Khai tử người sống, thanh toán khám bệnh cho người chết
Ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai khẳng định: Đã chỉ đạo quyết liệt cho các bộ phận chức năng phối hợp với BHXH Gia Lai để làm rõ các thông tin khai tử cho người sống và thanh toán các khoản khám, chữa bệnh cho người đã chết từ lâu.
Kết quả xác minh của BHXH Gia Lai cho thấy: Có 48 trường hợp đang sống nhưng trên tất cả các hệ thống dữ liệu điện tử về quản lý khám chữa bệnh BHYT lại thông báo là đã chết. Qua quá trình rà soát, nguyên nhân chính được xác định là do các chuyên viên kỹ thuật, các nhân viên thẩm định thanh toán bảo hiểm khi làm thủ tục cho các bệnh nhân đã bấm vào ô tử vong. Chính vì vậy, khi tất cả 48 bệnh nhân này đi khám lần tiếp theo, hệ thống sẽ báo là đã chết.
Đối với nghi vấn 7 trường hợp đã chết nhưng vẫn phát sinh chi phí khám, chữa bệnh thì xác định được 5 bệnh nhân Chu Thị Hòa, Tạ Quốc Hinh, Trần Khắc Trâm, Phạm Quang Đảo, Ksor Ní đều khám đúng, trùng khớp với các danh mục điều trị và ngày tử vong. Riêng trường hợp bệnh nhân Đoàn Văn Hùng xuất hiện các thông tin thanh toán không trùng khớp là do cập nhật nhầm ngày tử vong. Với bệnh nhân Đoàn Thị Băng Tâm chết ngày 26/12/2018 nhưng phát sinh tiền khám chữa bệnh ngày 29/12/2018 số tiền gần 700 ngàn đồng, BHXH thống nhất không thanh toán.
Còn 4 trường hợp đã tử vong từ lâu nhưng vẫn xuất hiện tên để khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế và thanh toán với số tiền lớn, nguyên nhân được xác định là 4 người này chết nhưng thẻ BHYT vẫn còn hạn sử dụng nên người thân đã sử dụng thẻ này để đi khám, chữa bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Lỗi này do các nhân viên tiếp nhận ở các cơ sở y tế đã không thực hiện việc kiểm tra kỹ và đối chiếu chứng minh thư nhân dân với thẻ BHYT nên dẫn đến người sống lấy thẻ của người chết đi phẫu thuật và điều trị bệnh.
Theo đánh giá của BHXH Gia Lai: Tất cả các sai sót trên đều bắt nguồn từ khâu nhập dữ liệu đầu vào. Việc có hay không cố tình để người sống mượn thẻ người chết để trục lợi bảo hiểm cần phải điều tra thêm. Tuy nhiên, các sai lầm vừa xảy ra đã gây dư luận không tốt. Các nhân viên tiếp nhận bệnh nhân, các chuyên viên nhập dữ liệu cần phải xem đây là bài học sâu sắc cho mình.
Các cơ quan bảo hiểm cần cẩn trọng hơn trong khâu nhập dữ liệu.
Kiểm điểm nghiêm túc
Tại tỉnh Đăk Lăk cũng xảy ra việc 51 trường hợp đã chết nhưng vẫn phát sinh số tiền khám chữa bệnh lớn. Xác minh của BHXH Đăk Lăk cho thấy, có 48 trường hợp do khâu nhập dữ liệu nhầm. Các bệnh nhân này đi điều trị trước ngày chết nhưng nhân viên cập nhật dữ liệu là cập nhật điều trị sau ngày chết.
Có 2 bệnh nhân là Nguyễn Văn Châu đã chết trùng họ tên, năm sinh với Nguyễn Văn Châu khác hiện đang còn sống và bà Nguyễn Thị Châu đã chết trùng họ tên, năm sinh với bà Nguyễn Thị Châu hiện nay còn sống. Đây là do lỗi đồng bộ mã số đối tượng đã chết mang mã số BHXH người đang còn sống.
Đối với một bệnh nhân là Nguyễn Thị Cảnh, các chi phí khám chữa bệnh thanh toán BHYT phát sinh sau ngày bà Cảnh chết là đúng. BHXH Đăk Lăk đã làm việc nghiêm túc với Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Đại diện bệnh viện nhận sai sót do không đối chiếu thông tin khi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân.
Qua việc này cho thấy, phía bệnh viện, các cơ sở y tế cần phải cẩn thận hơn trong khâu đón tiếp và nhập hồ sơ khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân. Cần phải đối chiếu hình trên chứng minh thư với hình ảnh thực và thông tin trên thẻ BHYT.
Ông Trương Văn Sáng - Giám đốc BHXH Đăk Lăk cho biết: Qua các lỗi nhập dữ liệu như trên, sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, nhân viên nhập liệu cũng phải kiểm điểm nghiêm túc để tránh các trường hợp tương tự có thể xảy ra.