Một trong những vấn đề nóng hiện nay và được người dân quan tâm là vấn đề đất đai. Hiện nay, tình trạng sử dụng đất lãng phí còn nhiều, nhất là tại các nông, lâm trường quốc doanh, trong khi nhiều hộ đồng bào dân tộc còn thiếu đất sản xuất, các vụ khiếu kiện về đất đai vẫn còn gây bức xúc một bộ phận người dân. Tại phiên chất vấn, người dân kỳ vọng vào ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khi người đứng đầu ngành thanh tra cho biết, các bộ, ngành đã phối hợp và triển khai quyết liệt để giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai, nhất là 528 vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Ðến cuối tháng 6/2013, đã giải quyết được 465 vụ việc, chiếm 88% vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Và mong muốn, những vụ khiếu kiện về đất đai còn tồn đọng sẽ sớm được các bộ, ngành tiếp tục phối hợp giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, công tác cấp phép khai thác khoáng sản vi phạm các quy định của pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương, như cấp phép không đúng thẩm quyền, không có giấy chứng nhận đầu tư. Điều mà dư luận lo lắng là điều dễ hiểu bởi chính người đứng đầu Bộ TN-MT cho biết, trong năm 2013, Bộ đã trực tiếp kiểm tra và phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm. Những sai phạm trong cấp phép chủ yếu như cấp phép không đúng thẩm quyền, cấp phép khi chưa có giấy phép đầu tư, chưa có báo cáo tác động môi trường. Trách nhiệm trong việc cấp phép sai chủ yếu ở cấp địa phương, vì việc cấp phép đã được phân cấp cho các địa phương, nhiều địa phương cố tình lập dự án và cấp phép dù có sai phạm. Mặc dù Bộ đã đề nghị các địa phương đình chỉ khai thác và thu hồi giấy phép với những trường hợp vi phạm, nhưng dư luận cho rằng trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát để xảy ra sai phạm trong việc cấp phép có cả trách nhiệm của Bộ TN-MT.
Phiên chất vấn chỉ diễn ra trong 1 ngày, nhưng với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc giữa câu hỏi của các đại biểu Quốc hội và câu trả lời thẳng vào vấn đề của các thành viên Chính phủ cho thấy bên cạnh những mặt đã làm được vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng và phổ biến giáo dục pháp luật, vấn đề quản lý và sử dụng đất hiệu quả, công tác cấp phép, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Người dân và cử tri mong muốn, từ phiên chất vấn trực tiếp này sẽ gợi mở nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực quản lý nhà nước trong khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; việc giao và cấp GCNQSDÐ, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai... Từ đó các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất của các đại biểu Quốc hội và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực ngành mình quản lý.
Nguyễn Thu