Bị động trong dự báo lưu lượng nước về hồ chứa
Ngày 31/10 Sở Công Thương Nghệ An đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An liên quan đến việc thông báo xả lũ, vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc trong đợt mưa lũ từ ngày 26 đến 27/9/2023.
Đoàn kiểm tra do ông Trần Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An làm trưởng đoàn. Ngoài ra còn có đại diện Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An; Tiến sĩ Trịnh Quốc Công - chuyên gia độc lập về thủy điện, Trường đại học Thủy lợi.
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí phản ánh từ người dân và chính quyền huyện Quỳ Châu băn khoăn về việc các hồ chứa nhà máy thủy điện xả lũ trong đêm 26/9 và rạng sáng 27/9 cộng với việc mưa lớn gây thiệt hại lớn về tài sản.
Hai nhà máy thủy điện được đoàn tiến hành kiểm tra là thủy điện Nhạn Hạc và thủy điện Châu Thắng trên sông Quang, thuộc địa phận hai huyện Quế Phong và Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Theo kết luận, hồ thủy điện Nhạn Hạc có dung tích hữu ích nhỏ (4,82 triệu m3), hồ vận hành điều tiết ngày đêm, không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ.
Vì vậy, căn cứ mực nước của hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo quy trình được phê duyệt.
Trong quá trình xả lũ, việc vận hành xả lũ của công trình không làm tăng lũ cho hạ du.
Tuy nhiên, đoàn liên ngành xác định công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du.
"Đoàn kiểm tra xác định việc phát hành thông báo giữa nhà máy và địa phương "chưa có kết nối chặt chẽ", báo cáo nêu.
Trong khi hộp thư đi của Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc đã ghi nhận việc gửi các thông báo vận hành điều tiết hồ chứa qua hộp thư điện tử. Tuy nhiên, UBND huyện Quỳ Châu phản ánh không nhận được.
Đối với hồ thủy điện Châu Thắng được xây dựng trên sông Quang, thuộc địa phận xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu và xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, có dung tích hữu ích nhỏ (4,217 triệu m3), không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ.
Căn cứ mực nước của các hồ trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đã đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo đúng quy trình được phê duyệt.
Tổng lưu lượng xả qua nhà máy không lớn hơn lưu lượng về hồ nên không làm gia tăng lũ cho vùng hạ du.
Tuy nhiên, thủy điện Châu Thắng thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị phục vụ vận hành dẫn đến xảy ra tình trạng hư hỏng thiết bị quan trắc, giám sát tự động.
Tồn tại chung của hai nhà máy thủy điện Nhạn Hạc và Châu Thắng được đoàn kiểm tra chỉ ra là: "Công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện cảnh báo sớm cho vùng hạ du".
Cần cảnh báo sớm cho dân vùng hạ du
Đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra trách nhiệm của UBND huyện Quỳ Châu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng chống thiên tai trên địa bàn, trong đó có chỉ đạo phòng chống thiên tai tại các công trình thủy điện.
Đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện cần xây dựng kịch bản vận hành, điều tiết hồ để chủ động vận hành hồ chứa an toàn, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Phối hợp với chính quyền, ban chỉ huy phòng chống thiên tai địa phương, thường xuyên nắm bắt tình hình thời tiết, nâng cao chất lượng dự báo để kịp thời cảnh báo sớm cho nhân dân vùng hạ du trong quá trình vận hành điều tiết lũ…
Thiệt hại hơn 177 tỉ đồng
Báo Sức khoẻ và Đời sống trước đó đã đưa tin, trận mưa lũ lịch sử từ tối 26 đến sáng 27/9, đã gây hậu quả lớn trên địa bàn huyện Quỳ Châu, với hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt như: Quốc lộ 48A, Tỉnh lộ 544, Quốc lộ 48D.