Trong ngày làm việc thứ sáu xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các luật sư tham gia tố tụng đã tập trung thẩm vấn về hành vi ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi. Trong đó, đáng chú ý là việc làm rõ trách nhiệm của VietinBank trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Tiếp tục với phần thẩm vấn tại phiên tòa, HĐXX dành khá nhiều thời gian cho các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo cùng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trả lời luật sư liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền các nhân viên Ngân hàng ACB gửi tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), bị án Huỳnh Thị Huyền Như đã thay đổi lời khai. Cụ thể, luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải) hỏi: “Có phải lúc đầu vay tiền, chị chưa có ý định chiếm đoạt, sau này do nợ nần nhiều mới nảy sinh ý định?”. Huyền Như đáp: “Hôm qua tôi có nói sau này mới nảy sinh ý định chiếm đoạt là cách nói nhằm làm nhẹ đi, chứ thực chất như vụ án thể hiện, tôi có ý định chiếm đoạt từ đầu”.
Tại phiên tòa, các luật sư tiếp tục đặt nhiều câu hỏi dành cho đại diện VietinBank để xác định trách nhiệm của ngân hàng này trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền. Luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải) đã đưa ra hợp đồng gửi tiền của một nhân viên ACB tại VietinBank và cho biết đến tháng 12/2013, ngân hàng vẫn gửi công văn thông báo số dư cho khách hàng này. Từ thực tế này, luật sư Tám đặt câu hỏi tại sao ngân hàng lại trả lời không quản lý tài khoản của khách? Trả lời vấn đề này, đại diện VietinBank cho biết chủ tài khoản tiền gửi thì khách hàng chịu trách nhiệm về số dư của tài khoản. Việc thông báo số dư vào ngày 31/12 hằng năm là hoạt động bình thường của ngân hàng đối với bất cứ khách hàng nào.
Liên quan đến hành vi ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi, bị cáo Kiên thừa nhận có tham gia cuộc họp của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB diễn ra vào ngày 22/3/2010. Tuy nhiên, không tham dự cuộc họp ngay từ đầu mà phải gần tới lúc biểu quyết thông qua các nội dung họp mới đến. “Việc các lãnh đạo Ngân hàng ACB bàn lúc nào tôi không biết. Tôi chỉ biết khi ông Trần Xuân Giá lấy ý kiến biểu quyết thông qua nội dung cuộc họp, trong đó có nội dung ủy thác gửi tiền do anh Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải) đề xuất” - bị cáo Kiên trình bày. Bị cáo Kiên cho rằng, HĐXX sơ thẩm kết luận bị cáo chỉ đạo thành viên HĐQT để ra nghị quyết tại cuộc họp ngày 22/3/2010 là không đúng. “Việc ủy thác gửi tiền thuộc thẩm quyền của HĐQT. Tất cả các từ chỉ đạo, đồng tình, đồng thuận mà bản án sơ thẩm và cáo trạng truy tố tôi là không đúng với bản chất ngày hôm đó. Bởi tôi không chỉ đạo, không đồng tình và cũng không đồng ý” - bị cáo Kiên tiếp tục phủ nhận.
Về cuộc họp của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB diễn ra vào ngày 28/3/2011, bàn về vấn đề ủy thác gửi tiền, bị cáo Kiên cũng khẳng định hoàn toàn không biết gì về nội dung cuộc họp. Và từ ngày 1/1 đến 28/3/2011, các lãnh đạo ACB có tiếp tục bàn về việc ủy thác gửi tiền hay không thì ông ta cũng không biết. Mãi sau này, khi nhận được thông báo qua email nội bộ, bị cáo mới biết việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền.
Cũng trong ngày xét xử thứ 6, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị hội đồng xét xử cho giám định lại biên bản giám định của Bộ Tài chính liên quan đến hành vi trốn thuế. Theo bị cáo Kiên, khi gửi yêu cầu giám định cho Bộ Tài chính, cơ quan điều tra đã không cung cấp đầy đủ tài liệu có yếu tố loại trừ trong việc xác định số thuế phải nộp của Công ty B&B. Vì vậy không thể lấy kết quả giám định này để kết luận Công ty B&B trốn thuế.
Tại phiên tòa, các bị cáo từng là lãnh đạo cấp cao của ACB cũng lần lượt bị thẩm vấn rất kỹ về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo vào ngày 8/12.
Phạm Hiếu