Bộ xương đóng nhiều vai trò quan trọng cho cơ thể như tạo dáng cơ thể, bảo vệ cơ quan bên trong, chỗ neo bám của các bó cơ và là nguồn dự trữ calci dồi dào.
Theo thời gian và độ tuổi mật độ xương giảm giảm dần, loãng xương, các khớp bị thoái hoá gây nên bệnh lý thoái hóa các khớp.
Xương khớp cũng như cơ thể, cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và cung cấp đầy đủ những dinh dưỡng cần thiết để nó luôn khỏe mạnh phục vụ quá trình vận động của con người.
Vì thế, một chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp xương khớp luôn chắc khỏe và dẻo dai có thể làm chậm quá trình thoải hoá khớp cũng như hạn chế mắc các bệnh về xương khớp.
Chia sẻ về tình hình bệnh xương khớp, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, BV Việt Đức cho biết, so với trước đây, khoảng 2/3 mạch bệnh hay gặp là về chấn thương. Những trường hợp như chấn thương, trật khớp, vết thương khớp, vết thương bàn tay, cổ chân, chủ yếu là những bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, trong khoảng mười năm trở lại đây đã thay đổi. Ngoài nhóm bệnh về chấn thương, còn có nhóm bệnh về bệnh lý cơ xương khớp.
Trong đó có nhiều dạng bệnh khác nhau như thoái hóa khớp, di chứng của các bệnh lý viêm mãn tính, viêm đa khớp dạng thấp, các dạng bệnh về rối loạn chuyển hóa. Bên cạnh đó các nhóm bệnh lý về cơ xương cũng đã xuất hiện khá thuờng xuyên.
Đây là xu thế giống như các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt, do tuổi thọ của người dân tăng lên, mô hình bệnh tật cũng thay đổi.
"Khi người bệnh đến với chúng tôi, thông thường hay gặp bệnh thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp xảy ra nhiều triệu chứng khác nhau", PGS.Khánh nói.
Triệu chứng thoái hóa khớp rất đa dạng. Ví dụ như có thể đau lưng, đau cột sống cổ, đau mỏi vai gáy, đau khớp háng, đau khớp gối, đau bất cứ khớp nào. Hoặc vận động quá mức có thể gây ra các triệu chứng như vậy. Đây là bệnh lý của các bệnh thoái hóa. Hoặc là do vận động không đúng tư thế, do chấn thương.
Để có thể hiểu và phòng tránh, theo PGS. Khánh chúng ta cần nắm sơ bộ nhóm nguyên nhân loại thoái hóa khớp. Thông thường các bác sĩ chia ra làm 2 nhóm: thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát.
Thoái hóa khớp thứ phát nghĩa là có nguyên nhân cụ thể. Nó xảy ra sau chấn thương lặp đi lặp lại, hoặc do bệnh lý viêm khớp tại chỗ, viêm đa khớp dạng thấp, các bệnh lý về hệ thống, tự miễn, gãy xương, trật khớp,...
Với nhóm thoái hoá khớp rõ nguyên nhân, người dân cần phòng để không làm tăng nặng tình trạng thoái hóa khớp. Các biện pháp như tránh vận động xoắn vặn quá mức, tập thể thao sai tư thế để không bị chấn thương vùng khớp... Khi bị bệnh phải điều trị tích cực không nên lạm dụng thuốc, cũng không tự điều trị bằng thuốc không phù hợp với bệnh.
Trong chế độ sinh hoạt, vận động tập luyện, trước khi tập luyện phải vận động làm ấm cơ trước khi chạy. Với người ngồi văn phòng nên thay đổi tư thế thường xuyên sau 30 phút, tùy theo mức độ ngồi lâu, giữ cân nặng hợp lý, tránh các động tác ép gối quá mức như thường xuyên ngồi xổm; người bê mang vác vật nặng, người khoanh chân nhiều...
Cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện hợp lý tránh nguy cơ bị thoái hóa khớp.
Nhóm 2 là nhóm thoái hóa khớp nguyên phát, không có nguyên nhân rõ ràng, thường là gặp ở người cao tuổi, độ tuổi 60-70 trở ra, đặc biệt hay gặp ở nữ giới nhiều hơn. Thường 80 trở ra hay gặp ở nam giới.
Ở những trường hợp ở người trẻ liên quan tới yếu tố sau chấn thương, vận động sai tư thế làm mòn sụn khớp.
PGS. Khánh cũng lưu ý, nếu chúng ta duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện hợp lý, nguy cơ bị thoái hóa khớp rất thấp.
Chúng ta cần đo chỉ số BMI, nghĩa là tỷ lệ giữa chiều cao và cân nặng. Nếu chúng ta vượt mức, sự tăng tải trọng lên tất cả các khớp, đặc biệt là các khớp chịu tỳ đè toàn thân. Ví dụ như khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân, cột sống, ...
Nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý, như ăn không đủ vi chất, những thành phần giúp tuyến nội tiết hoạt động. Tế bào sụn hoạt động bình thường mà thiếu vi lượng sẽ không tốt.
Trường hợp ăn uống kèm theo chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá làm ức chế quá trình sinh xương, tạo xương, góp phần làm nặng lên tình trạng thoái hóa khớp.
Diệu Thanh