Làm sao để con bạn không nằm trong số 31 ngàn ca mắc thủy đậu?

27-03-2019 11:13 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo thống kê hàng năm của ngành y tế, thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa Xuân, đầu hè. Mặc dù thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên chủ quan bới thủy đậu luôn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm

Hơn 31.000 ca mắc thủy đậu trong năm qua, cả người lớn và trẻ em đều “dính”

GS.TS.BS. Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, lây truyền qua đường hô hấp trong lúc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Bệnh cũng có thể lây lan gián tiếp cho người khác thông qua dịch tiết còn sót lại trên các đồ vật sử dụng hàng ngày. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó, trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất.


Trước khi xuất hiện các nốt đậu, trẻ thường có biểu hiện nóng sốt và thường hay quấy khóc. (Ảnh minh hoạ)

Theo thông tin từ Hội Y học Dự phòng Việt Nam, năm 2018, cả nước ghi nhận 31.059 trường hợp mắc thủy đậu. Gần như hầu hết các địa phương đều ghi nhận số ca mắc, trong đó một số tỉnh, thành có số ca mắc cao từ hơn 1.000- 2.000 ca trong năm qua là Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Sơn La, Nghệ An.

Các tháng ghi nhận số ca mắc thủy đậu nhiều nhất trong năm 2018 kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5 với số ca mắc mỗi tháng từ 3.600- trên 5.200 ca.

Tại khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TW, trong năm 2018 đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca mắc thủy đậu có biến chứng. Chị Q.T.H. (Mỹ Đức, Hà Nội) có con mới 4 tháng tuổi đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm cho biết cả nhà chị có 4/4 người mắc thủy đậu. Ban đầu, con trai lớn của chị mắc thủy đậu, chỉ 4-5 ngày là khỏi, nhưng ngay sau đó cả bố, em trai bé và bản thân chị cũng mắc thủy đậu. Riêng con trai út là mới 4 tháng tuổi đã phải vào BV Nhi TW để điều trị viêm phổi, sau vài ngày lại bị thủy đậu và lây cho mẹ.

BV Bệnh nhiệt đới TW, khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp cả người lớn và trẻ em bị thủy đậu đến thăm khám và điều trị. Trong đó có tới hàng chục ca bị biến chứng nặng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não...

Tại phía Nam, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 hay BV Nhi đồng Thành phố cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhi bị thủy đậu. Thậm chí có ngày, khoa Nhiễm- Thần kinh của BV Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị cho 7 em bé bị thủy đậu, có bé chưa đầy một tháng tuổi, trong đó có cả trường hợp trẻ bị lây thủy đậu từ mẹ

Đừng để nguy kịch vì thủy đậu

Thủy đậu vốn là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da “bội nhiễm”, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau. Sau khi khỏi bệnh, các mụn nước này có thể để lại các vết sẹo sâu trên da, rất khó hồi phục. Điều này sẽ khiến người bệnh cảm thấy mất tự tin trong cuộc sống sau này. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…, thậm chí tử vong.

Vi rút thuỷ đậu có thể gây nhiều biến chứng thần kinh nguy hiểm. (Ảnh minh hoạ)

Trường hợp phụ nữ có thai bị thủy đậu sẽ tiềm ẩn khả năng biến chứng cao, người mẹ có thể bị sảy thai, hoặc lây bệnh cho thai nhi thông qua nhau thai dẫn đến bị dị tật bẩm sinh.Ngoài ra, sau khi khỏi bệnh, vi rút thủy đậu vẫn tồn tại trong cơ thể. Lúc hệ miễn dịch suy giảm, virus sẽ tấn công gây viêm da, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người bệnh gọi là bệnh zona (tên dân gian là giời leo).

Các chuyên gia dịch tễ cũng cho hay, bởi vì bệnh thủy đậu có tốc độ lây lan nhanh, tỉ lệ mắc bệnh lớn, người mắc bệnh rồi nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ còn có thể mắc bệnh nhiều lần, do đó tiêm vắc xin là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất giúp phòng tránh thuỷ đậu.

Hơn 90% những người đã chủng ngừa sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.

Trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn nên tiêm vắc xin để phòng ngừa thuỷ đậu, tiêm 01-02 liều (Tham khảo thêm tư vấn từ bác sĩ). Phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con. Để tìm hiểu rõ hơn về thuỷ đậu, truy cập ngay fanpage: https://www.facebook.com/chandungheluytuthuydau/ hoặc website: http://www.tiemphongvacxin.com hoặc gọi tổng đài tư vấn miễn phí 1800 54 54 59

*Đây là bài viết nằm trong chương trình truyền thông cộng đồng của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, được tài trợ bởi MSD vì mục đích giáo dục.


Ý kiến của bạn