Đề xuất chi 2.000 tỷ đồng nạo vét bùn Hồ Tây
Quận Tây Hồ, TP Hà Nội vừa đề xuất một số dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường Hồ Tây, trong đó có nạo vét bùn với kinh phí 2.000 tỷ đồng. Theo đề xuất của quận, việc xây dựng các bến thủy nội địa trên Hồ Tây cần khoảng 1.600 tỷ đồng; đài phun nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ khoảng 600 tỷ đồng. Tổng kinh phí cho ba hạng mục là 4.200 tỷ đồng.
Do phải cân đối nguồn vốn để duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường Hồ Tây và thực hiện các dự án đầu tư công khác theo phân cấp, quận đề xuất được triển khai các dự án trên bằng nguồn kinh phí hỗn hợp. Cụ thể, quận chủ động cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng, thành phố bố trí kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội trong hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.
Trước đó, Xí nghiệp thoát nước số 1Hà Nội có báo cáo về công tác thu gom phế thải trên hồ Tây. Theo đó về tình trạng rác thải xuất hiện nhiều ven hồ Tây thời gian vừa qua, lãnh đạo xí nghiệp cho biết, hiện đang bước vào mùa mưa nên mực nước hồ Tây được rút xuống cốt thấp hơn đề phòng mưa ngập. Do mực nước xuống thấp nên xuất hiện một số bãi nổi ven bờ tại các phố Vũ Miên, Yên Hoa, Từ Hoa... Các bãi nổi này chủ yếu là gạch đá bê tông tồn tại sau khi thi công kè hồ trước đây. Để thu dọn các bãi nổi trên cần các cấp có thẩm quyền duyệt dự án cải tạo nạo vét khối lượng lớn.
Theo PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường, vấn đề nào vét bùn ở Hồ Tây đã được nói đến từ lâu, nhiều lần thực hiện song không thành công, chưa triệt để. Năm 2016, Hà Nội từng đưa ra giải pháp nạo vét 1.2 triệu tấn bùn ở Hồ Tây với kinh phí khoảng 170-180 tỷ đồng. Theo đó, 440.000 m3 bùn đã được nạo vét. Tuy nhiên, gói thầu nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên với hơn 33 tỉ đồng bị tạm dừng để đánh giá lại sau sự cố cá chết hàng loạt.
Ngoài ra, dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor từng gây tranh cãi giữa năm 2019 đã kết thúc từ lâu, nhưng hàng rào, bảng biển, nhà bảo vệ… vẫn còn. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án thí điểm này đã kết thúc và không có kế hoạch thử nghiệm trở lại.
Theo chuyên gia, muốn tìm ra được nguyên nhân và giải quyết được tận gốc vấn đề thì cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ ngành và nhất là người dân: "Hồ Tây phẳng lặng, hồ tù thì khả năng tự làm sạch rất kém, nó chỉ phụ thuộc vào gió. Gió đẩy các tảo, các phù du, thực vật vào ven bờ thì chúng ta nhìn thấy ven bờ rất bẩn. Thứ nhất chúng ta phải thu gom rác, hạn chế nước thải. Thứ 2 nạo vét và có giải pháp đồng bộ.
Chuyên gia đề xuất xây cống vòng quanh hồ
Theo GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, phân tích diễn biến các thông số ô nhiễm môi trường nước Hồ Tây và hồ Bảy Mẫu thực tế trong 25 năm qua cho thấy biện pháp xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ.
Tuy vậy đối với Hồ Tây hiện còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ, ở trong khu bán đảo Tây Hồ, và ở ngay trên mặt nước hồ, chưa được xử lý triệt để, nên môi trường nước gần bờ Hồ Tây hiện nay còn bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ. Như vậy, đối với Hồ Tây cũng như các hồ khác của nội thành Hà Nội cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cống vòng xung quanh hồ để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào hồ thì nước các hồ mới nhanh chóng phục hồi thành môi trường nước trong sạch.
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng lưu ý, biện pháp xây kè bờ hồ, bờ sông nội thành Hà Nội trong thời gian qua bằng đá hộc dốc thoải 45 độ đã gây ra nhiều bất lợi về môi trường nước mặt. Cách này làm giảm đáng kể thể tích chứa nước mưa của hồ, sông, làm giảm khoảng 20 -30% tiết diện dòng chảy thoát nước mưa, làm giảm khả năng thẩm thấu nước của sông hồ và làm giảm điều kiện môi sinh của các thủy sinh vật, các loài sinh vật đáy và các loài vi khuẩn có khả năng tiêu hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước, so với phương án xây kè bờ theo phương án thẳng đứng. Vì vậy ông đề nghị Hà Nội dần dần dỡ bỏ tất cả các kè bờ bằng đá hộc dốc thoải 45 độ này và thay bằng tường chắn thẳng đứng.
Còn theo chuyên gia Đào Nhật Đình, để cải thiện môi trường nước Hồ Tây, bắt buộc phải đầu tư, trước tiên là xử lý nước thải. Phải chặn tất cả các nguồn nước thải vào hồ, đưa vào một cống riêng để dẫn về nhà máy xử lý nước thải. Giải pháp khả thi nhất là dẫn về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, cách Hồ Tây 15km. Ngay phía đầu đường Hoàng Quốc Việt đã có đường ống dẫn nước thải về Yên Xá. Chỉ cần xây khoảng 4-6 hố ga lớn, đồng thời là trạm bơm nâng cốt nước thải vòng quanh hồ. Có như thế sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Tiếp theo là bổ sung nguồn nước vào hồ khi cần bằng một đường ống và trạm bơm nối sông Hồng. Đây là giải pháp khá đơn giản, thời gian thi công ngắn, chỉ khoảng 1 năm sẽ xong. Tiến hành trồng cây thủy canh, sục khí như hiện nay đang làm, thi thoảng nạo vét hồ sạch… thì Hồ Tây sẽ giữ được cảnh quan, đồng thời cá trong hồ sẽ sống khỏe.
Tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2016, quận Tây Hồ báo cáo từ năm 2011 quận đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây với tổng vốn 128 tỷ đồng. 440.000 m3 bùn đã được nạo vét. Tuy nhiên, gói thầu nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ đồng bị tạm dừng để đánh giá lại sau sự cố cá chết hàng loạt. Theo một đơn vị tư vấn, muốn làm sạch Hồ Tây phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, nhưng 8 năm qua không có thông tin công khai việc nạo vét sau đó có được tiếp tục hay không.
Xem thêm video đang được quan tâm:
“Cháy” vé xe, xếp hàng từ 4h sáng vẫn không mua được, người dân lo sợ không thể về quê ăn Tết / SKĐS