Thiếu máu cơ tim hay thiếu máu cơ tim cục bộ có thể gây tổn thương cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim (suy tim), có thể xuất hiện các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Nếu mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột sẽ gây nhồi máu cơ tim cấp, đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người bệnh tim mạch.
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, với đặc trưng là những cơn đau thắt vùng ngực. Nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu cơ tim là sự tích tụ của các mảng vữa và xơ cứng, được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm hẹp, cản trở sự lưu thông của máu qua động mạch.
Ngoài ra, lưu lượng máu mạch vành có thể giảm do cục máu đông từ vị trí khác di chuyển đến gây tắc mạch, hoặc do tình trạng co thắt động mạch vành.
Yếu tố nguy cơ thúc đẩy thiếu máu cơ tim bao gồm: Hút thuốc lá; Béo phì; Tăng huyết áp; Rối loạn mỡ máu; Đái tháo đường; Ít vận động…
Triệu chứng thường gặp khi bị thiếu máu cơ tim
Một số người bệnh thiếu máu cơ tim không hề gặp phải bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Trường hợp này còn được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Khi các động mạch tắc hẹp nhiều hơn và lượng máu nuôi tim suy giảm nghiêm trọng, bạn có thể gặp phải một số các triệu chứng mà điển hình nhất là đau thắt ngực trái. Cơn đau có thể dữ dội hoặc cảm giác tức nặng ngực, thường lan sang cổ, hàm, vai và cánh tay trái, kèm theo đó là các biểu hiện khác như:
– Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức.
– Mệt mỏi rã rời chân tay.
– Buồn nôn và ói mửa, buồn đi cầu, dấu hiệu gần giống như bị ngộ độc thực phẩm.
– Vã mồ hôi lạnh.
– Tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực.
– Chóng mặt, choáng váng.
Tuy vậy, để khẳng định thiếu máu cơ tim cần phải được thăm khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.
Cần làm gì khi bị thiếu máu cơ tim?
Cũng giống như các bệnh tim khác, khi phát hiện thiếu máu cơ tim, cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ. Việc sử dụng thuốc là giải pháp an toàn hiệu quả để phòng ngừa và điều trị thiếu máu cơ tim.
Một số thuốc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim có thể được sử dụng để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể. Một số loại thuốc thông dụng để điều trị thiếu máu cơ tim là: Thuốc giảm đau thắt ngực và cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim bằng cách giãn nở mạch máu.
Nhóm thuốc Beta - Blockers (thuốc chẹn beta) giúp làm chậm nhịp tim, giảm nhu cầu oxy cơ tim, từ đó giúp giảm đau ngực. Thuốc Calcium Channel Blockers làm giãn mạch máu và giúp lưu thông máu tốt hơn đến cơ tim. Nhóm thuốc Statins được sử dụng để giảm cholesterol và kiểm soát bệnh xơ vữa động mạch vành. Thuốc kháng kết tập tiểu cầu - được sử dụng như một loại thuốc chống tắc mạch để giảm nguy cơ hình thành huyết khối trong động mạch vành…
Khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì biện pháp can thiệp mạch vành bằng đặt stent hoặc phẫu thuật được chỉ định nhằm giải quyết nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống có thể sẽ góp phần ngăn chặn các bệnh lý mạn tính nói chung và bệnh lý tim mạch nói riêng, cụ thể:
- Cần tập thể dục: Lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi (bơi, đi bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh). Tập luyện 30 phút mỗi ngày và 150 phút/tuần.
- Có chế độ ăn lành mạnh: Tránh sử dụng nhiều những thực phẩm có chất béo bão hòa và cholesterol cao như: Mỡ động vật, da và phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà... mà nên sử dụng thực phẩm chứa chất béo bão hòa ( dầu ăn, đậu, lạc, đỗ). Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây tươi...
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân ở người thừa cân, béo phì sẽ giúp giảm gánh nặng lên tim mạch và khớp. Khuyến cáo BMI < 23.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào và hạn chế sử dụng đồ uống có cồn (bia, rượu): Thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ cao làm tăng xơ vữa mạch vành. Sử dụng nhiều đồ uống có cồn sẽ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp.