Hà Nội

Làm sao để giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội?

15-04-2024 16:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Chỉ còn hơn tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội sẽ diễn ra. Thời điểm hiện tại, nhiều học sinh cũng như phụ huynh vô cùng căng thẳng và lo âu trước sức ép của kỳ thi này.

Hàng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội luôn được coi là kỳ thi "căng thẳng hơn cả kỳ thi đại học" khi luôn chỉ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào các trường công lập.

Năm nay, áp lực này lại càng lớn hơn bởi theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn TP. Hà Nội tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024 khoảng 133.000 học sinh, tăng hơn 5.000 em so với năm học trước. Số lượng học sinh tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 là 81.200 học sinh. Tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 51.800 học sinh.

Trước sức ép về số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn vừa có một số lưu ý quan trọng đối với thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như năm ngoái. Tuy nhiên, khi các em học sinh đăng ký nguyện vọng, mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng (NV) dự tuyển vào ba trường THPT công lập xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1 và NV2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh (KVTS) theo quy định, NV3 có thể thuộc KVTS bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.

Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào hai trường THPT công lập, phải đăng ký NV1 thuộc KVTS theo quy định, NV2 thuộc KVTS bất kỳ. Nếu học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV vào một trường THPT công lập, có thể đăng ký vào trường THPT thuộc KVTS bất kỳ.

Làm sao để giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội?- Ảnh 1.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội sẽ diễn ra ngày 8- 9/6 với 3 môn thi: Ngữ văn (120 phút); Toán (120 phút) và Ngoại ngữ (60 phút).

Trường hợp học sinh đăng kí dự tuyển vào lớp 10 không chuyên tại các trường: THPT Chu Văn An (tiếng Anh), THPT Sơn Tây; THPT Việt Đức (lớp tiếng Đức ngoại ngữ 2, hệ 7 năm), Phổ thông dân tộc nội trú thì NV1 thuộc các trường hợp trên, NV2 (nếu có) phải thuộc KVTS theo quy định, NV3 (nếu có) thuộc KVTS bất kỳ; Học sinh đăng kí dự tuyển học lớp tiếng Nhật (ngoại ngữ 1): được đăng ký dự tuyển NV1 và NV2 vào hai trong ba trường THPT (Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức), NV3 (nếu có) thuộc KVTS bất kỳ.

Việc xác nhận nhập học là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các học sinh có NV được tiếp tục học ở bậc học cao hơn. Sau khi công bố kết quả thi và điểm chuẩn, học sinh phải đăng ký vào một trong những trường trúng tuyển và phải thực hiện thao tác xác nhận nhập học từ 13h ngày 10/7 đến 24h ngày 12/7. Đối với trường THPT công lập, học sinh có thể lựa chọn hình thức xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp. Đối với trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, CSGD nghề nghiệp, học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học và nộp hồ sơ nhập học chậm nhất ngày 22/7.

"Nguyên tắc xét tuyển hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Căn cứ vào khả năng học tập của bản thân, điều kiện của học sinh và gia đình, nguyện vọng học tập tại trường THPT, học sinh cần cân nhắc để lựa chọn trường phù hợp để đăng ký nguyện vọng dự tuyển".

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, những năm học qua, phương án thi và tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội ổn định đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cha mẹ học sinh, học sinh và các nhà trường. Việc có học sinh dù học tốt nhưng chọn không khéo vẫn có thể trượt tất cả các nguyện vọng là do học sinh chưa nghiên cứu kỹ về phương án xét tuyển, trường THPT mình muốn theo học (điều kiện cơ sở vật chất, điểm chuẩn…), khả năng học tập của bản thân….

"Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND TP về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT để phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, Sở sẽ xây dựng cấu trúc đề thi và ma trận đề thi của từng môn thi và sớm công bố để học sinh, cha mẹ học sinh biết và các nhà trường xây dựng kế hoạch năm học tổng thể, thực hiện nhiệm vụ học tập, ôn luyện, kiểm tra đánh giá và triển khai các hoạt động giáo dục".

Năm học 2023-2024 toàn TP. Hà Nội có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm GDNN-GDTX và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, với tổng số 66.138 lớp, 2.222.246 học sinh, 124.493 giáo viên và 66.110 phòng học (tăng 34 trường so với cùng kỳ năm trước).

Toàn thành phố có 2.257 trường công lập, trong đó, mầm non có 806 trường, tiểu học có 718 trường, THCS có 611 trường, THPT có 128 trường với 4.998 lớp, 221.850 học sinh, bình quân 44,4 học sinh/lớp, tăng 8.994 học sinh so với cùng kỳ năm học trước.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội sẽ diễn ra ngày 8- 9/6 với 3 môn thi: Ngữ văn (120 phút); Toán (120 phút) và Ngoại ngữ (60 phút).

Trong đó, Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh được đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.

Làm sao để giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội?- Ảnh 2.

Lịch thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2024 - 2025.

Thi vào lớp 10: Trường hợp nào được cộng điểm ưu tiên?Thi vào lớp 10: Trường hợp nào được cộng điểm ưu tiên?

SKĐS - Cộng điểm ưu tiên thi vào lớp 10 THPT là một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Vậy, chế độ cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học tới thế nào?


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn