Chân khoèo là một biến dạng bàn chân cụp xuống và quay trong (còn gọi là bàn chân ngựa vẹo trong). Đầu xương gót lồi ra trên lưng bàn chân, cạnh hõm. Trong các trường hợp nặng, lòng bàn chân có thể đưa lên trên và nếu không được điều trị, trẻ có thể đi trên mặt lòng bàn chân. Tật có thể xảy ra một hoặc hai bên.
Nguyên nhân:
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của dị tật này. Có thể dị tật bàn chân khoèo là có liên quan đến yếu tố gene. Nếu gia đình có 1 con bị bàn chân khoèo thì khả năng con tiếp theo bị chân khoèo vào khoảng 3-4%. Nếu bố mẹ bị bàn chân khoèo thì khả năng sinh ra con bị chân khoèo cũng cao hơn. Nếu cả hai bố mẹ cùng bị thì nguy cơ con bị còn cao hơn nữa. Bàn chân khoèo cũng có thể liên quan đến tư thế của chân em bé trong tử cung.
Lâm sàng:
Biến dạng căn bản của bàn chân là áp, lật trong và gập lòng bàn chân.
Đây là một tật bẩm sinh, các dây chằng, cơ, và xương đều bị sai lệch. Đôi khi về sau các dây thần kinh cũng sai lệch theo.
Để phân biệt với các tật của cổ chân khác, chỉ kết kuận là bàn chân khoèo khi nó chỉ riêng biệt một mình, không có các triệu chứng khác kèm theo.
Điều trị:
Phải điều trị ngay từ tuần đầu tiên sau khi sinh:
- Bảo tồn: nắn kéo giãn, bất động bằng bột hoặc băng dính; nẹp chỉnh hình (bột ống, nẹp Denis Brown).
- Phẫu thuật: khi các phương pháp điều trị bảo tồn sau 6 tháng không có kết quả.
Phục hồi chức năng:
Từ sau khi sinh đến 7 tháng: nắn sửa áp, gập lòng, lật; nẹp bột (2 tuần thay một lần).
Từ tháng thứ 7 trở đi: Nắn tiếp tục. Băng dính: 1-2 tuần thay một lần. Cho bé Mang giày cao cổ khi đi. Kết hợp tập mạnh cơ tứ đầu đùi.
Điều trị bàn chân khoèo theo phương pháp Ponseti:
Đầu tiên các bác sĩ sẽ dùng tay kéo bàn chân của trẻ càng trở lại gần vị trí bình thường càng tốt nhưng không làm cho trẻ đau và khó chịu. Tiếp theo trẻ sẽ được bó bột để giữ bàn chân ở tư thế đó. Trẻ thường sẽ được bó bột từ ngón chân cho đến khu vực khớp gối.
Sau đó 1 tuần, các bác sĩ sẽ tháo bột và lại tiếp tục điều chỉnh lại bàn chân của trẻ ở một tư thế mới gần với tư thế bình thường hơn và trẻ lại được bó bột tiếp ở tư thế mới đó và sau 1 tuần lại tiếp tục thực hiện như vậy. Cứ như thế sau mỗi tuần thì bàn chân của trẻ lại gần với tư thế bình thường hơn.
Sau 6 tuần lặp lại thủ thuật bó bột chân như trên thì thường sẽ có kết quả tốt và tư thế bàn chân của trẻ có cải thiện. Đến giai đoạn này có thể sẽ phải thực hiện một phẫu thuật nhỏ nhằm nới dài gân gót để cho gót chân của trẻ duỗi ra. Với phẫu thuật này các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ để kéo dài gân, để giảm đau trong phẫu thuật có thể chỉ cần gây tê tại chỗ.
Tiếp theo đó trẻ sẽ được bó bột lần cuối cùng, lần này thời gian bó bột thường là 3 tuần. Tiếp theo trẻ sẽ phải mang giày đặc biệt có nối với nẹp và cần phải sử dụng 23 giờ mỗi ngày trong 3 tháng. Trẻ cần mang loại giày đó vào ban đêm khi đi ngủ cho đến khi được 4 tuổi.
Một điều vô cùng quan trọng là cần phải mang giày này liên tục đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không tuân thủ đúng thì dễ có khả năng bị chân khoèo tái phát.
BS. Mai Trung Dũng
thủ đúng thì dễ có khả năng bị chân khoèo tái phát.