Hà Nội

Làm rõ hành vi cố ý làm trái của các bị cáo

11-05-2018 07:42 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong phiên xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngày 10/5, Hội đồng Xét xử (HĐXX) tiếp tục phần xét hỏi, trong đó tiến hành làm rõ “quy trình ngược” trong bản hợp đồng tổng thầu thi công Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Hợp đồng số 33).

Người ký hợp đồng 33 không phải chịu trách nhiệm?

Thông thường, nhà thầu sẽ phải chuẩn bị mọi tài liệu để thuyết phục chủ đầu tư ký hợp đồng giao thầu. Vậy nhưng Hợp đồng số 33 trị giá 1,2 tỷ USD lại được chủ đầu tư soạn sẵn mời nhà thầu tay không tới ký. Theo lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận, ông không chuẩn bị hồ sơ, tài liệu nào, dù là tối thiểu để gặp mặt đàm phán các điều kiện Hợp đồng số 33. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu chuẩn bị để ký hợp đồng này là do phía PVPower chuẩn bị, sau đó gửi giấy mời để Vũ Đức Thuận tới ký hợp đồng.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, các cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Đinh La Thăng là người quyết liệt chỉ đạo, thúc ép các bên ký hợp đồng và buộc PVPower phải chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Việc thúc ép, chỉ đạo của bị cáo Thăng dẫn tới những sai phạm, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tại tòa, bị cáo Thăng không đồng tình các cáo buộc này. Bị cáo Thăng cho rằng, PVPower là một pháp nhân độc lập, PVC cũng vậy, hai bên tự nguyện ký kết hợp đồng với nhau. Để ký kết được hợp đồng này, các cá nhân ở PVPower là chủ đầu tư đã chủ động chuẩn bị hồ sơ giả, làm giả các tài liệu và lấy số công văn trước làm cơ sở để ký kết hợp đồng. Sau đó, chính lãnh đạo PVPower ký văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đề nghị cấp vốn để tạm ứng, chi trả cho PVN. Vậy nhưng lời khai của ông Vũ Huy Quang - nguyên Tổng Giám đốc PVPower - chủ đầu tư của dự án khẳng định bị lãnh đạo ép buộc phải ký hợp đồng.

Xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại PVN và PVCBị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC trả lời các câu hỏi trước HĐXX.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cho rằng ông Vũ Huy Quang và một số người có liên quan tới việc chuẩn bị và ký Hợp đồng số 33 với PVC là “xét tính chất, mức độ nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự”. Trong khi đó, các bị cáo khác trong vụ án đều bị xử lý do có liên quan tới bản hợp đồng và chuyển tiền tạm ứng thông qua hợp đồng này.

Triệu tập đại diện Văn phòng PVN về việc xử lý văn bản

Để làm rõ nhiều nội dung trong lời khai của các bị cáo về việc “không nhận được” các văn bản, báo cáo liên quan đến chỉ đạo ký thầu, tạm ứng tiền, HĐXX đã triệu tập ông Hồ Công Kỳ, nguyên Chánh Văn phòng PVN vào thời điểm xảy ra vụ án và Chánh Văn phòng hiện nay là ông Khương Văn Đạt (trước đó là Phó Chánh Văn phòng) vào phiên chiều 9/5.

Ngày 10/5, sau phần xét hỏi với các bị cáo có kháng cáo, đại diện VKS khẳng định bản án sơ thẩm là hoàn toàn đúng pháp luật, không oan sai đối với tất cả các bị cáo. VKS kiến nghị giảm án cho 7/14 bị cáo, trong đó có bị cáo Phùng Đình Thực, nhưng đề nghị y án với bị cáo Đinh La Thăng và cho rằng trong phiên xét xử này không xuất hiện tình tiết mới. Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo đề nghị xem xét tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, các bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc PVC; Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2;… cũng được đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm do chưa có tình tiết mới.

Khi Chủ tọa hỏi ai là người xử lý các văn bản gửi đến Tổng Giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn PVN, ông Hồ Công Kỳ cho biết, mình phân công ông Khương Văn Đạt, khi đó là Phó Chánh Văn phòng trực tiếp phụ trách công việc phân phối văn thư lưu trữ. Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ông Khương Văn Đạt cho biết các văn bản được chuyển theo chức năng nhiệm vụ do Ban Giám đốc PVN phân công và khẳng định rằng “không nhất thiết văn bản nào cũng phải chuyển cho Tổng Giám đốc” mà có thể chuyển thẳng cho các Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực liên quan.

Trước đó, bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) cho rằng, bị cáo đã có công văn gửi cho tất cả các thành viên trong Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc báo cáo về vướng mắc trong Hợp đồng EPC số 33, phản đối chuyển tiền khi thấy tình hình phức tạp. Trước khi có văn bản này, bị cáo đã gửi nhiều văn bản khác báo cáo về cảnh báo Hợp đồng 33 không đủ điều kiện, việc tạm ứng cũng không đủ điều kiện, đã trình bày bằng văn bản với lãnh đạo tập đoàn đề nghị hủy Hợp đồng 33. Bị cáo Chương cho biết thêm, sau những lần gửi văn bản phản đối như vậy không có phản hồi, bị cáo đã phải gửi văn bản đóng dấu mật tới đích danh Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực để trình bày.

Tuy nhiên, bị cáo Phùng Đình Thực khẳng định không nhận được các văn bản. Còn bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, các văn bản của PVC, PVPower bị cáo nhận được thì đều có bút phê. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX yêu cầu Văn phòng PVN trích xuất 4 văn bản liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để kiểm tra việc các văn bản đã được chuyển đến bị cáo Phùng Đình Thực hay chưa.

Cũng tại diễn biến phiên tòa, Chủ tọa đặt câu hỏi liên quan việc nguyên Tổng Giám đốc PVPower Vũ Huy Quang khai rằng tại cuộc họp 31/3/2011 đã báo cáo HĐQT về nội dung Hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ pháp lý, phải ký lại. Trả lời Chủ tọa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, Vũ Huy Quang khai thế là không chính xác, cuộc họp có rất nhiều người và chứng kiến Vũ Huy Quang có báo cáo hay không.

Trước câu hỏi của Luật sư cũng về nội dung này, các bị cáo khác cùng tham gia cuộc họp trên như Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN), Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) cũng đều xác nhận là không nghe thấy ông Quang báo cáo việc Hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ pháp lý, phải ký lại. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX yêu cầu ông Quang trình bày bằng chứng về nội dung đã trình bày tại cuộc họp 31/3/2011 của HĐQT PVN.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn