Làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

19-12-2014 00:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Bước sang ngày làm việc thứ tư (18/12), mở đầu phần thẩm vấn, tòa tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại các Ngân hàng Navibank, ACB... và các bị cáo có liên quan.

Bước sang ngày làm việc thứ tư (18/12), mở đầu phần thẩm vấn, tòa tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại các Ngân hàng Navibank, ACB... và các bị cáo có liên quan.

Trong phần thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như khai số tiền trên là do bị cáo chiếm đoạt. Sáng 18/12, mở đầu phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, HĐXX tập trung thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Việt (gọi tắt là NaviBank).

Phần thẩm vấn hành vi chiếm đoạt của Huyền Như và các bị cáo liên quan.

Tại phiên tòa, đại diện cho NaviBank cũng là người đại diện cho 4 nhân viên của NaviBank gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của NaviBank, Huyền Như khai rằng, Như đã đề xuất lãnh đạo Chi nhánh Vietinbank TP. Hồ Chí Minh ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Navibank để nhận gửi 500 tỷ đồng. Như đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ đồng, còn lại 200 tỷ đồng đứng tên của 4 nhân viên NaviBank, bị cáo tự trích chuyển số tiền này để trả nợ cho mình.

HĐXX, đại diện VKS và luật sư tập trung thẩm vấn đại diện NaviBank và đại diện 4 nhân viên NaviBank đứng tên tài khoản bị Huyền Như chiếm đoạt về nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng; Về các hợp đồng giữa nhân viên NaviBank với NaviBank, giữa nhân viên NaviBank với VietinBank; Việc ký hợp đồng gửi tiền này là theo chủ trương của ai? Ai đứng ra giải quyết cho nhân viên NaviBank vay? Vì sao có chuyện thực hiện quy trình ngược là hợp đồng của các nhân viên vay tiền của NaviBank lại thế chấp bằng hợp đồng gửi tiền của VietinBank? Ai là người nhận số tiền lãi suất chênh lệch vượt trần?...

Đại diện NaviBank và đại diện 4 nhân viên NaviBank phần lớn né tránh câu trả lời trực tiếp. Khi HĐXX và đại diện VKS trích lời khai trong hồ sơ thì họ mới thừa nhận về nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng thực chất là của NaviBank. Đối với bị cáo Như, HĐXX và đại diện VKS hỏi về hình thức, thủ đoạn chiếm đoạt đối với số tiền này. Như khai rằng bị cáo giả lệnh chi để giải chi.

Kết thúc phần thẩm vấn hành vi lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của NaviBank, HĐXX chuyển sang thẩm vấn đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (gọi tắt ACB). Đại diện ACB và đại diện 19 nhân viên ACB gửi tiền tại VietinBank giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu VietinBank trả 718 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh.

Tại phiên tòa, Huyền Như khai rằng, thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc, bị cáo huy động của ACB hơn 668 tỷ đồng đứng tên 17 nhân viên của ngân hàng này gửi tiền vào Chi nhánh VietinBank TP.HCM. Để ACB tin tưởng chuyển tiền, Như đã đề xuất Ban lãnh đạo Chi nhánh VietinBank TP.HCM ký 32 hợp đồng tiền gửi với 17 nhân viên ACB. Bị cáo trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng là hơn 10 tỷ đồng cho ACB bằng tiền mặt. Đồng thời, bị cáo yêu cầu họ ký giấy nộp luôn số tiền này vào tài khoản tiền gửi của họ mở tại VietinBank đến khi đến hạn tất toán thì nhận lại.

Sau khi Chi nhánh VietinBank TP.HCM ký hợp đồng nhận gửi tiền của nhân viên ACB, Như giao các hợp đồng đó cho 17 nhân viên trên nhưng không giao thẻ tiết kiệm. Lợi dụng sơ hở này, Như đã chiếm đoạt số tiền 668 tỷ đồng trên. Còn 50 tỷ do hai nhân viên ACB gửi tại Chi nhánh VietinBank Nhà Bè, Huyền Như khai rằng Như đã đánh tráo hồ sơ và giả chữ ký của 2 nhân viên ACB để mở tài khoản tại Chi nhánh VietinBank Nhà Bè. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản, Như lập giả các lệnh chi, ký giả chữ ký của 2 nhân viên ACB để chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

“Tổng cộng số tiền tôi đã chiếm đoạt của ACB do 19 nhân viên đứng tên gửi tiền vào VietinBank là hơn 718 tỷ đồng”, bị cáo Huyền Như nói.

HĐXX cũng tập trung thẩm vấn những nội dung gần như tương tự phần thẩm vấn NaviBank và làm rõ tính pháp lý về hợp đồng ủy thác của ACB cho nhân viên để gửi tiết kiệm.

Đại diện Ngân hàng ACB được HĐXX mời nêu kháng cáo tại phiên tòa cấp phúc thẩm. Theo kháng cáo của ACB, đại diện ngân hàng này đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét về: Thủ tục tố tụng, tội danh của bị cáo Huyền Như và trách nhiệm bồi thường số tiền bị chiếm đoạt. Ông Nguyễn Hồng Tản được cử làm đại diện cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB tại tòa để đề nghị xem xét kháng cáo.

Ngoài việc làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của 9 chủ tài khoản để làm thủ tục tất toán và chiếm đoạt số tiền hơn 81 tỷ đồng, Như làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản để chuyển hết số tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB đi trả nợ và chiếm đoạt số tiền còn lại trong tài khoản tiền gửi của các nhân viên ACB.

Trả lời câu hỏi của VKS, ông Tản cho biết, trong thỏa thuận không có việc chuyển tiền từ tài khoản cá nhân tiền gửi sang tài khoản tiết kiệm. Bản thân trong hợp đồng cũng không quy định. Theo ông Tản thì khi nhân viên ký vào các hợp đồng chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác là làm theo chỉ dẫn của Huyền Như.

HĐXX chuyển sang thẩm vấn bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, quê Thái Bình) - cựu Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Bị cáo Tuấn vướng tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Tuấn giúp sức Huyền Như chiếm đoạt của Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương 80 tỷ đồng. Đối chất với Huyền Như, bị cáo này cho biết: Không bàn bạc với bị cáo Tuấn.

Báo SK&ĐS sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ở các số báo sau. Mời bạn đọc theo dõi!

Ngọc Đỗ - Thanh Phong

 

 


Ý kiến của bạn