Nhận biết sốt xuất huyết sớm là yếu tố quan trọng để điều trị sốt xuất huyết thành công. Bên cạnh đó việc theo dõi xem các dấu hiệu khi biết mình khỏi bệnh cũng rất quan trọng, tránh nhầm lẫn.
1. Dấu hiệu nhận biết mắc sốt xuất huyết
Nếu biết sốt xuất huyết sớm sẽ giúp cho việc theo dõi người bệnh được sát, điều trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm. Các dấu hiệu dưới đây giúp bạn nhận biết mắc sốt xuất huyết:
- Sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài cả tuần.
- Xuất hiện xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam bất thường.
- Cảm giác chán ăn, người mệt lả, đau cơ, khớp, nhức 2 hố mắt chỉ sau 2 ngày sốt.
- Xét nghiệm số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm, số lượng bạch cầu thường giảm.
2. Nhận biết dấu hiệu sắp khỏi sốt xuất huyết
Nhiều người lầm tưởng giảm sốt là sắp khỏi sốt xuất huyết nhưng thực ra giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 - 48 giờ.
Vậy khi nào được xác định là khỏi bệnh? Câu trả lời là: Khi sắp khỏi, người bệnh sẽ thấy các dấu hiệu sau:
- Không xuất hiện các nốt xuất huyết mới.
- Sau hơn 7 ngày sốt bạn không thấy các triệu chứng tăng hơn, cơ thể đỡ mệt mỏi.
- Sốt xuất huyết làm cơ thể bạn mất nước trầm trọng, khiến lượng nước tiểu tiết ra ít chỉ bằng một phần rất nhỏ so với cơ thể hàng ngày. Do vậy, nếu bạn thấy mót tiểu hơn, đi ngoài nhiều hơn thì lúc đó cơ thể bạn đã báo hiệu bạn sắp khỏi sốt xuất huyết.
- Sau những ngày vật lộn với những cơn sốt kéo dài, bạn thấy ăn ngon miệng, thèm ăn.
3. Những sai lầm cần tránh
Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng đa dạng và rất dễ chuyển biến nhanh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Mặt khác hiện chưa có thuốc đặc trị và vaccine dự phòng nên việc phòng tránh rất quan trọng. Bạn không nên chủ quan và cần tránh những sai lầm đáng tiếc sau:
- Không đi khám và xét nghiệm khi sốt kéo dài ngày. Vì sốt xuất huyết có nhiều mức độ từ nhẹ, cảnh báo đến nặng và bệnh chuyển biến rất nhanh. Nếu bạn chủ quan không đến bác sĩ thì sẽ có thể gặp các biến chứng: xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong.
- Ngưng sốt là khỏi bệnh. Đó là sai lầm lớn vì sau giai đoạn sốt cao bệnh mới nguy hiểm. Lúc này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều, các triệu chứng ồ ạt xuất hiện.
- Chỉ mắc 1 lần duy nhất. Thực tế, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 týp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp virus khác nhau.
4. Cần làm gì khi bị sốt xuất huyết?
Khi mắc, ngoài việc đến bác sĩ làm xét nghiệm, điều trị thì bạn nên:
- Nghỉ ngơi hoàn toàn.
- Uống nhiều nước các loại (ozerol, sữa, nước trái cây, nước khoáng…)
- Ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, mềm (cháo, súp), tránh những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.
- Nơi ở, phòng ở luôn thoáng mát, sạch sẽ.
- Mắc màn khi đi ngủ để tránh bị muỗi đốt.
- Sử dụng các biện pháp hạ sốt (uống thuốc, chườm, lau người…)
- Tránh tắm nước lạnh, ra những khu vực nhiều gió
- Đến bác sĩ khi có đấu hiệu bất thường, chuyển biến nặng và tái khám theo lời hẹn của bác sĩ.
Xem thêm video được quan tâm
Phát động chương trình truyền thông thường niên hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5.