Hiện tượng làm sách giả, sách lậu là một vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam, khiến cho các nhà xuất bản, các công ty sách bị thiệt hại nặng nề và các nhà quản lý thì đau đầu. Một trong những nguyên nhân khiến cho sách lậu bùng phát là việc thực hiện bản quyền tác giả ở Việt Nam chưa hiệu quả. Làm thế nào để chống lại tình trạng vi phạm bản quyền xuất bản, mang lại công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính là một bài toán khó. Các loại sách lậu hiện nay được thực hiện rất tinh vi, bìa sách và nội dung được sao chụp, sau đó sử dụng công nghệ in ấn hiện đại hoàn thiện. Chính vì thế rất khó để phân biệt sách lậu với sách thật. Tuy nhiên, trên thực tế việc khó phân biệt này chỉ là xét dưới góc độ người tiêu dùng, khi có kiểm tra, sách lậu sẽ ngay lập tức lộ diện do thiếu các giấy tờ liên quan đến xuất bản. Chính vì thế, sách lậu chủ yếu chỉ len lỏi ở các cửa hàng nhỏ, các tiệm sách quy mô không lớn.
Thế nhưng, bên cạnh sách lậu thì đau đầu không kém là các loại sách luộc, xét về mặt pháp luật đây là loại sách không hợp pháp nhưng nó lại có đầy đủ các loại giấy tờ xuất bản hợp pháp. Chính vì thế, các khâu hậu kiểm, kiểm tra ở các đơn vị phát hành đều không thể phát hiện ra. Chỉ cách duy nhất để phát hiện là thông qua bạn đọc hay các đơn vị xuất bản khác. Theo các chuyên gia giáo dục, đây là một hình thức xúc phạm một cách thô bạo đến uy tín, sở hữu trí tuệ. Những người làm ra, thậm chí là làm ra với mục đích thiện nguyện phục vụ xã hội nhưng anh lại lấy đó để làm lợi bất chính thì không thể chấp nhận được...
Hiện nay, việc vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng lớn đến tác giả nhất là sự tôn trọng những công lao và cống hiến của những người làm sách. Có cung thì có cầu, xét từ thực tế, độc giả có xu hướng chọn tài liệu theo kiểu “mì ăn liền” tức là vừa nhanh gọn lại rẻ và tâm lý dùng một lần nên đa phần các bạn trẻ chọn cách mua sách điện tử qua mạng và cũng có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ chưa quan tâm đến nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm.
Tưởng chừng khi công trình nghiên cứu của mình đã được đăng ký bản quyền và in thành sách thì có thể yên tâm về tính chủ quyền của mình với cuốn sách. Nhưng nhiều tác giả, nhà nghiên cứu không biết rằng sản phẩm của mình đã bị đánh cắp dưới các hình thức đánh máy, photo, scan, in lậu hay rao bán tràn lan trên thông tin đại chúng. Thực trạng này vốn không mới song lại là vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý tác quyền và sự đảm bảo lưu hành tác phẩm, làm sao cho quyền lợi của tác giả và người đọc được đặt lên hàng đầu.
Minh Nguyên