Dị ứng thuốc là tình trạng cơ thể phản ứng khác thường với loại thuốc khi sử dụng. Có thể dị ứng mắc phải ngay lần đầu uống thuốc nhưng cũng có thể phản ứng xảy ra ở lần sau. Thường dị ứng thuốc ở các lần sau nặng hơn lần trước. Vậy các biểu hiện dị ứng thuốc như thế nào và dự phòng ra sao?
Dấu hiệu của dị ứng
Chị N.B.H. sau khi uống thuốc alaxan được khoảng 20 phút thì thấy nước mắt chảy, cảm thấy nặng mặt. Càng lúc mặt chị càng sưng và mắt đỏ tấy. Đây là lần thứ hai chị H. uống thuốc này, lần trước chị cũng có dấu hiệu bất thường, nhưng triệu chứng nhẹ hơn nên chị chỉ ngừng thuốc mà không đến gặp bác sĩ. Lần này không chỉ sưng mặt, đỏ mắt mà chị còn có dấu hiệu khó thở, vậy nên chị vội vàng đến gặp bác sĩ. Sau một ngày được tiếp nước cùng uống một số thuốc chống dị ứng, chị được ra viện với lời dặn: Chị bị phù Quincke do thuốc giảm đau, lần sau tuyệt đối không được sử dụng thuốc này và mỗi lần muốn sử dụng thuốc gì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, mỗi lần đi khám bệnh nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc của mình.
Trường hợp của chị H. chỉ là một trong số rất nhiều ca dị ứng thuốc xảy ra hàng ngày với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng khác nhau. Vậy do đâu bị dị ứng thuốc?
Nguyên nhân dị ứng thuốc
Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào. Ở những người có cơ địa dị ứng, việc dùng thuốc gặp rất nhiều khó khăn. Có người xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày, thậm chí hằng tuần. Đáng lưu ý là trong rất nhiều trường hợp thấy bị sốt, ngứa, nổi mày đay, bệnh nhân lại nghĩ rằng mình bị một bệnh khác và dùng thêm vài loại thuốc nữa, càng làm cho tình trạng dị ứng thuốc trầm trọng hơn.
Các yếu tố gây nên tình trạng dị ứng thuốc bao gồm: thuốc đã quá thời gian sử dụng: khi đó, chúng không chỉ hết tác dụng mà có thể biến thành chất khác, gây ngộ độc cho người sử dụng; bệnh nhân tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi; có quá nhiều loại thuốc được đưa vào thị trường nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn hợp lý và chúng ta chưa quản lý được các nguồn thuốc sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu này.
Làm thế nào để hạn chế dị ứng thuốc?
Trước hết, chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng đơn chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì đơn giản nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình. Việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị và được theo dõi, chăm sóc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.
Nếu đang dùng thuốc mà thấy có các dấu hiệu bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy khó chịu thì lập tức ngưng sử dụng thuốc đó, đến khám ngay ở cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện cho bác sĩ, dược sĩ để có thể được cấp cứu hay được hướng dẫn xử trí kịp thời. Sau đó, nên đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ có thể thay đổi thuốc điều trị nếu cần. Các biện pháp dân gian điều trị dị ứng thuốc như uống nước đậu xanh để giã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng... đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh.
Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa.
Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của histamin trong cơ thể chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng.
Nên nhớ rằng, tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước.
Khi đi khám bệnh phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
BS. Lê Đức