Ung thư giai đoạn sớm là những tổn thương ung thư thường mới chỉ khu trú tại chỗ, chưa di căn đi xa hoặc hạch xung quanh, thường rất kín đáo, có kích thước nhỏ, mật độ hoặc bề mặt chỉ có một chút khác biệt so với mô bình thường về độ bằng phẳng, cũng như màu sắc nên rất khó để phát hiện.
Lợi ích và hiệu quả khi ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm
Các tổn thương được phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh:
- Có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều tổn thương ung có thể điều trị khỏi hoàn toàn như ung thư dạ dày, đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, tuyến giáp…
- Nếu không khỏi hoàn toàn thì có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ những can thiệp tối thiểu và tình trạng khối u chưa bị di căn…
- Bảo tồn chức năng cơ thể tối đa. Ví dụ, cắt tách tổn thương ung thư dạ dày sớm chỉ cần lóc tách lớp niêm mạc và dưới niêm mạc vùng tổn thương một vài cm, sau đó để lại 1 vết sẹo nhỏ; trong khi mổ cắt dạ dày thì phải cắt đi một phần của dạ dày hoặc cắt đi hoàn toàn.
- Giảm thời gian nằm viện và thăm khám cho người bệnh. Ví dụ, nếu cắt tách dưới niêm mạc tổn thương ung thư dạ dày sớm thì người bệnh chỉ cần nằm viện 1-2 ngày; nhưng nếu phải mổ cắt dạ dày thì phải nằm viện 5-7 ngày.
- Tiết kiệm chi phí từ việc làm thủ thuật cho đến các chi phí do nằm viện.
- Đảm bảo khả năng lao động và hạn chế thời gian nghỉ làm do phải đi bệnh viện.
- Giảm thiểu ảnh hưởng tâm lý tới người bệnh và gia đình.
Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư?
Làm sao để phát hiện được tổn thương giai đoạn sớm đòi hỏi rất nhiều yếu tố phục vụ cho việc chẩn đoán. Có một số ý kiến cá nhân sau đây:
Cấp độ quốc gia/chính sách:
- Có chương trình khám sàng lọc phát hiện sớm. Nhiều nước phát triển trên thế giới có chương trình khám sàng lọc như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... họ ưu tiên tập trung cho một số bệnh ung thư thường gặp và có khả năng phát hiện, điều trị sớm, mang lại hiệu quả cao về sức khỏe và kinh tế (như: ung thư vú, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến, cổ tử cung, gan…).
Khi triển khai chương trình này, nhà nước có đầu tư đồng bộ cho hệ thống y tế để phục vụ cho chương trình từ trang thiết bị, con người, chính sách, tài liệu...
- Truyền thông tới các cơ sở y tế và cộng đồng về vai trò của phát hiện sớm ung thư. Ngày nay, công tác truyền thông về phát hiện sớm ung thư đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người dân, thậm chí là cán bộ y tế chưa để ý đến việc này. Nhiều người dân còn chủ quan, đến khi có biểu hiện bệnh thì mới đi khám… khi đó bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Cấp cơ sở y tế:
- Con người: Bác sĩ khám, thực hiện thủ thuật thăm khám, bác sĩ đọc phim, đọc kết quả giải phẫu bệnh... cần có đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện thủ thuật, đặc biệt là cần có tư duy và hứng thú trong việc phát hiện sớm.
- Máy móc và thiết bị, dụng cụ: Để phát hiện sớm tổn thương ung thư cần có máy móc trang thiết bị tốt để bác sĩ có thể nhìn rõ và phân biệt được những hình ảnh, chi tiết nhỏ. Từ đó, mở rộng trường quan sát vùng thăm khám một cách tối ưu. Khi cần, có thể tiến hành thủ thuật can thiệp như sinh thiết, cắt tách...
- Thời gian: Cần có thời gian đủ dài để thăm khám một cách kỹ lưỡng. Ví dụ: thời gian nội soi dạ dày tối thiểu cần thiết là 6-8 phút/ca, thời gian rút dây soi đại tràng là tối thiểu 6 phút… Nếu thăm khám quá nhanh, nguy cơ bỏ sót tổn thương sẽ cao.
- Chuẩn bị bệnh nhân tốt: Đây là công việc quan trọng của điều dưỡng giúp trấn an tinh thần cho người bệnh, giúp chuẩn bị cơ thể tốt (ví dụ nội soi dạ dày, đại tràng cần chuẩn bị ruột thật sạch; hay nội soi dạ dày, đại tràng gây mê sẽ ổn định bệnh nhân tốt hơn soi không mê nếu bệnh nhân bị kích thích).
- Chuẩn bị không gian tốt: Khi bệnh nhân đến thăm khám ở một cơ sở y tế luôn mong muốn có một cảm giác thân thiện, thoải mái, dễ chịu… Ví dụ, nếu bệnh nhân phải chuẩn bị đại tràng, rửa ruột để nội soi thì ít nhất nhà vệ sinh cần phải sẵn có, sạch sẽ, thoải mái…
- Thủ tục đơn giản, gọn nhẹ: Bố trí không gian theo luồng giao thông và dịch vụ một cách thuận tiện, khoa học, giảm thiểu việc phải đi lại và làm nhiều thủ tục không cần thiết…
- Hệ thống công nghệ thông tin lưu trữ tốt: Giúp theo dõi những tổn thương tiền ung thư ở lần thăm khám trước cũng như nhắc nhở người bệnh đi khám theo định kỳ. Ngoài ra, ngày nay chúng ta có thể kết nối để chẩn đoán, hội chẩn từ xa cho nhiều trường hợp.
- Chỉ định 'đúng, đủ': Làm những thăm khám và xét nghiệm cần thiết theo khuyến cáo của các Hiệp hội khoa học chính thống, tránh tình trạng chỉ định quá mức gây lãng phí, hoang mang cho người bệnh và gia đình. Nếu chỉ định không đủ thì người bệnh bị mất cơ hội được phát hiện bệnh.
- Đưa ra chi phí hợp lý: Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của mỗi người Việt trong năm 2021 là 4,2 triệu đồng, trong đó các khoản chi tiêu đã hết 2,9 triệu đồng. Khám sàng lọc ung thư cần phải tự bỏ tiền túi, thực hiện 1-5 năm/lần tùy từng loại bệnh và từng cá thể chứ không phải khám 1 lần trong cả đời.
Nếu chi phí quá cao người dân sẽ ít có khả năng tiếp cận dịch vụ, sàng lọc không đủ sẽ có nguy cơ bỏ sót, không đúng đối tượng hoặc thừa dịch vụ sẽ bị lãng phí. Do đó cần có sự quan tâm và ưu tiên về công tác phát hiện sớm, từ đó tạo điều kiện để phát triển dịch vụ và đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người…
Cấp người dân trong cộng đồng:
- Cần có ý thức, đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để đi khám sàng lọc, phát hiện sớm, dự phòng bệnh trước khi quá muộn.
- Biết lựa chọn cơ sở y tế, dịch vụ phù hợp cho bản thân và gia đình cả về chất lượng và chi phí.
Nhìn chung, để cải thiện được công tác khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi mỗi người dân trong cộng đồng cần chủ động tích cực hơn trong việc thăm khám cho bản thân và gia đình cũng như cung cấp những dịch vụ đảm bảo chất lượng tốt, có tính khoa học với chi phí hợp lý từ các cơ sở y tế.
Xem thêm video được quan tâm:
Trẻ 8 tuổi hôn mê sâu biến chứng nặng do mắc cúm B | SKĐS