Ước tính có khoảng 1/10 đến 1/3 dân số thế giới mắc phải rối loạn giấc ngủ với các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Có nhiều lý do khiến bạn mất ngủ: căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống, xáo trộn giờ sinh hoạt hoặc các vấn đề về sức khỏe.
Để dễ dàng đi vào giấc ngủ, nhiều người bệnh đã tự mua thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, có tới 50% những người tự mua thuốc ngủ gặp phải tác dụng phụ, như buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn hoặc hay quên vào sáng hôm sau. Một số khác lại cảm thấy thuốc không hiệu quả…
Biện pháp điều trị mất ngủ
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc để điều trị chứng mất ngủ. Mỗi loại có tác dụng khác nhau nhưng chủ yếu những thuốc này có tác dụng gây buồn ngủ hoặc giúp người bệnh bớt lo lắng, căng thẳng trước giờ ngủ.
Thuốc an thần: Nhóm lâu đời nhất là benzodiazepine. Thuốc này tác động khá mạnh, kèm theo giải lo âu. Tuy nhiên, chỉ nên dùng cho các trường hợp mất ngủ ngắn. Nếu dùng thuốc an thần lâu ngày sẽ gây “nghiện”, hay “lờn thuốc”. Khi đã lờn thuốc thì bạn vẫn mất ngủ dù tăng liều thuốc lên nhiều lần. Ngoài ra, nếu bạn mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, thuốc này sẽ làm bệnh nặng hơn.
Thuốc “Z” (dựa theo tên gọi): gồm zopiclone, eszopiclone, zolpidem. Các thuốc này ít có nguy cơ gây nghiện hơn, nhưng cũng chỉ dùng ngắn hạn.
Thuốc chống trầm cảm, lo âu: gồm nhiều nhóm khác nhau, ít nguy cơ gây nghiện nhưng vẫn phải dùng đúng chỉ định của bác sĩ vì có nhiều tác dụng phụ. Với các thuốc này, giấc ngủ thường chỉ cải thiện rõ sau 2 - 4 tuần điều trị. Thuốc thường được kê điều trị mất ngủ do trầm cảm, lo âu.
Thuốc kháng histamine: là thuốc chống dị ứng, có tác dụng phụ là gây ngủ. Thuốc này phù hợp với các bệnh nhân mất ngủ kèm ngứa, viêm mũi dị ứng. Thuốc có thể gây tác dụng phụ gây khô miệng, chóng mặt,…
Melatonin: là hormone của giấc ngủ, thường dùng cho trường hợp mất ngủ kèm rối loạn nhịp sinh học, như ngủ quá trễ, dậy quá sớm, lệch múi giờ.
Với những người chỉ khó ngủ đầu giấc, cần dùng loại thuốc tác dụng nhanh, không kéo dài. Một số khác lại thức dậy giữa đêm và khó ngủ trở lại, nhóm này cần dùng thuốc tác dụng chậm và kéo dài hơn, nhưng có khả năng là thuốc vẫn không hết tác dụng vào buổi sáng, gây buồn ngủ ban ngày.
Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau. Việc dùng thuốc không đúng bệnh sẽ không mang lại hiệu quả điều trị mà còn khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh không được tự ý dùng.
Để điều trị mất ngủ, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.
Làm sao để sử dụng thuốc an toàn?
Để an toàn, bạn có thể dùng các loại thuốc ngủ thảo dược với liều lượng được khuyên dùng trong hướng dẫn sử dụng thuốc. Bạn cũng có thể sử dụng các bài thuốc dân gian như tim sen, lạc tiên,…
Lưu ý, không nên tự ý dùng thuốc ngủ mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc an thần mạnh. Lạm dụng thuốc ngủ sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc gây khó chịu do tác dụng phụ.
Nên nhớ, thuốc ngủ chỉ có tác dụng tạm thời chứ không chữa được bệnh mất ngủ. Việc xác định nguyên nhân mất ngủ rất quan trọng trong điều trị. Vì vậy, cần thăm khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và xác định đúng nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể giải quyết triệt để được mất ngủ.
Ngoài ra, với những người mắc bệnh gan, thận, người cao tuổi nên cẩn thận khi dùng thuốc ngủ vì thuốc có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn.
Phương pháp không dùng thuốc
Bên cạnh thuốc ngủ, điều quan trọng là cần luyện tập vệ sinh giấc ngủ, bao gồm: tránh dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ; cố gắng duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy cùng 1 thời điểm mỗi ngày; tránh dùng đồ uống có cồn (rượu, bia) trước khi đi ngủ; tránh dùng thức uống chứa caffein (cà phê, trà) từ sau 3 giờ chiều; tránh ngủ trưa quá nhiều, không ngủ trưa sau 3 giờ chiều; ăn tối không trễ quá, không ăn quá no; tránh tập thể dục nặng trong vòng 2 giờ trước khi ngủ.
Không nên nằm trằn trọc trên giường quá 20 phút. Bạn có thể ra khỏi giường làm việc gì đó nhẹ nhàng và chỉ quay lại giường khi mỏi mắt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu đã thử luyện tập vệ sinh giấc ngủ, dùng các loại thuốc thảo dược mà vẫn không hiệu quả, hoặc mất ngủ trên 1 tháng, hoặc ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, đó là lúc bạn nên đến gặp bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc, hiện có phương pháp không dùng thuốc đã được chứng minh có hiệu quả tương đương, đó là liệu pháp nhận thức - hành vi, thường được các chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ sử dụng. Nếu kết hợp liệu pháp này cùng với thuốc, hiệu quả sẽ lâu dài hơn và giảm được tác dụng phụ của thuốc.