4, cậu bé lớp 5 Võ Minh Đức( xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, (Bình Định) do nhà nghèo nên đi học về là Đức ra ao sau nhà đánh lưới kiếm thức ăn, đã bị đuối nước chết thảm. Hàng tiếng sau không thấy con về, gia đình tìm thì Đức đã đuối nước chết.

Ngày 16-4, trên đường đi học về, 2 cháu Phạm Thị Như Ý và Nguyễn Văn Đạt đều là HS lớp 1 trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình( Quảng Nam) đi qua hồ nuôi cá diêu hồng, do đứng trên bờ đùa giỡn, ngắm cá nên trượt chân xuống hồ chết.

Ngày 21-4, 2 HS lớp 4 Tiểu học Lộc Trì, huyện Phú Lộc, đến âu thuyền tránh bão ở tỉnh Thừa Thiên Huế chơi nghịch. Trước đây, âu này nông, sau đó người ta nạo vét sâu 2 mét nhưng không có biển báo nên đã xảy ra sự việc đau lòng

Và còn nhiều vụ thương tâm khác nữa.

 

Cần bổ sung kĩ năng bơi vào chương trình giáo dục trẻ. Ảnh minh họa.

Cần bổ sung kĩ năng bơi vào chương trình giáo dục trẻ. Ảnh minh họa.

Để xảy ra những cái chết không đáng có ấy, nguyên nhân chủ yếu là do người lớn chủ quan, thiếu ý thức và kĩ năng phòng chống tai nạn cho trẻ. Môi trường sống không an toàn là hiểm hoạ rình rập với trẻ. Các trường phổ thông trong cả nước không có GD chính thức về phòng chống đuối nước. Trong khi đó nước ta có đặc điểm địa hình nhiều sông lắm suối, thời tiết nóng nực. HS thích được tắm mát. Theo tổng kết, hơn 71% các trường hợp tử vong có thể tránh được. Thật đau xót và đáng tiếc!

Trong những ngày hè, hiểm họa có mặt ở mọi nơi. Làm sao để quản lý con an toàn trong những ngày này, trách nhiệm không chỉ của nhà trường, gia đình mà là của toàn xã hội. Nhưng cha mẹ vẫn phải là người bảo vệ con em mình trước tiên. Để tránh tai nạn nguy hiểm cho trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý một số điều sau: cần quản lý chặt chẽ, nhất là trẻ mẫu giáo, môi trường gia đình phải an toàn giếng nước phải có nắp đậy chắc chắn, phích nước sôi, nồi canh nóng, phích điện, thuốc men phải để xa tầm tay của trẻ hay khoá cẩn thận. Các bà mẹ cũng cần được trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho con. Hố vôi mới tôi phải che chắn kĩ, không cho trẻ chơi vật sắc, nhọn, tròn.

Dịp nghỉ hè, các bậc phụ huynh có thể đăng ký cho con đến các câu lạc bộ dạy bơi có uy tín bởi hiện nay các nhà trường chưa có chương trình GD bộ môn này. Với xã hội, cần nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ như nơi sông nước, đò ngang phải đủ tiêu chuẩn, có phao mới cấp phép hành nghề. Các địa phương cần quan tâm dành cho trẻ những khu không gian vui chơi để HS có sân chơi lành mạnh, tránh để các em la cà, dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc bị tai nạn thương tâm. Hồ ao phải có bảo vệ, biển cảnh báo. Nhà trường, đoàn thể cần coi trọng khâu giáo dục trẻ em kĩ năng tự bảo vệ, dạy các em không tự động đi tắm sông hồ, ao, biển khi không có người lớn kèm. Nhà trường cần quản lý thời gian chặt chẽ, không chỉ tổ chức dạy hè mà cần đa dạng hóa trại hè và các hoạt động vui chơi hấp dẫn.

Học kỳ quân đội" cũng là lớp học rèn kỹ năng sống, giúp các em rèn luyện thể lực, có tinh thần tự giác, kỷ luật, có lòng yêu thương, biết ước mơ, cai nghiện game online... Kế hoạch phòng chống nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2012- 2015 đã được 9 Bộ, ngành, đoàn thể ký và cam kết. Nhưng thời gian không còn nhiều mà nhiều nơi chưa triển khai rộng rãi bằng những việc làm cụ thể. Về lâu dài, các nhà trường cần đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất thường xuyên để xóa "mù bơi" cho HS. Nói điều này thì dễ, nhưng nhà trường cũng bất lực khi sân trường còn chật hẹp, huống chi bể bơi. nên dạy bơi cũng chỉ là lý thuyết.

Để con em có những ngày nghỉ hè an toàn, bổ ích, không chỉ nhà trường, gia đình quan tâm quản lý con em mà rất cần sự chăm sóc của cả cộng đồng. Nhưng để không có những cái chết thương tâm vì đuối nước ở trẻ, gia đình vẫn là nhân tố quan trọng nhất.

Trịnh Thị Thuận

 

 


Ý kiến của bạn