Làm sao để gỡ vướng trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT?

06-12-2023 10:39 | Y tế

SKĐS - Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định việc hoàn trả tiền cho người dân đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự mua thuốc để điều trị, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Đây là yêu cầu chính đáng và cần thiết.

Phải chấm dứt tình trạng chậm thanh, quyết toán BHYT

Nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 7/11, ĐBQH Hà Hồng Hạnh (Khánh Hoà) cho biết, tại Văn bản số 2060 ngày 20/10/2023, Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để BHYT hoàn trả lại các khoản này, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý kiến này?

Dẫn Báo cáo của Chính phủ, đến nay còn xấp xỉ 2.500 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán, quyết toán từ năm 2021 chưa được giải quyết, đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp để chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán BHYT?

Làm sao để gỡ vướng trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT?- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hà Hồng Hạnh (Khánh Hoà) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, về mặt nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm đủ thuốc chữa bệnh và không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu để người bệnh tự mua, thì sẽ có nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh và giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong thanh toán.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch COVID – 19, đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc và thực tế, nhiều cơ sở y tế không bảo đảm đủ thuốc, nhiều bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc tự điều trị. Bộ trưởng Bộ Y tế xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Hà Hồng Hạnh và nhấn mạnh quan điểm, quyền lợi của bệnh nhân, người tham gia BHYT phải được bảo đảm. Đây là yêu cầu chính đáng và cần thiết.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, chưa có quy định trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân có thẻ BHYT phải ra ngoài mua thuốc. Bộ Y tế đề nghị, các cơ sở y tế thực hiện các quy định liên quan đến mua thuốc, vật tư, y tế để bảo đảm phục vục cho công tác khám, chữa bệnh; đề xuất các cơ chế để nghiên cứu thực hiện điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khám, chữa bệnh khi kết quả đấu thầu còn hiệu lực; rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024 sẽ bổ sung các danh mục thuốc, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Làm sao để gỡ vướng trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn tại phiên họp của Quốc hội chiều 7/11. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến cơ chế hoàn trả tiền người dân đi khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, “đã giao cho Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng Thông tư, nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng và sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT”.

Đối với việc thanh toán tổng mức của BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Nghị quyết số 144/NQ – CP ngày 5/11/2022 đã cho phép tháo gỡ vấn đề BHYT bị vượt tổng mức của năm 2021. Hiện nay, Bộ Y tế, các Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã rà soát các nội dung chi để thực hiện đúng theo quy định. Trên cơ sở rà soát, còn hơn 1.000 tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp với các Sở Y tế để thanh toán.

Đồng thời để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75 ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nghị định này đang được triển khai thực hiện.

Làm sao để giảm chi "tiền túi' của người bệnh?

Cũng liên quan đến vấn đề "giảm chi tiền túi" của người bệnh, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 8/11, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có đề cập đến một mục tiêu khá cụ thể đó là làm thế nào để hạn chế tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ y tế. Cụ thể giảm xuống dưới 35% vào năm 2025. Tuy nhiên theo đại biểu, với tình hình hiện nay, rất khó để đạt mục tiêu này.

Vậy, "Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH có giải pháp thế nào để giải quyết vấn đề này?", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung "giảm chi tiền túi của nhân dân" liên quan tới mô hình chăm sóc y tế đã được các Nghị quyết của Đảng nêu ra. Đó là chúng ta tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường công tác dự phòng, giảm bớt chi phí điều trị.

Làm sao để gỡ vướng trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT?- Ảnh 3.

Hướng tới giảm chi tiền túi cho bệnh nhân.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các mô hình bệnh tật của chúng ta biến đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Đặc biệt, nhận thức của người dân thường đến bệnh viện khi đã ốm rồi, bệnh nặng rồi nên dẫn đến chi phí cao. "Theo báo cáo của Bệnh viện K Trung ương, thường thì bệnh nhân mắc ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn dẫn đến chi phí cao, hiệu quả chăm sóc y tế kém", Bộ trưởng lấy ví dụ.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để giảm chi tiền túi của người bệnh có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững. Đó là tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc phát hiện bệnh sớm, tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe, có mô hình tài chính bền vững và tăng cường độ bao phủ các chính sách Bảo hiểm y tế.

"Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể trên toàn diện các lĩnh vực của ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khám, chữa bệnhBộ trưởng Đào Hồng Lan: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khám, chữa bệnh

SKĐS - Qua 70 năm xây dựng, phát triển, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh đã khẳng định vị trí trọng yếu trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý...

L.Uyên
Ý kiến của bạn