Làm rõ “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay qua app

08-06-2020 07:42 | Pháp luật
google news

SKĐS - Công an TP.HCM vừa tiến hành điều tra, làm rõ một số vi phạm tại Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech khi có đơn tố cáo 2 công ty này có dấu hiệu hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê.

Liên quan đến thực trạng “tín dụng đen” cho vay qua app (ứng dụng), Công an TP.HCM đã điều tra, xác minh và xử lý 5 vụ với các đối tượng chủ yếu là người Trung Quốc.

Hai công ty Cashwagon và Lendtech có hoạt động thực chất là cho vay nặng lãi

Cụ thể, Công an quận 1 vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM đã tổ chức kiểm tra hành chính các văn phòng của 2 công ty này, thu một lượng lớn tài liệu, niêm phong nhiều máy tính, laptop và đưa một số người về trụ sở điều tra. Quá trình điều tra ban đầu, 2 công ty trên gồm tổ chức Cashwagon PTE.LTD (trụ sở chính đóng tại Singapore). Tại TP.HCM, Công ty TNHH Cashwagon do Nguyễn Thị Thúy Hằng (ngụ quận 7, TP.HCM) làm Tổng Giám đốc. Công ty TNHH Landtech do ông Châu Minh Quang (SN 1977, ngụ quận 3) và bà Nguyễn Tuyết Hoa (SN 1990, quê Đồng Nai) làm Giám đốc.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Thúy Hằng khai, Công ty TNHH Cashwagon ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Lendtech (kinh doanh cầm đồ, cho vay nhanh), còn Công ty TNHH Cashwagon kinh doanh tư vấn tài chính trực tuyến. Sau khi tiếp nhận khách hàng từ trang web của công ty hoặc qua ứng dụng Cashwagon trên các app của ĐTDĐ, nhân viên Công ty TNHH Cashwagon sẽ thẩm định hồ sơ và chấp thuận cho khách vay từ 500 ngàn đến 10 triệu đồng, lãi suất từ 22-44% tùy theo thời gian vay. Số tiền lãi thu về 2 công ty sẽ chia theo tỷ lệ, phần nhiều thuộc về Công ty TNHH Cashwagon.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi bị bắt giữ.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi bị bắt giữ.

Một số nhân viên tại 2 công ty trên đã làm bảng tường trình, trong đó đa phần đều khai với hơn 180 nhân viên, được chia làm nhiều bộ phận. Khi có khách hàng, nhân viên sẽ tư vấn cho khách hàng vay 500 ngàn đồng trong 10 ngày không lãi suất. Khách trả đúng hạn, bộ phận khác sẽ tư vấn tiếp cho khách vay gói cao hơn và lãi suất lúc này cũng tăng cao rõ rệt theo từng gói vay. Khi khách hàng chậm trả lãi hoặc không có khả năng chi trả, để thu hồi nợ phía công ty ban đầu 2-3 ngày gọi điện nhắc nhở khách hàng 1 lần. Không đòi được thì nhân viên dùng lời lẽ “chợ búa” để áp đảo tinh thần người vay hoặc yêu cầu người vay vay qua một ứng dụng khác để trả nợ.

Đáng chú ý, một nhóm nhân viên khác được tuyển vào công ty để làm giai đoạn cuối cùng khi không thu hồi được nợ là lấy thông tin khách hàng từ mạng xã hội (facebook, zalo) sau đó ghép ảnh “truy nã”, cáo phó... bêu riếu và gọi điện cho người thân, bạn bè của người vay nợ để tạo áp lực, khủng bố tinh thần khiến khách hàng phải trả nợ. Qua nhiều ngày điều tra, bước đầu Công an quận 1 xác định Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech chỉ dựng lên để làm bình phong, thực chất hoạt động của 2 công ty này có dấu hiệu cho vay nặng lãi thông qua hình thức vay qua app.

Các công ty cho vay qua app đa phần được điều hành từ người nước ngoài

Nói về hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi qua các app trong thời gian qua, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm - Phó Trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP.HCM cho hay, sau nhiều đường dây cho vay nặng lãi qua các app trên internet bị triệt phá, hiện Công an TP.HCM đang điều tra 5 vụ cho vay tiền qua app. Trong đó đã chuyển cho VKSND truy tố 1 vụ và đang xác minh 4 vụ khác, đối tượng cho vay nặng lãi chủ yếu là người Trung Quốc.

Đáng chú ý, thủ tục vay trên các app đơn giản, chỉ cần cầm điện thoại cài app thì tự động được hướng dẫn. Sau khi người cho vay kiểm tra, xác minh, người có nhu cầu vay sẽ được “bơm tiền”. Lần đầu người dân được vay dưới 2 triệu đồng nhưng lãi suất cao, từ 1-5%/ngày. Ban đầu, số tiền tưởng nhỏ nhưng thời gian dài, khoản lãi sẽ thành số tiền lớn. Điều đáng nói, trước khi cho vay, nhóm đối tượng lấy danh bạ điện thoại của người vay. Khi đòi nợ, nhóm này sẽ gọi điện cho khắp bạn bè trong danh bạ điện thoại của người vay để “khủng bố” ở nhiều mức độ khác nhau.

Về nguyên nhân dẫn đến “tín dụng đen” qua app nở rộ, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm cho biết có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, những người cho vay luôn tìm mọi cách, tìm sơ hở để tạo ra phiên bản mới, phương thức thủ đoạn mới để phạm tội. Nguyên nhân thứ 2, về phía nạn nhân, ngoài những người có nhu cầu vay chính đáng nhưng không có khả năng trả nợ thì còn có nhiều người có ý định vay mà không trả. Thượng tá Lâm đề nghị người dân cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn cho vay qua app đang có diễn biến phức tạp trong thời gian qua.


Thanh Quang
Ý kiến của bạn