Làm rõ khái niệm “tham nhũng”

02-11-2014 19:15 | Tin nóng y tế
google news

Khái niệm “tham nhũng” bấy nay hình như chỉ được hiểu là nhận hối lộ, tham ô, nghĩa là nằm trong phạm vi dùng chức quyền để vụ lợi về vật chất.

Khái niệm “tham nhũng” bấy nay hình như chỉ được hiểu là nhận hối lộ, tham ô, nghĩa là nằm trong phạm vi dùng chức quyền để vụ lợi về vật chất. Gần đây, khái niệm trên được hiểu kỹ càng hơn qua những phát biểu của người có trách nhiệm.

Trước hết có chuyện “hối lộ bằng tình dục” mà ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đã đưa ra khi trao đổi với báo chí tại Hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 1999” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng 29/10 tại Hà Nội.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam thì “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, còn theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế thì “Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”. Những chuyện “đổi tình lấy điểm” của mấy ông thầy mất nết mà báo đăng hay thủ trưởng gạ gẫm tình dục để nhận việc, cất nhắc không phải là tham nhũng sao? Chuyện “bồ bịch” quan hệ tình dục có tính trao đổi “hai bên mong có lợi” thì đích thị là tham nhũng! Là tham nhũng bởi thay vì tiền, quà cụ thể, người hối lộ “tặng” một sự sa đọa còn người nhận dùng quyền chức đổi lại cái thứ nhận được bằng thứ Nhà nước tín nhiệm trao cho chứ không phải của anh ta như con dấu trong tờ “Quyết định”, quyền lợi của tập thể...

Khó có thể hỏi “bằng chứng đâu?” vì hối lộ là chuyện “đi đêm”. Tham nhũng vật chất có thể lộ nếu làm nghiêm việc kê khai tài sản cùng sự giám sát, phát hiện của tổ chức và  quần chúng. Tham nhũng tình dục cũng sẽ lộ nếu ai đó có biểu hiện “không bình thường” và tiến vùn vụt, lợi bất ngờ so với năng lực người đó. Điều này quần chúng rất tinh không thể qua mắt.

Dạng tham nhũng khác là chiếm nhà công vụ sau khi nghỉ hưu. Nhà công vụ là nhà để người có chức vụ từ nơi A đến nơi B làm việc. Về hưu phải trả lại là đương nhiên. Không thể tính công trạng vì có công trạng thì khen thưởng, tặng huân chương, khi làm việc đã có lương như mọi cán bộ  khác. Cũng không thể “thông cảm” khi về hưu đồng chí không có nhà. Vậy trước khi sử dụng nhà công vụ đồng chí này ở đâu? Thường nhà công vụ tọa lạc tại những khu đất vàng trong đô thị và không trả là một sự chiếm đoạt cái mình không có từ chức vụ, quyền hạn đã có! Có Bộ trưởng lại giải thích vì cơ quan có nhà công vụ không đòi nên người không trả không thể gọi là tham nhũng! Chiếm dụng tài sản không phải của mình từ chức vụ đã có, dựa vào sự nể nang, tôn trọng của cấp dưới không phải là tham nhũng sao? Mà cơ quan có nhà công vụ không thể tặng, “lờ” tài  sản của dân cho bất cứ ai vì bất cứ lý do gì!

Một dạng khác ít ai nói  đến là “tham nhũng thông tin”. Có chức quyền, nắm được bí mật thông tin như kế hoạch, quy hoạch để có hành vi cá nhân đón trước nhằm trục lợi cũng không sai so với khái niệm tham nhũng của Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam và của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Năm nào Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Đó là sự thật. Nhưng phòng chống tham nhũng liệu có thể chỉ bắt tham nhũng quả tang hay cần nhìn vào kết quả của hành vi tham nhũng? Đi đêm khó bắt quả tang nhưng kẻ tham nhũng vơ vét không phải để chôn tiền của xuống đất mà bản chất tham nhũng là để hưởng thụ cá nhân. Cái bản chất này chắc chắn không giấu được sự giám sát, phát hiện của quần chúng cũng như sự tận tụy, điều tra, suy xét của cơ quan có trách nhiệm.

Lê Quý


Ý kiến của bạn