Nguyễn Hạnh Nhu (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Bệnh tan máu bẩm sinh được truyền từ cha mẹ sang con theo cơ chế di truyền lặn, đứa trẻ sinh ra mắc bệnh chỉ khi cả bố và mẹ là người mang gene bệnh. Như vậy, người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh hoàn toàn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh nếu kết hôn với người không mang gene.
Một điều khá phổ biến đối với những người mắc bệnh tan máu bẩm sinh thể alpha hoặc tan máu bẩm sinh thể beta là họ không biết chính mình đang gặp phải tình trạng này. Bởi thông thường, bệnh nhân chỉ mang gene đột biến hoặc gene mang bệnh và không có triệu chứng. Nếu bạn hoặc chồng mang mầm bệnh tan máu, thai nhi sẽ có 50% nguy cơ thừa hưởng tình trạng khiếm khuyết gene.
Ngoài ra, trong trường hợp cả bạn lẫn chồng đều có mầm bệnh tan máu bẩm sinh, tỷ lệ sẽ diễn biến như sau: 25% khả năng bé sẽ không phải là người mang mầm bệnh cũng như không mắc bệnh; 50% khả năng bé sẽ trở thành người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng; 25% có nguy cơ mắc bệnh tan máu bẩm sinh mức độ nghiêm trọng.
Vì vậy, trước khi kết hôn, cần xét nghiệm xem mình có mang gene bệnh hay không và tốt nhất là tránh kết hôn giữa hai người cùng mang gene bệnh. Để biết có mang gene bệnh tan máu bẩm sinh hay không, bạn và chồng cần đến bệnh viện để xét nghiệm. Nếu bạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có thể xét nghiệm tại BV Truyền máu và Huyết học TP. Hồ Chí Minh.