Hà Nội

Làm sao để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?

15-10-2024 06:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, nhà giáo, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là đúng đắn, tuy nhiên thực tế còn nhiều khó khăn, cần có chương trình cụ thể, hành động cụ thể.

Kết luận số 91-KT/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...". Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: "Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".

Nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần phải có lộ trình nhất định.

Phải có người đi trước

GS.TS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn, tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Chính phủ, GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết về chương trình, sách giáo khoa, thi cử, cơ chế, chính sách... thì có thể thực hiện được.

Ngoài ra, cũng phải chú ý, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và các bậc cha mẹ ở các vùng khó khăn. "Chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT và các chuyên gia xem xét tăng cường tối đa việc tham khảo, sử dụng các chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế cho Việt Nam, hợp tác để mời thêm giáo viên Việt kiều và các nước".

Theo GS.TS. Trần Văn Nhung, ngôn ngữ là công cụ phục vụ việc dạy và học, sinh hoạt, giao tiếp, làm việc. Vì vậy, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai phải được hiện thực hóa và gắn chặt với việc nâng cao kiến thức, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ và người lao động. Đồng thời, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội.

Làm sao để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?- Ảnh 1.

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh minh hoạ.

Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, GS.TS Trần Văn Nhung nhận thấy toàn bộ cái khó sẽ nằm ở vùng khó. Tất cả chiến lược này thành hay bại phụ thuộc vào việc chúng ta thực hiện ở các vùng khó thế nào. Bên cạnh đó, chúng ta phải chấp nhận "mô hình khí động học" hay "mô hình mũi tên nhọn", không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục.

Ngoài ra, chúng ta nên đi theo phương châm "mũi tên, hòn đạn". Tức là, phải có người đi trước. Họ sẽ tìm ra cách để phát triển; sau đó có thể quay về giúp cho cộng đồng, kéo cả "đoàn tàu" đi lên. Sau này, các địa phương phát triển, đã làm tốt có thể xuống vùng khó khăn để giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương khác. "Ngay tại Hà Nội, TP.HCM cũng cần người đi trước và khu vực vùng sâu, xa cũng cần người đi trước".

GS.TS Trần Văn Nhung cho rằng, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn Khoa học xã hội. Mặt khác, cần có sự phân tầng và những chính sách để các nơi có thể "tự thân vận động". "Các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan… có nhiều kinh nghiệm trong dạy - học tiếng Anh ở vùng khó khăn. Chúng ta có thể tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm quốc tế này.

Cô Lưu Tú Oanh - giáo viên Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, ở Việt Nam, môi trường để học sinh nghe - nói - đọc - viết chưa thực sự được phát huy nên còn một số đông các con học sinh trong lớp chưa sử dụng được tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, chưa giao tiếp được tốt. "Nếu chúng ta có chương trình cụ thể, hành động cụ thể thì tôi tin giáo viên có thể hỗ trợ các con làm được việc đó mỗi ngày".

Các bước để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội: "Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một vấn đề rất lớn, không dễ thực hiện, không thể làm được trong vài ba thập kỷ. Nhưng phải bắt tay từ bây giờ. Vế sau của Kết luận 91 phải làm trước, tức là từng bước "đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học". Sau đó mới là "phổ cập tiếng Anh toàn dân".

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần 4 bước cơ bản sau đây: Một là luật hóa môn tiếng Anh: sửa luật Giáo dục và các văn bản dưới luật, quy định ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông là tiếng Anh, tiếng nước khác là ngoại ngữ 2.

Hai là vấn đề đội ngũ giáo viên, phải có đội ngũ giáo viên đủ năng lực tiếng Anh của nhiều môn học (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ…), không chỉ đơn thuần môn tiếng Anh. Đội ngũ giáo viên này có thể đào tạo người Việt ở trong nước hoặc nước ngoài. Đồng thời "mở cửa" thu hút các chuyên gia giáo dục người nước ngoài, cơ chế phải thông thoáng (cấp thị thực và cấp giấy phép hành nghề).

Ba là làm điểm trước sau nhân rộng ra với tinh thần chung là nơi nào làm trước được thì làm, môn nào làm trước được thì làm; không dàn hàng ngang để tiến; không níu kéo, chờ đợi nhau. Khuyến khích các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… làm trước.

Trong các thành phố này, "bật đèn xanh" cho một số trường có điều kiện, dạy bằng tiếng Anh một số môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh… Đã dạy bằng tiếng Anh thì thôi dạy bằng tiếng Việt. Môn học dạy bằng tiếng nào thì kiểm tra và thi bằng tiếng đó.

Bước thứ tư là một số ngành nghề phải dạy bằng tiếng Anh: đại học, cao đẳng có một số ngành như công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn, hàng hải, hàng không, du lịch, khách sạn… dạy bằng tiếng Anh.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng: "Để triển khai thực hiện thành công mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, chúng ta cần có sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng với sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và toàn xã hội".

Năm 2025, trường đại học nào dự kiến sẽ giảm, bỏ chỉ tiêu xét tuyển học bạ?Năm 2025, trường đại học nào dự kiến sẽ giảm, bỏ chỉ tiêu xét tuyển học bạ?

SKĐS - Năm tới, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT mới với nhiều thay đổi. Một số trường đại học đã có định hướng mới trong tuyển sinh, trong đó có việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ hoặc bỏ hẳn phương thức này.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn